“Tiếp tay” siêu lừa, hàng loạt cán bộ Sở Tài nguyên và môi trường thoát tội
(Dân trí) - Ông Đào Anh Kiệt cùng thuộc cấp đã thực hiện việc cho phép công ty dệt kim Đông Phương được chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi chưa có quyết định hành chính của UBND TPHCM. Tuy nhiên, Viện kiểm sát cho rằng, vi phạm của ông Đào Anh Kiệt và các thuộc cấp không trực tiếp gây hậu quả, thiệt hại.
Ngày 15/5, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử bị cáo Lê Thành Công (sinh năm 1954, nguyên giám đốc công ty dệt kim Đông Phương) về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ.
Năm 2016, TAND cấp cao tại TPHCM đã tuyên phạt Dương Thanh Cường (tổng giám đốc tập đoàn Bình Phát) mức án chung thân về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Lê Thành Công mức án 25 năm tù về các tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục xem xét trách nhiệm của Lê Thành Công trong việc tự ý thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của lô đất số 10 Âu Cơ bảo lãnh cho công ty Tấn Phát của Dương Thanh Cường vay vốn ngân hàng.
Kết quả điều tra xác định, ngày 29/10/2017, Lê Thành Công đã ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất lô đất số 10 Âu Cơ (là tài sản Nhà nước do Tập đoàn Dệt may làm chủ sở hữu). Công ty dệt kim Đông Phương là người sử dụng để bảo lãnh cho công ty Tấn Phát (công ty con của Dương Thanh Cường) vay 130 tỉ đồng tại Agribank chi nhánh 6.
Ngày 9/5/2008, Lê Thành Công ký hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 10 Âu Cơ từ công ty dệt kim Đông Phương sang công ty Đông Phương Pháp (công ty con của Dương Thanh Cường).
Sau khi ký hợp đồng góp vốn, chuyển nhượng quyền sửu dụng đất số 10 Âu Cơ từ công ty Đông Phương sang công ty Đông Phương Phát, Lê Thành Công tiếp tục ký biên bản họp họp hội đồng thành viên đem quyền sử dụng đất số 10 Âu Cơ sang ngân hàng Phương Nam thế chấp, gán nợ (trong khi quyền sử dụng đất này đã thế chấp trước tại Agribank chi nhánh 6), tạo điều kiện cho “siêu lừa” Dương Thanh Cường thực hiện hành vi phạm tội, chiếm đoạt 170 tỉ đồng.
Cơ quan tố tụng xác định Lê Thành Công phải chịu trách nhiệm hình sự liên đới với Dương Thanh Cường về hành vi gây thiệt hại cho Agribank chi nhánh 6 hơn 134,4 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Công đã có hành vi trái luật và vượt thẩm quyền khi ký hợp đồng góp vốn và chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 10 Âu Cơ cho doanh nghiệp bên ngoài khi không thực hiện các thủ tục định giá và đấu giá đất theo quy định pháp luật, gây thiệt hại cho Tập đoàn dệt may Việt Nam 33,8 tỉ đồng. Tổng cộng, Lê Thành Công phải chịu trách nhiệm hình sự vì gây thiệt hại 168,2 tỉ đồng.
Đối với ông Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở TN&MT TPHCM), ông Ngô Huy Thanh (chuyên viên), ông Huỳnh Văn Thanh (phó trưởng phòng sử dụng quản lý đất) đã thực hiện việc cho phép công ty dệt kim Đông Phương được chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh sang đất lâu dài để thực hiện dự án xây dựng chung cư thương mại dịch vụ khi chưa có quyết định hành chính của UBND TPHCM về chuyển đổi mục đích sử dụng là vi phạm quy định luật đất đai.
Qua kết quả điều tra từ UBND TPHCM xác định, mặc dù UBND TPHCM chưa có văn bản chính thức về việc chuyển mục đích sử dụng đất nhưng đã thống nhất về mặt chủ trương. Tuy nhiên, theo Viện kiểm sát thì xét vi phạm của ông Đào Anh Kiệt và các thuộc cấp không trực tiếp gây hậu quả, thiệt hại nên Viện kiểm sát Tối cao chỉ kiến nghị UBND TPHCM xem xét xử lý theo quy định.
Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Công một mực kêu oan cho rằng hành vi của mình không có sai phạm. Những việc bị cáo thực hiện đều có sự chỉ đạo của tập đoàn dệt may Việt Nam.
Dự kiến phiên tòa kéo dài đến ngày 18/5.
Xuân Duy