1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc từ 1/11

(Dân trí) - Nghị định hướng dẫn thực hiện quy định thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc thay cho xử bắn vừa được ban hành. Theo đó, những người bị kết án tử hình sẽ được tiêm 3 loại thuốc độc, áp dụng từ 1/11 tới.

Thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc từ 1/11 - 1
Cơ quan chức năng còn hơn 1 tháng để chuẩn bị các loại máy móc, phương tiện, phòng tiêm thuốc độc.
 
Nghị định số 82/2011 được Thủ tướng Chính phủ ký thông qua, quy định cụ thể về thuốc tiêm, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức thi hành án tử hình, chính sách với cán bộ tham gia thi hành án…

Theo đó, một liều tiêm vào tử tù sẽ gồm ba loại thuốc: Sodium thiopental dùng để gây mê, Pancuronium bromide dùng để làm tê liệt hệ thần kinh và cơ bắp, Potassium chloride dùng để ngừng hoạt động của tim. Cơ quan thi hành án phải chuẩn bị ba liều thuốc này (hai để dự phòng) và các loại máy, trang bị, phương tiện cho thi hành án tử hình...

Thuốc để sử dụng cho thi hành án tử hình do Bộ Y tế cấp theo đề nghị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Việc bàn giao thuốc phải được lập biên bản giao, nhận; niêm phong, quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật.

Người tham gia đội thi hành án tử hình và bác sĩ xác định tĩnh mạch để tiêm thuốc độc vào cơ thể tử tù được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng 2 lần mức lương tối thiểu chung cho mỗi lần thi hành án và được nghỉ dưỡng 10 ngày theo quy định chung về chế độ nghỉ dưỡng đối với cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng công an, quân đội.

Người tham gia hội đồng thi hành án tử hình, bác sĩ pháp y, cán bộ chuyên môn, người thực hiện lăn tay người bị thi hành án tử hình, khâm liệm, an táng tử thi được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng 1 lần mức lương tối thiểu chung quy định cho mỗi lần thi hành án.

Những người tham gia khác được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng 1/2 mức lương tối thiểu chung cho mỗi lần thi hành án.

Nghị định 82 quy định, trường hợp thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị kết án tử hình được nhận tử thi về mai táng thì phải tự chịu chi phí đưa, di chuyển tử thi và phải cam kết chấp hành đúng quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự.

UBND cấp tỉnh có trách nhiệm cấp đất để xây dựng nơi thi hành án tử hình, chỉ định nơi mai táng tử tù trong trường hợp thân nhân, gia đình không xin nhận tử thi. UBND cấp xã nơi tổ chức thi hành án tử hình có trách nhiệm tham gia bảo đảm an ninh, trật tự nơi thi hành án; cử đại diện chứng kiến việc thi hành án tử hình; làm thủ tục khai tử cho bị án.

Nghị định 82 sẽ chính thức áp dụng từ 1/11 tới.

P.Thảo