Tham mua iPhone giá rẻ, chuyển hàng trăm tỷ đồng cho “siêu lừa”
Ham mua hàng iPhone “xách tay” với giá rẻ hơn thị trường tới 10 triệu đồng/chiếc, hàng chục người ở Hà Nội đang có nguy cơ mất trắng số tiền gần 200 tỷ đồng khi chuyển tiền cho Vicky Doan - một người bán hàng quen trên mạng xã hội Facebook.
Kẻ truy nã núp bóng doanh nhân chuyên làm từ thiện
Chị Nguyễn Hồng N. (ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị chuyên kinh doanh trên mạng nên có tham gia một số nhóm của những người mua bán hàng hiệu và các loại hàng hóa có giá trị cao khác.
Khoảng cuối năm 2016, có một tài khoản Facebook là “Vicky Doan” tham gia vào nhóm này và đăng thông tin bán điện thoại iPhone hàng xách tay Mỹ giá rẻ hơn thị trường. Chị N. và rất nhiều người đã liên hệ với Vicky Doan để đặt mua hàng. Theo đó, giá iPhone đời mới nhất mà Vicky Doan bán cho mọi người rẻ hơn giá thị trường từ 5-7 triệu đồng/chiếc.
Do chưa giao dịch với Vicky Doan bao giờ nên thời gian đầu, chị N. và mọi người chỉ đặt thử 1-2 chiếc để kiểm nghiệm. Lúc này, Vicky Doan giao hàng rất đúng thời hạn. Kiểm tra điện thoại thấy đúng là hàng “xịn” nên mọi người rất tin tưởng và hỉ hả vì đã mua được món hời. Từ đó, chị N. và mọi người chính thức kết bạn với Vicky Doan.
Quá trình giao dịch, Vicky Doan gửi cho chị N. bản chụp CMND mang tên Đoàn Mai Thanh (SN 1982) ở Quảng Ninh và số tài khoản mở tại Ngân hàng Vietcombank cũng mang tên Đoàn Mai Thanh để chuyển tiền. Vicky Doan tự giới thiệu đang kinh doanh spa tại ngõ Cống Trắng, Khâm Thiên (Hà Nội).
Một số người đã đến cửa hàng spa này để gặp Vicky Doan (tức Đoàn Mai Thanh). Từ đó củng cố thêm niềm tin rằng Vicky Doan là bà chủ kinh doanh spa hết sức hoành tráng và có nguồn “đánh” hàng iPhone Mỹ xách tay.
Khoảng tháng 9-2017, Đoàn Mai Thanh sử dụng tài khoản Vicky Doan thông báo nhận đặt hàng các bản iPhone mới nhất như iPhone 7plus 128Gb, iPhone 8plus 64Gb, iPhone X 256Gb bản quốc tế Mỹ có “giá tốt”, rẻ hơn giá thị trường tới 10 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên điều kiện là phải mua cả lô số lượng lớn và phải đặt trước 100% giá trị hàng. Hàng sẽ về sau 2-3 tháng kể từ ngày chuyển tiền.
Tin Vicky Doan ở những lần giao dịch nhỏ lẻ trước đó, hơn nữa giá bán điện thoại rẻ chưa từng có nên chị N đã chuyển vào tài khoản mang tên Đoàn Mai Thanh 300 triệu đồng để mua 30 chiếc điện thoại iPhone 7plus theo lịch sẽ về vào ngày 10-12-2017.
Liên tiếp thời gian sau đó, cứ thỉnh thoảng Vicky Doan lại mời chào khách hàng đặt mua các lô hàng mới sẽ về Việt Nam trong thời gian các tháng 1 và 2-2018. Vậy là chị N lại tiếp tục chuyển tiền đặt hàng nhiều đợt với tổng số trên 1,3 tỷ đồng.
Đến ngày 17-12-2017, Vicky Doan thông báo lô hàng chị N đặt từ tháng 9-2017 đã về, có khách trả 16,5 triệu đồng/chiếc, nếu chị N bán thì Vicky Doan sẽ “đẩy” cho khách của chị ta trước. Tính toán thấy lãi tới 6,5 triệu đồng/chiếc mà lại bán được hết cả lô một lúc, chị N đồng ý nhờ Vicky Doan bán giúp, chỉ lấy lại 1 chiếc cho người bạn. Trị giá lô hàng 29 chiếc điện thoại sẽ là 478 triệu đồng.
Khoảng 1 tuần sau, Vicky Doan chuyển khoản trả cho chị N 100 triệu đồng, hẹn còn 378 triệu đồng sẽ gửi nốt trong thời gian từ 19-12 đến 24-12-2017.
Tuy nhiên đến ngày 20-12-2017 thì chị N không liên lạc được với Vicky Doan tức Đoàn Mai Thanh nữa, kể cả trên Facebook và điện thoại. Sau đó ít ngày, chị N đọc thông tin trên báo chí mới biết Đoàn Mai Thanh là đối tượng trốn truy nã về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và mới bị Công an Quảng Ninh bắt giữ.
Theo đó từ năm 2011 đến tháng 10-2013, Đoàn Mai Thanh khi đó là cán bộ tín dụng một ngân hàng ở Quảng Ninh đã vay tiền của nhiều người, hứa hẹn trả lãi suất cao, sau đó không có khả năng thanh toán và bỏ trốn. Tháng 3-2014, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định truy nã đối với Thanh. Như vậy, trong thời gian trốn truy nã, Đoàn Mai Thanh đã trốn lên Hà Nội và sử dụng tài khoản Facebook mang tên Vicky Doan để lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng thủ đoạn rao bán điện thoại iPhone giá rẻ.
“Khi Thanh bị bắt, xâu chuỗi lại, chúng tôi mới nhận ra những điều bất thường như trên Facebook cá nhân mang tên Vicky Doan, Đoàn Mai Thanh không bao giờ đăng ảnh và thông tin cá nhân, chỉ đăng ảnh các hoạt động từ thiện của một số nhóm thiện nguyện, trong đó có thông tin cảm ơn sự đóng góp, ủng hộ của Vicky Doan. Mặt khác khi nói chuyện với chúng tôi, chị ta luôn thề thốt làm những điều phúc đức. Vỏ bọc làm từ thiện của Thanh đã khiến chúng tôi tin tưởng chị ta là người tốt, kinh doanh đàng hoàng nên không đề phòng gì cả...” – Chị N. cay đắng cho biết.
Không chỉ có chị N., sau khi biết thông tin Đoàn Mai Thanh bị Công an Quảng Ninh bắt giữ, hàng chục người đặt mua iPhone của Thanh thông qua tài khoản Facebook “Nicky Doan” vô cùng choáng váng bởi họ đã chuyển số lượng lớn tiền cho “siêu lừa”. Những người bị hại đã lập group để chia sẻ thông tin và làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Đoàn Mai Thanh.
Theo thống kê của người bị hại thì riêng trên địa bàn Hà Nội có khoảng 70 người đã chuyển cho Đoàn Mai Thanh gần 200 tỷ đồng để mua iPhone nhưng chưa nhận được hàng, trong đó người bị lừa ít cũng vài trăm triệu, người bị lừa nhiều nhất là trên 22 tỷ đồng. Cũng giống như chị N., những người mua hàng này đều bị Đoàn Mai Thanh dẫn dụ mua các lô hàng iPhone giá rẻ theo phương thức chuyển tiền trước, nhận hàng sau 2 tháng.
Qua trao đổi với cán bộ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội, được biết ngoài người bị hại ở Hà Nội, đơn vị cũng tiếp nhận một số đơn trình báo của bị hại ở tỉnh ngoài tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn bán iPhone giá rẻ trên mạng của Đoàn Mai Thanh. Như vậy khả năng số tiền đã bị Thanh chiếm đoạt chưa dừng lại ở đây.
Những rủi ro khi giao dịch trên mạng...
Đa phần những người bị hại của Đoàn Mai Thanh còn rất trẻ. Có lẽ “máu” kinh doanh online và mối hời mà Thanh “vẽ” ra đã khiến họ dễ dàng chuyển hàng tỷ đồng cho kẻ lừa đảo “trong vòng vài nốt nhạc” qua hệ thống Internet Banking, không một chút lăn tăn. Cũng không ít bị hại là những đại lý kinh doanh điện thoại “lọc lõi” cũng dính bẫy. Cách thức giao dịch tiền tỷ nhưng chỉ xác lập trên mạng bằng tin nhắn chát, không hề có bất cứ hợp đồng nào của những “doanh nhân” này khiến chúng tôi khá ngạc nhiên.
Dẫu biết rằng giao dịch bằng niềm tin là khá phổ biến khi mua bán hàng trên mạng xã hội. Thế nhưng để chuyển một khoản tiền rất lớn cho một người mà chỉ biết nhau trên mạng một thời gian ngắn như vậy thì chẳng khác nào hình thức đánh bạc.
Đoàn Mai Thanh sử dụng tài khoản Facebook Vicky Doan để giao dịch lừa bán điện thoại iPhone giá rẻ; Không có hợp đồng mua bán, người bị hại chỉ có phiếu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho Đoàn Mai Thanh làm bằng chứng; Các giao dịch mua bán được thực hiện qua tin nhắn chat.
Trao đổi với phóng viên, tất cả những người bị hại đều thừa nhận vì tham rẻ nên họ đã dễ dàng mắc bẫy lừa mua điện thoại Iphone giá hời mà Đoàn Mai Thanh đưa ra. Không chỉ dốc hết tiền để mua món hàng có giá rẻ một cách bất ngờ, nhiều người còn đi vay mượn hoặc trở thành đầu mối đi gom các đại lý nhỏ hơn chung tiền mua hàng.
Một số bị hại còn cho biết, ngoài chiêu trò bán Iphone xịn giá rẻ, Đoàn Mai Thanh còn hỏi vay tiền khách hàng, trả lãi suất cao, cũng nhằm mục đích đánh vào lòng tham để chiếm đoạt tiền vay. Việc vay tiền này cũng thông qua tin nhắn chát trên Facebook, sau đó chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của Đoàn Mai Thanh.
Thời đại Internet với sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội đã kéo theo nhiều nghề mới, trong đó có kinh doanh online thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Với ưu thế vượt trội như không mất nhiều thời gian, không phải thuê mặt bằng, nhân công, không sợ phải nộp thuế..., kinh doanh online đã trở nên phổ biến. Nhiều cá nhân đã lập tài khoản trên các mạng xã hội có số lượng đông người tham gia như Zalo, Facebook để bán hàng.
Ngoài hình thức bán hàng của cá nhân thì các hội nhóm cũng được thành lập. Nhiều người tưởng rằng khi vào hội nhóm này, người tham gia sẽ được sàng lọc kỹ hơn, hàng hóa được chọn lọc kỹ hơn. Nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Hiện tượng lừa đảo vẫn xảy ra. Không ít đối tượng xấu lợi dụng “chui” vào các hội nhóm này khai thác thông tin, nhu cầu của khách hàng để thực hiện hành vi lừa đảo, trong đó có thủ đoạn rao bán điện thoại Iphone xịn giá rẻ, yêu cầu chuyển tiền trước để “giữ hàng” mới được hưởng “chính sách giảm giá” nhằm chiếm đoạt tài sản.
Theo phân tích của Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, ngoài các trang web thương mại điện tử có uy tín, khi giao dịch mua bán với các cá nhân trên mạng xã hội, rủi ro xảy ra rất cao bởi người mua không xác định được chính xác danh tính, nhân thân thật của người bán hàng, không đánh giá được khả năng cung cấp hàng hóa và chất lượng hàng mà chỉ căn cứ trên hình ảnh đăng tải trên mạng.
Các giao dịch được thực hiện thông qua tin nhắn chát mà không có hợp đồng giao dịch viết tay nên khi xảy ra sự cố như không có hàng, chậm trả hàng hoặc chất lượng hàng không đúng như hình ảnh quảng cáo, hàng giả, hàng nhái... đã gây khó khăn cho công tác điều tra xử lý.
Trong giao dịch online, khi người mua hàng chuyển tiền qua ngân hàng, trường hợp đối tượng lừa đảo sử dụng tài khoản ngân hàng của người khác để rút tiền, gần như người mua bị mất trắng vì không xác định được nguồn tiền. Đây là rủi ro lớn nhất trong mua bán online.
Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, thông thường, các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản online hay chọn các sản phẩm đang hot, được nhiều người yêu thích như xe máy SH, xe máy Libety, điện thoại iPhone8, iPhone X... để làm “mồi nhử” những người nhẹ dạ. Sức hút của các sản phẩm này đôi khi cũng khiến nhiều người bị "mờ mắt" dẫn tới mất tiền oan.
Trong vụ việc lừa bán điện thoại iPhone của Đoàn Mai Thanh, mặc dù giá bán mà Thanh đưa ra còn thấp hơn cả giá bán chính hãng tại nước ngoài là điều hết sức vô lý nhưng không ít người mua vốn là những đại lý kinh doanh điện thoại lọc lõi vẫn tin rằng Thanh có mối hàng “xách tay”, hoặc là hàng thanh lý từ các vụ bắt giữ hàng nhập lậu của hải quan. Cũng chính vì tâm lý thích mua hàng xịn giá rẻ nên kể cả là hàng bất hợp pháp cũng được người mua chấp nhận.
Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo, khi giao dịch online trên mạng xã hội, người mua cần tìm hiểu kỹ về người bán hàng. Các thông tin về người bán hàng như chứng minh nhân dân, hộ khẩu, tài khoản ngân hàng phải gắn với thông tin cá nhân của người đó. Đối với những giao dịch lớn, người mua hàng phải thận trọng kiểm tra và xem xét thật kỹ trước khi chuyển tiền.
Theo Duy Trần
An ninh thế giới