1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Tông xe bắt cướp giật, có phạm tội?

Xung quanh tình huống tài xế xe Mercedes đuổi theo và tông xe máy của hai kẻ bẻ kính chiếu hậu, một vấn đề pháp lý được đặt ra:

Hành vi của tài xế có vi phạm pháp luật? Nếu hai kẻ cướp giật bị thương hoặc chết thì sao?

Ngày 28-12, Công an quận Phú Nhuận (TP.HCM) cho biết đã tung nhiều trinh sát truy lùng hai tên cướp giật bẻ kính chiếu hậu xe Mercedes xảy ra tại khu vực vào sân bay Tân Sơn Nhất trưa 25-12.

Được truy bắt người phạm tội quả tang

Trước đó, trên một tờ báo mạng xuất hiện đoạn video clip phản ánh tình huống chiếc xe Mercedes đang dừng chờ đèn đỏ tại giao lộ Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận) thì bị hai thanh niên đi xe Attila áp sáp bẻ kính chiếu hậu bên cửa tài xế (trị giá khoảng 30 triệu đồng). Tài xế xe Mercedes đã đuổi theo, mở cửa kính xe tri hô rồi húc vào đuôi xe máy của hai kẻ cướp giật. Hai tên cướp ngã xuống đường, bỏ xe chạy thoát cùng tang vật…

Tình huống này đã gây nhiều tranh cãi: Có người ủng hộ hành động của tài xế ô tô. Có người phản đối, bảo hành vi của tài xế có thể phạm tội cố ý gây thương tích, thậm chí là giết người nếu hậu quả xảy ra. Còn tài xế ô tô phân trần: “Đụng vào xe của bọn cướp có thể làm tôi bị thiệt hại nhiều hơn do ô tô bị móp phần đầu. Nhưng vì muốn bắt chúng giao công an để góp phần giảm những vụ cướp giật tương tự trên đường nên tôi đã quyết định làm như vậy”.

Chúng tôi đã trao đổi với các chuyên gia pháp luật để có cái nhìn chính xác về vụ việc.


Chúng tôi đã trao đổi với các chuyên gia pháp luật để có cái nhìn chính xác về vụ việc.

Theo Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM), Điều 82 BLTTHS quy định bất cứ người nào cũng có quyền bắt, giải ngay người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt hoặc người đang bị truy nã đến cơ quan công an, VKS hoặc UBND nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến cơ quan điều tra có thẩm quyền. Khi bắt người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt...

Như vậy, trường hợp bẻ kính ô tô là hành vi phạm pháp quả tang và tài xế ô tô hoàn toàn có thể đuổi bắt bằng nhiều phương tiện có thể. Việc dùng ô tô đuổi theo của tài xế trên là phù hợp bởi không lẽ bỏ xe chạy bộ đuổi theo. Hành vi trên là bắt người phạm tội quả tang nên không thể xem là phạm tội. Nếu có gây thương tích cũng là chuyện khó tránh, không thể dựa vào đó nói tài xế ô tô phạm tội. Việc nói tài xế ô tô có thể phạm tội cố ý gây thương tích hoặc giết người là không chuẩn bởi các yếu tố cấu thành tội phạm từ khách thể bị xâm hại, hành vi khách quan và ý thức chủ quan đều không có. “Tôi cho là hành vi của tài xế ô tô là rất dũng cảm và hoàn toàn hợp pháp” - Thẩm phán Hùng nói.

Đồng tình, Thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) cũng nói việc tài xế ô tô truy bắt, đụng xe máy của kẻ cướp giật không phạm tội, chỉ loại trừ trường hợp tài xế có hành vi nguy hiểm quá mức cần thiết, có ý thức tước đoạt sinh mạng của hai kẻ cướp.

Nhưng phải cân nhắc hậu quả

Bàn thêm, luật sư Nguyễn Minh Thuận (Đoàn Luật sư TP.HCM) băn khoăn: Dù BLTTHS cho phép mọi công dân bắt người phạm tội quả tang… nhưng BLTTHS và các văn bản hướng dẫn lại chưa quy định cụ thể rằng người dân được sử dụng các hành vi nào tương xứng để trấn áp tội phạm. Liệu người dân có được sử dụng tất cả biện pháp để truy bắt, trấn áp tội phạm cho bằng được hay không? Mặt khác, việc bắt người phạm tội quả tang… đối với người dân là quyền chứ không phải là nghĩa vụ. Do đó, người truy bắt người phạm tội quả tang… cần cân nhắc, so sánh giữa một bên là giá trị tài sản bị chiếm đoạt và một bên là tính mạng, sức khỏe của người phạm tội quả tang.

Ở góc nhìn này, kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Phó Viện trưởng Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao) cũng cho biết mọi công dân đều có quyền truy bắt tội phạm. Trong trường hợp cụ thể này thì cần phân tích hành vi truy đuổi có vượt quá mức cần thiết hay không. Nếu vượt quá mức cần thiết thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự của người đuổi bắt sẽ dựa trên hậu quả xảy ra.

“Đường sá thành thị truy đuổi như thế thì không thể lường trước được mọi hậu quả. Xe hơi lại là nguồn nguy hiểm cao độ, dùng nó tông vào xe máy có thể gây hậu quả chết người. Vì vậy, lẽ ra tài xế chỉ cần mở kính xe tri hô để được hỗ trợ bắt cướp mà thôi, không cần thiết phải có hành vi nguy hiểm như vậy” - ông Thêm nói.

Phòng vệ chính đáng?

Hai tên cướp giật có hành vi xâm phạm đến lợi ích chính đáng của chủ xe Mercedes. Hành vi cướp giật kính chiếu hậu trị giá 30 triệu đồng của chúng đã hoàn thành nhưng tội phạm chưa kết thúc. Hai tên cướp đang phải bỏ chạy, chưa thể tự do định đoạt chiếc kính chiếc hậu nên người bị hại vẫn có quyền thực hiện hành vi phòng vệ chính đáng để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.

Theo BLHS, phòng vệ chính đáng không bị coi là tội phạm. Tuy nhiên, nếu hành vi phòng vệ rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại thì người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Ví dụ: Lúc đuổi kịp, thay vì kiểm soát xe để chỉ tông nhẹ vào xe máy của kẻ cướp giật với mục đích làm chúng ngã ra đường, tài xế ô tô lại nhấn ga đụng mạnh, bất chấp hậu quả xảy ra…

Một kiểm sát viên VKSND TP.HCM

Theo HOÀNG YẾN
PLHCM