1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Tình người chốn công đường

(Dân trí) - Ở chốn công đường, nơi phân định đúng sai, nơi tìm ra công lý luôn tồn tại những mất mát và nỗi đau. Tội ác sẽ bị trừng phạt và trả giá. Thế nhưng, ở nơi đó không thiếu những tấm lòng yêu thương.

Yêu thương 

Khoảng tháng 7/2016, Phạm Ngọc Sơn (sinh năm 1992, quê Đắk Lắk) và chị Thùy D. có quan hệ tình cảm yêu đương trong thời gian Sơn học lái xe tại Đà Nẵng. Đến tháng 12/2016, do mâu thuẫn tình cảm nên chị D. chia tay với Sơn.

Sau đó, chị D. vào TPHCM làm công nhân và tạm trú tại quận Bình Tân, TPHCM. Sơn vẫn liên lạc qua mạng xã hội với chị D. và biết chỗ ở của chị D.

Tình người chốn công đường - 1

Được gia đình bị hại xin tha chết nhưng Sơn vẫn không thể thoát án tử hình.

Tháng 2/2017, Sơn vào TPHCM xin việc và tạm trú tại huyện Nhà Bè, TPHCM. Khoảng 8h ngày 27/3/2017, Sơn mượn xe máy của một người bạn chạy đến phòng trọ của chị D. nhưng chị D. tránh né, không muốn gặp Sơn.

Đến khoảng 16h cùng ngày, chị D. từ trên lầu đi xuống, Sơn thuyết phục chị D. quay lại với mình nhưng chị D. từ chối khiến 2 người cãi nhau. Sơn bỏ đi đến một tiệm tạp hóa mua dao giấu trong người.

Đến khoảng 17h, Sơn quay lại nhà trọ thuyết phục chị D. nối lại quan hệ tình cảm nhưng chị D. vẫn từ chối và bỏ đi lên lầu. Lúc này, Sơn dùng dao đâm liên tiếp nhiều nhát khiến chị D. tử vong.

Nuốt nỗi đau mất đi người con gái yêu quý, cha chị D. vẫn xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho Sơn vì dù gì con gái của ông cũng đã chết rồi. Sơn có bị tử hình thì con ông cũng không sống lại được.

"Tôi luôn mong tòa xử lý nghiêm minh, đúng đắn để răn đe và phòng ngừa tội phạm cho xã hội. Con tôi cũng đã mất rồi nên có oán hận hay thù ghét cũng không được gì cả. Vì vậy, tôi mong tòa xem xét để giảm án cho bị cáo", cha bị hại bày tỏ.

Trong phần xét hỏi, một vị hội thẩm nhấn mạnh: "Giữa cuộc sống hiện tại đầy nhọc nhằn, sóng gió, chúng ta càng nên trao cho nhau tình yêu thương, bỏ qua những lỗi lầm nhỏ nhặt để xã hội thêm tươi đẹp. Mất mát, tổn thương là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống muôn màu này. Thế nhưng, tình người vẫn luôn cần thiết phải phát huy để hâm nóng tình cảm, sự ấm áp giữa con người với nhau, thứ đang dần nguội lạnh, héo tàn".

Dù được gia đình bị hại xin cho cơ hội sống nhưng xét hành vi của bị cáo Sơn là nguy hiểm cho xã hội, hành vi mang tính chất côn đồ, xét bị cáo không còn khả năng cải tạo, giáo dục nên HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Sơn mức hình phạt tử hình.

Kết thúc buổi xét xử, những người tham dự lặng lẽ rời khỏi phiên tòa. Còn lại cuối cùng là những người thân hai gia đình, nín lặng nhìn nhau, mỗi người một nỗi đau riêng. Thế nhưng, chính tình yêu thương và tha thứ của gia đình bị hại đã xua đi không khí nặng nề, u ám nơi đây.

Tha thứ

Trong một vụ án khác, chỉ vì mâu thuẫn trong cuộc sống thường ngày mà Nguyễn Trường Thụy (sinh năm 1990 tại Tiền Giang) đã ra tay sát hại bố vợ.

Thụy và vợ sinh sống tại huyện Củ Chi, TPHCM. Tối 10/6/2019, Thụy uống bia say về phòng trọ thấy vợ bế con, dắt xe gắn máy đi công việc. Thấy vậy, Thụy cản lấy lại chìa khóa xe máy không cho đi.

Lúc này, em trai của vợ đang đứng gần phòng trọ nghe tiếng cự cãi đã chạy đến xem. Vợ Thụy nhờ em trai giúp đỡ và tiếp tục dẫn xe đi. Bị cáo giằng lấy con trên tay em vợ đưa vào phòng bên trong nhà.

Tình người chốn công đường - 2
Nguyễn Trường Thụy nhận được sự tha thứ từ gia đình bị hại.

Vợ Thụy liền gọi cha ruột là ông Đăng Văn H. đến can thiệp. Khi ông H. đến lời qua tiếng lại, ông có dùng tay đánh Thụy nhưng con rể đỡ được. Thụy lấy trong túi đựng cần câu cá đang treo trên tường một con dao tự chế bằng kim loại. Khi đôi co qua lại, bị cáo đẩy cha vợ và dùng con dao đâm ông một nhát. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng sau đó đã tử vong.

Trong phiên tòa hôm ấy, ngồi cạnh mẹ của nạn nhân trong suốt phiên tòa, chúng tôi mới thấu hiểu được nỗi đau khi mất đi đứa mà họ từng đặt nhiều kỳ vọng. Mỗi lần Viện Kiểm sát và HĐXX nhắc đến việc bị cáo đâm con trai mình, đôi vai của bà mẹ run lên bần bật, những tiếng thở nặng như tiếng lòng, không trút vào đâu được.

Tuy nhiên khi được hỏi về yêu cầu xử lý thì mẹ bị hại trả lời: "Tổn thương là điều không tránh khỏi, ai mất con mà không đau đớn nhưng với tinh thần yêu thương, nâng niu con người, chúng tôi sẵn sàng tha thứ và bỏ qua tất cả. Tôi mong tòa dùng pháp luật để trừng trị tội ác nhưng cũng mong tòa dùng chính sự khoan hồng của pháp luật để cảm hóa tâm hồn con người".

Được gia đình bị hại xin giảm nhẹ hình phạt, Thụy bị tòa tuyên phạt 18 năm tù về tội giết người.

Ranh giới giữa cái thiện và cái ác, giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Ở nhiều vụ án, chỉ vì một phút nóng giận, chủ quan, mạng sống của con người đã trở nên rẻ rúng. Bất mãn, tranh chấp, tội ác…, tất cả đều được giải quyết và trừng trị theo công lý, pháp luật. Duy chỉ có nỗi đau và những vết thương lòng là ở lại. Lúc ấy, chỉ có tha thứ, cảm thông mới xoa dịu được sự đau khổ, ai oán.