1. Dòng sự kiện:
  2. Tài xế Lexus đánh shipper
  3. Nam shipper bị đánh tử vong

Thiếu nữ bị đánh hội đồng, bắt quỳ xin lỗi: Trào lưu bạo lực từ mạng xã hội

Hải Nam

(Dân trí) - Theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, ngày nay, nhiều thanh thiếu niên bị ảnh hưởng từ những nội dung độc hại trên mạng xã hội, các trào lưu kích động bạo lực hoặc các hình mẫu tiêu cực từ phim ảnh, game.

Công an quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, đang xác minh, điều tra vụ một thiếu nữ 17 tuổi (ở Hà Nội) bị đánh hội đồng, quay clip đăng lên mạng xã hội.

Mẹ của nạn nhân đã phải đăng bài "cầu cứu" trên mạng xã hội. Nội dung clip cho thấy thiếu nữ này bị một nhóm khoảng 6-7 người đánh, đạp bằng chân, mũ bảo hiểm. Sau đó, nhóm này bắt nạn nhân quỳ xin lỗi.

Trước vụ việc trên, chia sẻ với phóng viên Dân trí, Thượng tá Đào Trung Hiếu, Tiến sĩ Tội phạm học, nhận định đây là một vụ việc nghiêm trọng, thể hiện sự gia tăng của bạo lực trong giới trẻ.

Xu hướng bạo lực do tính cách hung hăng

"Hành vi hành hung tập thể, bắt ép nạn nhân quỳ xin lỗi không chỉ xâm phạm nghiêm trọng đến thân thể, danh dự của nạn nhân mà còn phản ánh sự suy giảm về ý thức pháp luật, đạo đức trong một bộ phận thanh thiếu niên", ông Hiếu nói.

Dưới góc độ pháp lý, vị Thượng tá cho biết vụ việc này có dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích hoặc Làm nhục người khác.

"Những hành vi như vậy không thể xem nhẹ vì nó không chỉ gây tổn thương thể chất mà còn để lại hậu quả tâm lý lâu dài cho nạn nhân. Nếu không được xử lý nghiêm túc, có thể trở thành một tiền lệ xấu, khiến những hành vi bạo lực học đường tiếp tục gia tăng", vị chuyên gia đánh giá.

Thiếu nữ bị đánh hội đồng, bắt quỳ xin lỗi: Trào lưu bạo lực từ mạng xã hội - 1

Nạn nhân bị đánh vật ra đất (Ảnh: Cắt từ clip).

Nhận định về nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực nêu trên, Thượng tá Đào Trung Hiếu chỉ ra 3 nhóm yếu tố chính.

Đầu tiên là từ "cá nhân". Theo ông Hiếu, một số thanh thiếu niên có xu hướng hành vi bạo lực do tính cách hung hăng, thiếu kiềm chế cảm xúc hoặc do ảnh hưởng từ môi trường sống. Trong trường hợp này, nếu động cơ xuất phát từ ghen tuông thì đó là hệ quả của nhận thức lệch lạc về tình yêu, sự sở hữu và cái tôi cá nhân.

Tiếp đó là "ảnh hưởng từ gia đình". Thượng tá Hiếu phân tích, nếu trẻ sống trong môi trường thiếu sự giáo dục về đạo đức, không được quan tâm đúng mức hoặc thường xuyên chứng kiến bạo lực, chúng dễ có xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.

Cuối cùng là "tác động từ xã hội và mạng xã hội". 

"Ngày nay, nhiều thanh thiếu niên bị ảnh hưởng từ những nội dung độc hại trên mạng xã hội, các trào lưu kích động bạo lực hoặc các hình mẫu tiêu cực từ phim ảnh, game. Sự lan truyền của các vụ đánh hội đồng trên mạng có thể làm gia tăng hiện tượng này vì một số đối tượng muốn thể hiện bản thân, muốn "nổi tiếng" bằng cách quay clip bạo lực", ông Hiếu nói.

3 thái độ của "người chứng kiến"

Theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, trong nhiều vụ bạo lực nói chung và bạo lực trong học đường nói riêng, những người chứng kiến thường có 3 thái độ: Thờ ơ, cổ vũ hoặc can ngăn.

"Khi một vụ bạo lực xảy ra, sự im lặng của những người xung quanh có thể khiến kẻ gây hấn cảm thấy không bị ngăn cản, dẫn đến hành vi ngày càng nghiêm trọng.

Trong khi đó, một số người thay vì can ngăn lại quay video, tung lên mạng để "câu view". Điều này không chỉ tiếp tay cho bạo lực mà còn khiến nạn nhân bị tổn thương tinh thần nghiêm trọng hơn", ông Hiếu phân tích.

Do đó, theo vị Tiến sĩ, nhóm "những người can ngăn" có vai trò rất lớn. Những người này dám đứng ra bảo vệ nạn nhân thể hiện ý thức trách nhiệm cao, góp phần ngăn chặn hậu quả xấu.

"Cần nâng cao nhận thức để học sinh hiểu rằng hành vi im lặng hoặc cổ vũ bạo lực cũng có thể là tiếp tay cho tội ác", Thượng tá Hiếu chia sẻ.

Thiếu nữ bị đánh hội đồng, bắt quỳ xin lỗi: Trào lưu bạo lực từ mạng xã hội - 2

Thượng tá Đào Trung Hiếu (Ảnh: Hải Nam).

Sau những vụ việc nêu trên, ông Hiếu cho rằng gia đình, nhà trường và xã hội phải có trách nhiệm.

Với gia đình, theo ông, cha mẹ cần giáo dục con về cách kiểm soát cảm xúc, tôn trọng người khác và giải quyết mâu thuẫn một cách văn minh. Đồng thời, gia đình cần theo dõi con cái, kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường trong hành vi và tư tưởng.

Trong khi đó, nhà trường cần tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, tổ chức các buổi tuyên truyền về hậu quả pháp lý của bạo lực học đường, đồng thời, trường học phải có cơ chế phát hiện sớm và can thiệp kịp thời với những xung đột trong học sinh.

Song song với đó, cộng đồng cần lên án mạnh mẽ bạo lực học đường, có các biện pháp hỗ trợ tâm lý cho cả nạn nhân và người gây ra bạo lực để giúp họ điều chỉnh hành vi.

Cần thiết lập đường dây nóng

Chia sẻ với phóng viên, Thượng tá Đào Trung Hiếu đưa ra 4 kiến nghị, giải pháp nhằm ngăn chặn bạo lực học đường.

Một là, nâng cao nhận thức pháp luật: Tăng cường giáo dục pháp luật cho học sinh về hậu quả của bạo lực, giúp các em hiểu rõ trách nhiệm của mình.

Hai là, siết chặt quản lý nội dung trên mạng xã hội: Cần có biện pháp kiểm soát, xử lý các nội dung kích động bạo lực, đồng thời tuyên truyền để thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm.

Ba là, thiết lập đường dây nóng: Cần có các kênh thông tin để học sinh có thể tố giác nạn bạo lực một cách dễ dàng và an toàn.

Bốn là, xây dựng văn hóa tôn trọng và đối thoại: Nhà trường, gia đình và xã hội cần hướng dẫn trẻ cách giải quyết mâu thuẫn bằng đối thoại thay vì bạo lực.

"Vụ việc này là một hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng bạo lực học đường đang diễn biến phức tạp. Chúng ta không thể xem nhẹ mà cần có giải pháp quyết liệt, đồng bộ để bảo vệ học sinh và xây dựng một môi trường học đường an toàn, lành mạnh", Tiến sĩ Đào Trung Hiếu nói.