Tạo thuận lợi cho người dân khiếu kiện hành chính
(Dân trí) - Theo báo cáo của TANDTC, suốt 12 năm từ 1996-2008, các cấp tòa mới thụ lý 12.222 vụ, xét xử 10.132 vụ. Tính bình quân thì tòa hành chính chỉ thụ lý được 1,3 vụ/tháng, xét xử được 1,1 vụ/tháng.
Sau lời phát biểu khai mạc của Bà Đỗ Thị Thanh Nhàn, Giám đốc REACOM, Giáo sư Lưu Văn Đạt Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và GS, TS Trần Ngọc Đường, chuyên gia cao cấp Văn phòng Quốc hội đã chủ trì hội thảo.
Gần hai mươi bài tham luận và ý kiến đóng góp của các đại biểu tập trung phản ánh một số vấn đề như: Cần mở rộng điều kiện khởi kiện và quy định chặt chẽ các vấn đề về thu thập chứng cứ, thời hiệu khởi kiện, cơ chế giải quyết những bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng phát hiện có sai phạm nghiêm trọng …
Về điều kiện khởi kiện, đa số các luật sư cho rằng thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị cần mở rộng điều kiện khởi kiện. Khi có sự việc liên quan đến hành chính người dân có quyền lựa chọn kiện thẳng ra toà hành chính hoặc khiếu nại ra cơ quan hành chính, trừ việc khiếu nại về danh sách cử tri.
Trường hợp người dân chọn việc khiếu kiện ra cơ quan hành chính, hết thời hạn cơ quan hành chính, không trả lời hoặc người dân không chấp nhận việc giải quyết của cơ quan hành chính ở cả hai lần khiếu nại vẫn được quyền khởi kiện ra toà hành chính. Với quy định như vậy sẽ tạo điều kiện cho người dân có quyền đưa tất cả các vụ việc hành chính ra toà mà không bị ràng buộc bởi bất cứ điều kiện gì.
Các đại biểu cũng bầy tỏ sự băn khoăn, lo ngại về quy định tại điểm b khoản 1 Điều 86 và khoản 3 Điều 140 (Dự thảo 3) hoặc khoản 3 Điều 189 (dự thảo 4) về những phiên toà không có người tham gia tố tụng. ở những phiên toà như vậy thì việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người khởi kiện và người bị kiện sẽ ra sao? Đặc biệt là ở những phiên toà như vậy thì quy định tại khoản 3 Điều 117 (Dự thảo 3) hoặc khoản 3 Điều 153 (Dự thảo 4) về nghị án có còn ý nghĩa gì nữa hay không? Bởi khoản này quy định: “Khi nghị án chỉ được căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên toà, kết quả việc hỏi tại phiên toà và phải xem xét đầy đủ ý kiến của những người tham gia tố tụng…”.
Theo kế hoạch, Dự thảo Luật tố tụng hành chính sẽ được Quốc hội khoá XII họp kỳ 8 vào tháng 10/ 2010 xem xét, thông qua.
Tin ảnh: Lê Việt Hưng