Thanh niên được thiếu phụ thuê chặt chân, tay nói gì?
(Dân trí) - Theo anh Doãn Văn D., sau khi chặt chân tay chị N., anh được chị này yêu cầu để chân, tay chị ta và cả đôi dép lên đường ray tàu. D. biết hành động của mình là sai và rất ân hận.
Hối hận trước hành động ghê rợn
Liên quan đến vụ thuê người chặt chân, tay nhằm trục lợi tiền bảo hiểm, chia sẻ trên báo An ninh thủ đô, anh Doãn Văn D. (21 tuổi, trú tại Phúc Thọ, Hà Nội) tỏ ra rất hối hận. Theo lời kể của anh D., khoảng 15h chiều ngày 4/5, anh cùng chị Lý Thị N. (30 tuổi, trú tại huyện Phúc Thọ) đi xuống quận Bắc Từ Liêm.
“Đi nửa đường, chị ấy mua một con dao rồi thuê nhà nghỉ để nghỉ. Đến khoảng 10 rưỡi tối, chị ấy gọi taxi đi, sau đó bảo tôi vào một đường tàu, tôi cũng không biết đó là chỗ nào” - anh D. kể.
Theo anh D., khi đến khu vực đường sắt, chị N. bảo anh đi vào trong, còn chị này đứng bên ngoài nói chuyện với một người đàn ông chừng 30-40 phút. Sau đó, chị N. đi vào trong khu vực đường sắt, đợi khoảng 10-15 phút sau thì có đoàn tàu đến.
“Chị ấy bảo tôi làm đi. Tôi đã chặt chân trước. Chân tay chị ấy đã kê lên sẵn đường ray tàu. Tôi chặt một nhát chân, một nhát tay. Sau đó, tôi lấy dây chuối buộc chân, tay cho chị rồi chạy ra ngoài tìm người cứu giúp” - anh D. kể lại hành động ghê rợn của mình và cho biết thêm, chị N. còn yêu cầu anh để chân, tay và cả đôi dép lên đường ray.
Thanh niên 21 tuổi nhận thức được hành động của mình là sai và tỏ ra rất hối hận.
“Lúc đó, tôi chỉ nghĩ kiếm chút tiền cho mẹ ở nhà, cho các em đi học” - D. nói.
Người được thuê chặt chân, tay có thể bị khởi tố
Như Dân trí đã đưa tin, khoản 0h5 ngày 5/5, anh Doãn Văn D. đến trực ban Công an quận Bắc Từ Liêm trình báo phát hiện vụ tai nạn giao thông đường sắt tại địa phận phường Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm. Có mặt tại hiện trường, cơ quan công an xác định nạn nhân Lý Thị N. đang nằm dọc đường ray bên trái đường sắt, bị cụt 1/3 bàn tay trái và 1/3 bàn chân trái.
Cơ quan công an đã đưa chị N. vào bệnh viện 19-8 cấp cứu. Tại bệnh viện, chị N. đã được nối lại bàn tay trái và bàn chân trái.
Đến ngày 8/5, chị N. xin chuyển đến bệnh viện Việt - Đức điều trị. Các bác sỹ đã tháo bỏ phần thi thể bị đứt rời. Do vết thương bị hoại tử, chị N. phải cắt cụt thêm 1/3 cẳng tay trái và 1/3 cẳng chân trái. Kết luận giám định xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương trên cơ thể của Lý Thị N. là 79%.
Quá trình làm việc tại cơ quan công an, Lý Thị N. khai có nhiều điểm bất hợp lý. Qua điều tra, cảnh sát làm rõ, do nợ nần không có khả năng chi trả, chị N. đã nghĩ ra việc lừa đảo chiếm đoạt tiền của các công ty bảo hiểm bằng cách thuê anh Doãn Văn D. chặt chân, tay của mình.
Đánh giá về vụ việc này, luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cho rằng, với tỷ lệ thương tích 79%, người được thuê thực hiện hành chặt chân, tay đã thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 3, Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009
“Cơ quan điều tra có đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can. Người thực hiện hành vi chặt chân, tay sẽ phải đối diện mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù giam” - luật sư Tuấn nhận định.
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
…..
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên, hoặc dẫn đến chết người, hoặc từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
Tiến Nguyên