Vụ 10.000 lon sữa Ensure bị đánh tráo nhãn mác:

Tiếp tục làm rõ những nghi vấn của khách hàng

(Dân trí) - Ngày 7/6, cơ quan điều tra Công an TP Huế cho biết: Liên quan đến chuyên án 03VA0412, đơn vị vừa làm rõ thêm tình tiết và đối tượng liên quan đến vụ án nhập lậu và đánh tráo nhãn mác thương hiệu sữa Ensure.

Như Dân trí đã đưa tin, qua công tác nghiệp vụ, Công an TP Huế đã bước đầu bóc gỡ đường dây nhập lậu và đánh tráo trên 10 nghìn sản phẩm sữa Ensure. Quá trình đấu tranh, Công an đã làm rõ đối tượng Nguyễn Khởi Tín (Cu Sữa), sinh năm 1980, trú tại TP Hồ Chí Minh là một trong những đối tượng chính của vụ án.

Đối tượng này bước đầu khai nhận: y nhận sản phẩm sữa Ensure từ công ty TNHH một thành viên Minh Đạt Phú có trụ sở tại số 19 An Hải Bốn, An Hải Bắc, Quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Sau đó, Tín thuê Nguyễn Văn Hùng (SN 1971, trú tại 13/6 đường Cửa Trài, phường Phú Bình, TP Huế) chở sữa Ensure màu cam đến nhà bà Dung…. để thay đổi nhãn mác từ màu cam sang màu xanh để phân phối và tiêu thụ trên địa bàn TP Huế.

Nhãn mác màu xanh sữa Ensure do đối tượng Tín thuê một đối tượng khác tên là Phong làm nghề “cò mồi” tại chợ Lớn, TP Hồ Chí Minh làm. Sau khi thay đổi nhãn mác, y nhập số sản phẩm này cho doanh nghiệp tư nhân Vạn Thành, đường Đào Duy Anh, TP Huế.

Đối tượng Nguyễn Khởi Tín (cu Sữa) tại cơ quan điều tra
Đối tượng Nguyễn Khởi Tín (cu Sữa) tại cơ quan điều tra

Cũng theo Tín, do thị hiếu khách hàng ưu chuộng nhãn sữa Ensure màu xanh hơn nhãn màu cam và việc thay đổi nhãn mác này trừ các chi phí liên quan, y lời từ 700 – 800 trăm đồng/1 lon.
 
Mở rộng vụ án, cơ quan điều tra cảnh sát công an TP Huế tiếp tục làm việc với Nguyễn Xuân Minh (SN 1983, trú tại An Hải Bốn, An Hải Bắc, Quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) là giám đốc Công ty TNHH một thành viên Minh Đạt Phú, Đà Nẵng.

Bước đầu, Minh khai nhận: trước đó, ngày 5/2/2012, công ty có nhập 1.000 thùng sữa Ensure lon, với giá 20.500 USD từ công ty PLETRADING – 9311 KRAMER AVE#J WEST MINISTER CA 92683 USA. Đây là 1 trong 29 mặt hàng mà công ty nhập về. Số sản phẩm này được nhập về cảng Tiên Sa , Đà Nẵng ngày 5/2/2012.

Ngày 4/4/2012, được cảng hải quan cảng Tiên Sa cho tạm thông quan. Ngày 20/4/2012, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đạt yêu cầu nhập khẩu. Ngày 24/4/2012, Hải quan, TP Đà Nẵng cho thông quan chính thức nghĩa là số sản phẩm này được lưu hành trên thị trường. 

Những lon sữa Ensure bị bóc nhãn dán sang màu xanh chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ
Những lon sữa Ensure bị bóc nhãn dán sang màu xanh chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ

Thế nhưng, ngày 14 và 16/4/2012, Nguyễn Khởi Tín đã giới thiệu cho Nguyễn Xuân Minh bán số sản phẩm 350 thùng sữa Ensure cho doanh nghiệp tư nhân Vạn Thành. Như vậy, tại thời lô hàng này được bán chưa có hóa đơn, chưa được chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đạt yêu cầu nhập khẩu cho mặt hàng sữa Ensure và cũng chưa được hải quan Đà Nẵng cho thông quan.

Cũng theo Minh khai, việc làm của anh trai mình là Nguyễn Khởi Tín đã không có sự bàn bạc, đồng ý của lãnh đạo công ty mà do Tín vì lợi nhuận tự đánh tráo nhãn mác sữa Ensure từ màu cam sang màu xanh.

Chiều ngày 7/6, công an TP Huế đã có buổi làm việc với ông Trương Tuấn Huy – Giám đốc công ty TNHH dịch vụ đại diễn sở hữu công nghiệp châu Á (quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh). Ông được công ty Abbott Laboratories tại Việt Nam ủy quyền đến làm việc với tư cách là đối tác bảo vệ nhãn hiệu Abbott tại Việt Nam. 

Ông Huy đã cung cấp cho cơ quan điều tra công an TP Huế 3 mẫu nhãn sản phẩm sữa Ensure loại 237ml chai nhựa và lon do công ty Abbott cung cấp có tên Ensure Gold Vigor hương vani và một số thông tin khác có liên quan.
 
Hiện cơ quan điều tra công an TP Huế đang tiếp tục làm rõ những nghi vấn của khách hàng liên quan đến: Việc thay đổi nhãn mác sữa Ensure từ màu cam sang màu xanh ngoài mục đích thu lợi nhuận bất chính, lừa dối khách hàng thì còn mục đích nào khác? Đặc biệt, làm rõ thông tin liên quan đến việc một số sản phẩm nhập về từ cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), Lao Bảo (Quảng Trị) đã hết hạn sử dụng hay chưa? Và nghi vấn về một số sản phẩm trưng bày mẫu (không bán ra thị trường) được thu gom từ nước ngoài về Việt Nam thay đổi nhãn mác để bán và lừa dối khách hàng. 

Đại Dương - Trần Hồng