Quảng Ngãi:
Trâm cổ thụ trăm tuổi bị đốn hạ, bán sang Trung Quốc
Ngày 23-7, CAH Minh Long (Quảng Ngãi) cho biết đang điều tra làm rõ vụ xe đầu kéo chở 4 cây trâm với số lượng hàng chục m3 gỗ chở sang Trung Quốc bán.
Trước đó, ngày 20-7, tại đoạn đường Tỉnh lộ 625, thuộc xã Thanh An, huyện miền núi Minh Long, lực lượng CSGT Công an huyện trong lúc kiểm tra phát hiện xe đầu kéo biển số 76C-00693 do tài xế Trần Văn Sáu, 32 tuổi, ngụ thôn Liên Hiệp, thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh điều khiển từ hướng xã Long Môn theo Tịnh lộ 625 xuống đường Quốc lộ 1A.
Xe đầu kéo thùng phía sau phủ bạt quá khổ. CSGT ra tín hiệu dừng xe, qua kiểm tra phát hiện xe vi phạm không có sổ kiểm định, trên xe chở 4 cây gỗ nhội cổ thụ (còn gọi cây trâm). Trung bình mỗi cây cổ thụ có có chiều dài gần khoảng 15m. Có cây đường kính gốc trên 2m và có độ tuổi gần trăm năm. Tổng khối lượng 4 cây trên 21m khối gỗ.
Qua kiểm tra hồ sơ khai thác, vận chuyển cây cổ thụ, phát hiện còn thiếu một số giấy tờ liên quan. Ông Vy Thành Thái - ở phường Nghĩa Chánh, Tp Quảng Ngãi đã đến Công an huyện Minh Long thừa nhận là chủ số gỗ trâm trên. Theo ông Thái trình bày đã mua 4 gỗ trâm trên của người dân ở xã Long Môn. Rồi thuê xe ô đầu kéo chở bán lại cho các thương lái bán sang Trung Quốc.
Được biết, ngày 15-6-2012, ông Đinh Văn Ló, ở làng Trê, xã Long Môn được UBND huyện Minh Long có công văn đồng ý cho phép ông Ló khai thác 9 cây gỗ nhội (trâm) trên một diện tích đất lâm nghịêp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, UBND huyện Minh Long còn cho phép ông Ló và 4 hộ dân khác ở thôn làng Trê khai thác trên 20 chục cây gỗ nhội và cây ké khác.
Theo ông Thái, ông Đinh Văn Ló bán lại số cây gỗ trâm cho ông Thái. Tuy nhiên ông Thái không trình được giấy tờ mua bán số gỗ trên cho Công an huyện Minh Long. Theo ông Thái, để khai thác tận gốc thuận tiện đưa qua Trung Quốc trồng sống, các đối tượng đã sử dụng nhiều máy đào, hạ cây, trung chuyển ra đường mất nhiều ngày trời.
Trước đó, năm 2011, trên địa bàn huyện Minh Long, lực lượng chức năng đã phát hiện và ngăn chặn nhiều vụ chặt gỗ trâm đem bán đi Trung Quốc. Mọi chuyện tưởng sẽ dừng lại, tuy nhiên từ tháng 6-2012 đến nay, các lái thương xuất hiện lại huỵên miền núi Minh Long lùng sục mua cây trâm bán sang Trung Quốc.
Một già làng ở xã Long Môn cho biết, sở dĩ cây trâm cổ thụ vẫn còn nhiều ở các khu rừng, trong rẫy dân vì gỗ cây trâm người dân không sử dụng. Cây trâm là loài cây cực hút nước và giữ nước. Mỗi khi bứng cây trâm thì những cây con xung quanh cũng sẽ chết vì không còn cây trâm giữ nước. Việc bứng lấy bộ đế rễ cây trâm cũng sẽ khiến hàng loạt cây lớn nhỏ xung quanh bị đốn hạ. Chưa nói đến việc vận chuyển kéo cây trâm cổ thụ ra khỏi rừng sẽ san bằng các loại cây khác. Chính vì thế mỗi khi cây trâm cổ thụ bị bứng đi để lại hàng ngàn cây lớn nhỏ khác chết theo. Từ đây, hệ sinh thái rừng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm thay đổi dòng chảy. Đặc biệt, việc khai thác những cây ven đường vào mùa mưa bão rất dễ gây sạt lở, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Theo Thượng tá Huỳnh Trung Bảo - Trưởng Công an huyện Minh Long cho biết: Hiện Công an huyện đang tiếp tục tạm giữ xe ô tô và số gỗ trên để làm rõ sự việc. Ngoài ra, tình hình hình lái thương tìm đến các xã mua cây trâm, công an huyện sẽ kiến nghị chính quyền địa phương cần ngăn chặn khai thác cây trâm cổ thụ làm ảnh hưởng môi trường …
Theo Thái Thụy
An ninh thủ đô