Thư sám hối từ trại giam và lòng bao dung kỳ lạ
Người cha già nhiều đêm khóc khi đọc thư con trai gửi từ trại giam; một người cha có hoàn cảnh khác suy tư trằn trọc, nhiều đêm không ngủ, khi kẻ giết hại chính con mình gửi thư cho ông…
Phút đoàn viên của đứa con tội lỗi
Những người có mặt tại hội trường trung tâm trại giam Tống Lê Chân (thuộc Tổng cục VIII, Bộ công an, đóng ở Bình Phước) hôm ấy không kiềm được xúc động, có người khóc khi chứng kiến giây phút đoàn viên của cha con ông Nguyễn Trí Dũng (SN 1938) – Nguyễn Trung Thành (SN 1979).
Chia sẻ những suy nghĩ trước đông đảo các phạm nhân và cán bộ trại giam, ông Dũng lấy khăn quệt vội nước mắt.
Cha con ông Nguyễn Trí Dũng – Nguyễn Trung Thành trong lúc gặp nhau đầy nước mắt
Ông nói: “Cả đời tôi nghĩ Thành là đứa con đã vứt đi nhưng không ngờ rằng có được hôm nay. Những ngày qua khi nhận được thư con, tôi đã nhiều đêm khóc hết nước mắt, không ngờ con đã thay đổi nhiều như thế này”.
Theo ông kể, Thành là con đầu trong 3 đứa con của ông. Hơn chục năm trước, Thành dính vào ma túy; kể cả sau này Thành lập gia đình, có 2 con…cả vợ lẫn chồng cũng lao vào con đường lầm lạc đó.
Có thời gian ông chuyển gia đình Thành lên rẫy để cách ly đám bạn xấu. Nào ngờ, nhóm bạn của Thành tìm lên tận nơi, tổ chức những bữa tiệc ma túy. Thế rồi cả vợ chồng Thành đều dính vòng lao lý; riêng Thành lãnh án 7 năm tù; vợ Thành 8 năm tù…
Khi trại giam Tống Lê Chân phát động phong trào viết thư “gửi lời xin lỗi”, người con lầm lỗi trong tù đã viết thư gửi về cho cha.
Thành nhắc lại khoảnh khắc mình nhớ suốt đời, đó là hình ảnh người cha nằm trằn trọc, gác tay trên trán suy tư về đứa con trong đêm khuya.
“Con thừa biết rằng khi đó cha đang dằn vặt, đau đớn về đứa con này”. Cuối thư Thành hứa: “mong cha và gia đình nhận lời xin lỗi của con, để con vững tin cải tạo tốt, sớm trở về để trở thành một người tử tế, chuộc lại những lỗi lầm đã qua”.
Thư xin lỗi và những điều… không tưởng
Hôm ấy, ông Nguyễn Thanh Bắc (SN 1953, là cha ruột của Nguyễn Thanh Bằng bị sát hại cách đây chừng 4 năm) lặn lội lên trại Tống Lê Chân để gặp gỡ Lê Nguyên Vũ, kẻ giết hại con trai của mình. Ông Bắc nhớ lại, đến giờ nỗi đau vẫn không nguôi ngoai, vì đó là đứa con trai duy nhất của gia đình ông...
Trung tướng Nguyễn Văn Ninh giúp sự thù hận xóa tan, kẻ giết người thành tâm cúi đầu xin lỗi người cha của nạn nhân
Trước đó vài hôm, ông Bắc nhận được thư xin lỗi của Vũ đã làm ông suy tư, mất ngủ vài đêm…Vũ viết: “…giờ con không biết nói gì hơn ngoài lời xin lỗi, ăn năn hối hận từ sâu thẳm tấm lòng của con. Mong cô chú chấp nhận cho con lời xin lỗi”.
Giây phút đối diện ở hội trường trại giam, với ông Bắc thật khó khăn; với Vũ càng khó khăn ngàn lần. Ông Bắc đi thật chậm vì bối rối; Vũ khúm núm khoanh tay, liên tục cúi đầu chào. Thật khó cho sự bao dung, nhưng cuối cùng họ đã ngồi gần, hỏi thăm nhau…
Nhớ về vụ án xưa, ánh mắt ông Bắc đau đáu. Ông kể, con ông và Vũ có mâu thuẫn từ trước. Tình cờ gặp nhau ở bệnh viện huyện Lộc Ninh, nên xảy ra xô xát. Sau đó, Vũ cùng nhóm bạn truy sát, giết con ông ngay bệnh viện….
Khi được hỏi về chuyện trong phiên tòa, ông xin giảm án cho kẻ giết con mình. Ông Bắc trầm buồn: “chuyện cũng qua rồi, có làm gì con tôi cũng đâu có sống lại được. Với lại Vũ là con một trong gia đình. Khi nhận được thư Vũ tôi rất xúc động…Tôi có mặt ở đây để nhận ở Vũ lời xin lỗi, mở rộng lòng mình, không oán hận. Mọi việc đã qua, tôi mong Vũ cải tạo tốt, trở về phụng dưỡng mẹ già đang mỏi mòn chờ đợi ở nhà”.
Thật khó cho người cha và kẻ giết con mình. Ban đầu họ có khoảng cách nhất định, nhưng với sự có mặt của trung tướng Nguyễn Văn Ninh – Phó tổng cục trưởng Tổng cục VIII, Bộ công an, họ xích lại gần nhau hơn. Kẻ nói lời xin lỗi với thái độ thành khẩn, người đón nhận, mở lòng bao dung kỳ lạ.
Một trường hợp khác, là bà Nguyễn Thị Mai (SN 1960, ngụ huyện Đồng Phú, Bình Phước) hôm ấy mang cả gia đình dâu rể đến trại giam để nhận lời xin lỗi từ phạm nhân Lê Hoàng Sơn (SN 1986) đang thụ án 10 năm tù về tội “cố ý gây thương tích”.
Bà Mai nghẹn ngào nhớ lại vụ án gần 3 năm trước. Không thù không oán, 2 nhóm thanh niên truy sát ngoài đường, bỗng nhiên nhóm của Sơn cầm hung khí xông vào tận nhà bà đâm chém 5 người, trong đó người con rể của bà bị thương tích đến 46%, tàn phế suốt đời.
Thư của phạm nhân Lê Hoàng Sơn gửi cho bị hại.
Vài ngày trước, gia đình bà Mai nhận được thư của Sơn gửi cho người con rể của bà, ai nấy cũng dấy lên sự căm phẫn về chuyện đã qua. Nhưng bà Mai tâm sự: “càng đọc thư của Sơn, tôi và gia đình dịu hẳn, thấy Sơn cũng tội nghiệp…”.
“Anh không dễ gì tha thứ cho tôi. Nhưng nói được với anh một lời xin lỗi dù có muộn màng nhưng cũng làm lòng tôi nhẹ bớt nỗi day dứt trong lòng, giúp tôi có thêm nghị lực sống tốt, để có một ngày tôi được trở về gặp anh trong niềm vui và cầu xin được anh tha thứ…”, Sơn viết trong thư.
Và hôm ấy, gặp Sơn cả gia đình bà Mai đã mỉm cười tha thứ…