TAND Hòa Bình tuyên truyền pháp luật qua xét xử lưu động

Công tác xét xử lưu động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm luôn được Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hòa Bình chú trọng, bởi nó đem lại hiệu quả rất cao trong công tác tuyên truyền pháp luật.

Một phiên xử lưu động tại huyện Mai Châu - Hòa Bình
Một phiên xử lưu động tại huyện Mai Châu - Hòa Bình

Trao đổi với phóng viên, ông Hà Quang Dĩnh – Chánh án TAND tỉnh Hòa Bình cho biết: Đối với cơ quan tố tụng, đấu tranh phòng, chống tội phạm là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Có thể hiểu rằng: “chống” tội phạm là việc đấu tranh, xử lý sau khi tội phạm đã xảy ra; “phòng” tội phạm là việc phòng ngừa, ngăn ngừa tội phạm xảy ra trên thực tế (trước khi tội phạm xảy ra) bằng các biện pháp hạn chế điều kiện phát sinh tội phạm.

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “xét xử tốt, những nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn”. Từ đó cho thấy quan điểm chủ đạo của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm là giáo dục, phòng ngừa tội phạm là chính. Vì khi công tác phòng ngừa tốt thì công tác chống tội phạm cũng đạt hiệu quả.

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật thường xuyên đến đông đảo quần chúng nhân dân là một trong những phương pháp phòng ngừa tội phạm hiệu quả.

TAND Hòa Bình tuyên truyền pháp luật qua xét xử lưu động - 2

Xét xử lưu động tại xã Phú Cường - huyện Tân Lạc - Hòa Bình

Xét xử lưu động tại xã Phú Cường - huyện Tân Lạc - Hòa Bình

Theo ông Chánh án, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, tình hình tội phạm nguy hiểm rất phức tạp, nguyên nhân là do tỉnh đang trên đà phát triển, trình độ dân trí ở một số vùng còn thấp không đồng đều, hạ tầng giao thông nông thôn nhiều hạn chế, không ít vùng có cộng đồng dân cư sống tách biệt nên hiểu biết về pháp luật còn thấp, dẫn đến ý thức chấp hành pháp luật chưa cao. Vì vậy công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đặc biệt là pháp luật hình sự càng phải được đẩy mạnh hơn nữa và thực hiện hiệu quả cao hơn.

Tổ chức phiên tòa xét xử lưu động là một trong những phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật hình sự về phòng chống tội phạm hiệu quả. Đây là phương pháp đưa những quy định của pháp luật hình sự để người dân tiếp cận một cách chủ động, trực tiếp. So với các phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật khác thì phương pháp này có nhiều ưu điểm vượt trội.

Việc tổ chức phiên tòa lưu động tại địa bàn xảy ra tội phạm sẽ thu hút được đông đảo người dân chứng kiến phiên tòa hơn. Nếu vụ án càng được sớm đưa ra xét xử thì hiệu quả công tác này càng cao vì tính thời sự của vụ việc vẫn còn và số lượng người hiếu kỳ tham dự là rất lớn.

Tham dự phiên tòa xét xử lưu động người dân sẽ được tiếp cận các quy định của pháp luật một cách chủ động, trực quan, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Khi đã biết và khi đã hiểu thì những người dân đó lại chính là cộng tác viên hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến tận các địa phương.


Các phiên xử lưu động có đông người theo dõi, đem lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền

Các phiên xử lưu động có đông người theo dõi, đem lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền

Được tham gia phiên tòa, nghe những phân tích, đánh giá, đấu tranh của Kiểm sát viên và Hội đồng xét xử về những hành vi nguy hiểm, thủ đoạn của tội phạm giúp cho người dân có thêm nhưng kiến thức, kinh nghiệm để bảo vệ tốt hơn bản thân, tài sản của chính mình, tập thể và nhà nước.

Những bản án ở phiên tòa lưu động không chỉ đạt mục đích trừng trị kẻ phạm tội mà còn góp phần rất lớn trong việc răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm. Thông qua đó người dân cũng chủ động, tích cực hơn trong việc tố giác tội phạm để cùng với các cơ quan chức năng giữ gìn trật tự, an ninh khu vực.

Tính từ năm 2016 đến nay, TAND hai cấp tỉnh Hòa Bình đã đưa ra xét xử lưu động 222 vụ án. Tại mỗi phiên tòa đều có đông đảo nhân dân tham dự, theo dõi.

Hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật sẽ đi vào cuộc sống của các tầng lớp nhân dân địa phương, thông qua phiên tòa xét xử lưu động đã dõ. Trong thời gian tiếp theo, việc tổ chức phiên tòa xét xử lưu động TAND hai cấp tỉnh Hòa Bình sẽ được tăng cường.

Đàm Quang