Trấn áp tội phạm tại TP.HCM: “Điểm nóng” vùng giáp ranh
(Dân trí) - Hàng trăm đối tượng, băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” đã bị lực lượng chức năng triệt phá, bắt giữ. Tuy nhiên, vùng giáp ranh giữa TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai luôn là "điểm nóng" về tội phạm.
“Điểm mặt” giới giang hồ
Từ lâu, vùng giáp ranh giữa TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai luôn được xem là điểm nóng về tình hình an ninh trật tự với quy luật "ngầm" của hàng loạt các đối tượng, băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. Không ít cuộc “lấy số” đẫm máu đã xảy ra tại vùng đất này. Dù nhiều băng nhóm một thời làm mưa, làm gió ở khu vực vùng giáp ranh đã bị triệt phá như băng giang hồ Tuấn “chó” (Vũ Đức Tuấn, quê Nghệ An), Mười Thu (Nguyễn Trọng Mười, quê Nghệ An), Băng Minh “đen” (Nguyễn Văn Minh, quê Hà Tĩnh), băng nhóm Nguyễn Thị Hồng Loan (chuyên trộm cắp, đâm chém, bảo kê, cưỡng đoạt tài sản)...nhưng vùng giáp ranh vẫn luôn "dậy sóng".
Đặc điểm chung của các băng nhóm tội phạm hoạt động tại khu vực này là bọn chúng sẵn sàng “nói chuyện” với bất cứ ai có mâu thuẫn bằng dao búa, thậm chí nhiều cuộc đụng độ còn có sự xuất hiện của “hàng nóng”.
Bên cạnh đó, hàng loạt các băng nhóm tội phạm cũng bị lực lượng chức năng triệt phá. Điển hình là nhóm cướp chuyên lợi dụng trời mưa để dàn cảnh va quẹt xe, sau đó dùng hung khí tấn công nạn nhân cướp tài sản xảy ra ở vùng giáp ranh; băng nhóm do đối tượng Mai Xuân Cường cầm đầu chuyên dàn cảnh tấn công các đôi tình nhân cướp tài sản; nhóm đối tượng do Hồ Sỹ Huân chỉ đạo, đây là băng nhóm chuyên dàn cảnh vờ hỏi đường để đồng bọn ra tay bẻ khóa trộm xe…
Bên cạnh đó, các băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” chuyên bảo kê, cho vay lãi xuất “cắt cổ”, cưỡng đoạt tài sản cũng bị triệt phá hàng loạt. Cụ thể là nhóm giang hồ hoạt động bảo kê, cưỡng đoạt tài sản của nhân viên các quán cà phê do Phạm Trọng Nhân cầm đầu, băng nhóm chuyên hoạt động bảo kê do Phạm Thế Anh cầm đầu, băng giang hồ do Nguyễn Tấn Đạt cùng 7 đối tượng chuyên hoạt động ở vùng giáp ranh cũng lần lượt sa lưới. Hai băng nhóm cướp tài sản khác do Nguyễn Thanh Tuấn và Ngô Văn Nghị chuyên cướp tài sản ở khu vực giáp ranh cũng bị đánh sập.
Tuy hàng loạt băng nhóm tội phạm bị “cất vó” nhưng vùng giáp ranh chưa bao giờ “vắng chủ”.
Vùng đất dữ!
Chỉ trong năm 2015, khu vực giáp ranh giữa 3 tỉnh TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai đã xảy ra 1.205 vụ phạm pháp hình sự (trong đó, TP.HCM 795 vụ, Bình Dương 177 vụ, Đồng Nai 235 vụ), án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng 61 vụ, chiếm 5,06%; các cơ quan công an đã điều tra, khám phá 966 vụ (đạt tỉ lệ 80,16%). Đáng chú ý tội phạm có yếu tố nước ngoài xảy ra ngày càng nhiều.
Bên cạnh đó, Cục Cảnh sát hình sự phái Nam đã đưa vào “tầm ngắm” 254 băng nhóm tội phạm với 1.655 người có biểu hiện hoạt động trộm cắp, cướp giật, bảo kê, cho vay, cưỡng đoạt, đâm chém…
Dù TP.HCM – Bình Dương và Đồng Nai đã hợp sức để đấu tranh, trấn áp tội phạm tại vùng giáp ranh, tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự nơi đây vẫn phức tạp và được nhiều người ví nơi đây như “vùng đất dữ”. Giới giang hồ cả nước mỗi khi bị thất thế hoặc muốn “lập nghiệp” đều nghĩ ngay đến việc chọn khu vực vùng giáp ranh để “dừng chân”. Điển hình là các nhóm tội phạm từ Hải Phòng, Nghệ An, miền Trung, miền Tây… tập trung về khu vực vùng giáp ranh để gây án khiến người dân cảm thấy bất an, lo lắng.
Sở dĩ nhiều băng nhóm tội phạm chọn khu vực vùng giáp ranh làm “sào huyệt” vì nơi đây thuận lợi về giao thông, địa lý, khu vực này có nhiều khu công nghiệp, bao bọc "điểm nóng" là những cung đường liên kết (quốc lộ 1A, cầu Đồng Nai - quốc lộ 1K - cầu Hóa An; đường 743B - ngã ba Tân Vạn - quốc lộ 1K - cầu vượt Linh Trung - quốc lộ 13) rất dễ dàng cho băng nhóm phạm tội di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác sau khi gây án.
Vùng giáp ranh còn có sông lớn với nhiều kênh rạch vắt qua các tỉnh thành, thuận tiện cho tội phạm lẩn tránh. Cùng với hàng trăm ngàn công nhân, sinh viên khắp nước đến sinh sống, học tập, lao động là hàng chục ngàn nhà trọ cho đủ mọi thành phần, lứa tuổi thuê trọ rất khó kiểm soát. Dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ, tiệm cầm đồ, tiệm massage, karaoke trá hình mọc lên như nấm sau mưa…chính những điều kiện này vô hình đã trở thành lựa chọn điểm dừng chân "lý tưởng" của bọn tội phạm ẩn náu và hoạt động.
B. “so” đại ca "có số" một thời tại khu vực vùng giáp ranh cho rằng, “vùng đất dữ” chưa bao giờ vắng chủ, băng nhóm này triệt phá lập tức có băng nhóm khác thế chỗ, hoạt động kín kẽ và tinh vi hơn các nhóm trước. Nếu trước đây, các băng nhóm thường hoạt động riêng lẻ thì giờ bọn chúng đã “bắt tay” nhau tạo thành một hệ thống quy củ, qua đó cũng tránh được sự quét gắt gao của lực lượng chức năng. Các băng nhóm tội phạm tại chỗ liên kết với tội phạm lưu động; liên kết giữa trộm cắp với tiêu thụ, làm giả giấy tờ, văn bằng, con dấu…
Nhận định tình hình tội phạm tại khu vực vùng giáp ranh, Cục Cảnh sát hình sự (C45) Bộ Công an đánh giá, các băng nhóm có xu hướng chuyển hóa, đan xen giữa các loại tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường và thỏa hiệp về địa bàn hoạt động, tính chuyên nghiệp của tội phạm ngày càng cao. Có khá nhiều băng nhóm là đồng hương, vùng miền hoạt động đủ lĩnh vực từ trộm cắp, cướp giật, buôn bán ma túy, tiêu thụ tài sản…nên việc kiểm soát an ninh trật tự tại "vùng đất dữ" luôn cam go.
Trung Kiên – Đình Thảo