1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Tết của những đứa trẻ sinh ra trong trại giam

(Dân trí) - Những ngày giáp Tết, dãy phòng điều trị của Trạm xã Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An vang lên tiếng ầu ơ của bà mẹ Vi Thị Múi (Nghệ An). Bé Lưu Ngọc Hà, con gái của bị can Vi Thị Múi là “công dân” mới nhất của Trại.

Cán bộ Trạm xã Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra sức khỏe cho cháu bé được sinh ra ở tù.
Cán bộ Trạm xã Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra sức khỏe cho cháu bé được sinh ra ở tù.

Với chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, bị can và các phạm nhân đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tuổi được hoãn thi hành án, trừ những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Những người chuẩn bị vượt cạn phải vào đây đều phạm trọng tội và việc sinh con trong tù là việc bất khả kháng.

Có bao nhiêu đứa trẻ “phải theo mẹ vào ở nhà lao”, các cán bộ quản giáo, cán bộ trạm xá Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An cũng không còn nhớ nỗi. Nhưng mỗi đứa trẻ chào đời là mỗi lần những cán bộ ở đây đều ở trong tình trạng trực chiến cao với những lo lắng, hồi hộp để chào đón một công dân mới.

Những ngày giáp Tết, dãy phòng điều trị của Trạm xã Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An vang lên tiếng ầu ơ của bà mẹ Vi Thị Múi (xã Quang Phong, huyện Quế Phong, Nghệ An). Bé Lưu Ngọc Hà, con gái của bị can Vi Thị Múi là “công dân” mới nhất của Trại.

Múi bị bắt vào trại với hành vi mua bán người khi cái thai trong vụng đã ở tháng thứ 6. Thiếu tá Thái Hoàng cho biết, từ hồi Múi vào trại, anh chồng đang ở Trung Quốc chưa về thăm lấy một lần. Bố mẹ Múi ở quê cũng nghèo, ít có điều kiện xuống thăm nuôi nên việc chuẩn bị cho Múi “mẹ tròn con vuông” đều do cán bộ của Trại đảm nhiệm.

“Cán bộ Trại chuẩn bị cho mẹ con Múi từng chiếc tã, chiếc khăn màn, hộp sữa. Hành vi của Múi là vi phạm pháp luật nhưng đứa trẻ vô tội, cán bộ Trại cũng làm bố, làm mẹ, không thể để cho một đứa trẻ ra đời trong thiếu thốn đủ bề được”, thiếu tá Hoàng tâm sự.

Cán bộ Trạm xã Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra sức khỏe cho cháu bé được sinh ra ở tù.
Thiếu tá Nguyễn Thị Thanh: "Mỗi can, phạm nhân sinh con là mỗi lần chúng tôi ở trong trạng thái trực chiến cao độ, vừa đảm bảo an ninh, vừa thay người thân chăm sóc sản phụ và cháu bé".

Nửa đêm, Múi chuyển dạ, cả trại cùng thức với chuyến “vượt cạn”. Thiếu tá Nguyễn Thị Thanh - cán bộ Trạm xá Trại tạm giam tỉnh Nghệ An kể: “Múi là một trong số ít bị can, phạm nhân sinh thường nên cán bộ quản giáo, cán bộ y tế cũng đỡ vất vả hơn. Mấy ngày Múi ở viện, cứ 2 cán bộ một ca túc trực trong bệnh viện, vừa đảm bảo an ninh vừa thay người thân chăm sóc cho sản phụ và cháu bé”. Bên cạnh việc chăm sóc, Ban giám thị cũng phân công cán bộ hồ sơ phối hợp với bệnh viện và chính quyền địa phương làm khai sinh cho cháu bé.

Ngày Múi chuyển dạ, chẳng chuẩn bị được bất cứ gì cho con. Cán bộ xúm lại, người mua quần áo, tã lót, người mua hộp sữa cho cháu bé. Tiêu chuẩn dành cho bị can, phạm nhân sinh con chỉ được một phần nào đó, cán bộ bớt một phần chi tiêu mua thêm miếng thịt, con cá cho sản phụ tẩm bổ để có sữa cho con bú. Ôm đứa con ngủ ngoan trong tay, Vi Thị Múi cười: “May được các cán bộ quan tâm, chăm sóc nên em cũng đủ sữa cho con bú. Cháu thương mẹ, thương các ông bà nên cũng ngoan lắm”.

Cách đây gần 1 tháng, “công dân nhỏ tuổi” của Trại là Đậu Vi Thành (SN 2013) đã chuyển theo mẹ đi thi hành án ở trại giam Đông Sơn (Quảng Bình). Mẹ Thành là Vi Thị Năm lĩnh án 19 năm tù về tội buôn bán người, nhập trại khi thai đã được 5 tháng tuổi. Chồng Năm cũng đang thụ án về tội mua bán trái phép chất ma túy nên mọi việc từ chuẩn bị sinh nở, nuôi nấng cháu bé đều nhờ hết vào Ban giám thị và các cán bộ quản giáo. Rồi cũng chính các cán bộ quản giáo đưa Thành đi bệnh viện chữa trị vì bé bị hẹp bao quy đầu, tiểu tiện rất khó khăn.

Cùng đợt sinh nở với Năm có cán bộ Trần Thị Minh Nguyệt. Mặc dù con nhỏ bận rộn nhưng cán bộ Nguyệt vẫn dành nhiều sự quan tâm cho Đậu Vi Thành. Quần áo cũ của con, chị Nguyệt giặt giũ sạch sẽ mang vào cho Thành. Thậm chí, nấu cháo cho con, nữ quản giáo này cũng nấu thêm phần của Thành rồi xách vào Trại.

Thương Thành sớm phải chịu thiệt thòi vì vắng bố, mẹ chịu án dài, gia đình cực kỳ khó khăn không có điều kiện tiếp tế, các cán bộ chăm chút cho cậu bé từng tấm áo, đôi giày, món đồ chơi. “Thằng bé sớm biết khôn, quấn quýt các “ông bà” quản giáo lắm. Ngày nó chuyển trại, thấy mà thương lắm, nước mắt mình cứ lăn dài. Đồ chơi cán bộ mua tặng chất cả thùng to mới hết”, thiếu tá Nguyễn Thị Thanh kể.

Cán bộ y tế thăm khám cho một sản phụ là phạm nhân chuẩn bị sinh con.
Cán bộ y tế thăm khám cho một sản phụ là phạm nhân chuẩn bị sinh con.

Năm nay ăn Tết ở Trại chỉ có mỗi công dân nhí Lưu Ngọc Hà nên cô bé được mọi người quan tâm nhiều hơn. Bên việc chuẩn bị Tết cho gia đình, phân công các ca trực Tết, cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An chuẩn bị nhiều món quà mừng tuổi cho bé.

“Tết ở đây không có lì xì đâu bởi phạm nhân không được dùng tiền mặt. Bên cạnh việc tổ chức cho các can, phạm nhân ăn Tết đón Xuân, Lãnh đạo trại, đoàn thanh niên, hội phụ nữ và các cán bộ quản giáo, cán bộ y tế đều quà cho bé Ngọc Hà. Con bé sớm phải chịu thiệt thòi hơn những đứa trẻ khác nên ai cũng thương. Có một điều rất đặc biệt là hầu hết các bé sinh ra ở trại giam đều rất ngoan, ít ốm đau, chắc là thương mẹ và các ông bà quản giáo”, thiếu tá Thái Hoàng cười.

Sinh ra ở tù, đó là thiệt thòi rất lớn của những đứa trẻ. Nhưng những thiệt thòi đã đã được các cán bộ, quản giáo bù đắp bằng những yêu thương, bằng những món quà thiết thực. Nói như thiếu tá Nguyễn Thị Thanh, trẻ con không có tội, ngay cả khi mẹ chúng phạm những tội đặc biệt nghiêm trọng thì các bé cũng có quyền được yêu thương, chăm sóc. Và chính những người quản giáo nơi đây đã ghé vai vào, bằng tình thương, bằng trách nhiệm để chăm lo cho từng đứa con của các can, phạm nhân, bù đắp cho những thiệt thòi của các bé.

Hoàng Lam