1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Tạm đình chỉ vụ án liên quan gia đình Chủ tịch Tân Hiệp Phát: Rồi sao nữa?

Xuân Duy

(Dân trí) - Theo luật sư, khi có kết quả giám định, nếu có đủ cơ sở thì cơ quan điều tra sẽ phục hồi điều tra, khởi tố bị can; nếu không đủ cơ sở thì nhà chức trách có thể ban hành quyết định đình chỉ vụ án...

Ngày 9/11, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại TPHCM và tỉnh Đồng Nai. Vụ án có liên quan đến tố cáo 2 con gái của ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch Công ty TNHH thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát, có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, là các dự án bất động sản có giá trị đặc biệt lớn.

Được biết, lý do tạm đình chỉ được cơ quan điều tra đưa ra do hết thời hạn điều tra và cần làm rõ thêm một số nội dung về công tác giám định. Trong đó, cơ quan điều tra yêu cầu làm rõ giám định thiệt hại liên quan đến những vấn đề bị tố cáo.

Tạm đình chỉ vụ án liên quan gia đình Chủ tịch Tân Hiệp Phát: Rồi sao nữa? - 1

Một góc khu đất thuộc dự án của Công ty bất động sản Minh Thành Đồng Nai bị cơ quan điều tra ngăn chặn chuyển dịch (Ảnh: B.S.).

Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, cơ quan điều tra tạm đình chỉ vụ án do hết thời hạn điều tra và cần làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến công tác giám định - là một hoạt động bình thường trong quá trình điều tra, theo quy định tại Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Đây là một vụ án đã được cơ quan điều tra khởi tố, sau khi tiếp nhận đơn tố giác tội phạm và thấy có dấu hiệu tội phạm. Vì đã thành vụ án nên được tính vào thời gian điều tra. Đối với vụ án có dấu hiệu tội phạm và là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (khung hình phạt trên 15 năm tù đến chung thân, tử hình) thì thời hạn điều tra vụ án là 4 tháng và được gia hạn 3 lần cùng với 1 lần gia hạn đặc biệt, tổng cộng thời gian điều tra của vụ án là 20 tháng.

Vụ án này chưa khởi tố bị can nhưng bất kể thời điểm khởi tố bị can là lúc nào thì thời hạn điều tra tính từ khi khởi tố vụ án. Vì vậy, sau khi khởi tố vụ án để điều tra nhưng loại vụ án phụ thuộc kết quả giám định (tức phải chờ có kết quả giám định) mới kết luận được có tội phạm xảy ra hay không hoặc có đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng tình nghi hay không.

Trường hợp này, cơ quan điều tra có quyền tạm đình chỉ vụ án để chờ kết quả điều tra. Thời gian tạm đình chỉ không tính vào thời gian điều tra của vụ án nhưng phải chịu sự điều chỉnh của quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của loại tội phạm đó, chẳng hạn, với tội đặc biệt nghiêm trọng là 20 năm.

Khi có kết quả giám định, nếu có đủ cơ sở xác định tội phạm, xác định được đối tượng phạm tội thì cơ quan điều tra thực hiện việc phục hồi điều tra, khởi tố bị can, tức đưa vụ án trở lại quy trình tố tụng thông thường. Nếu không đủ cơ sở thì nhà chức trách có thể ban hành quyết định đình chỉ vụ án.

Cũng theo luật sư Công, việc tạm đình chỉ vụ án để chờ kết quả giám định và kết quả giám định xác định không có tội phạm hoặc không đủ cơ sở để chứng minh nghi can là người thực hiện hành vi phạm tội theo tố cáo của người tố cáo thì tùy trường hợp mà xử lý người tố cáo.

Cụ thể, nếu đây là sự vu khống, làm giả tài liệu để tố cáo thì người tố cáo có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu tránh nhiệm hình sự tùy vào mức độ thực hiện hành vi. Còn việc tố cáo là chứng từ, giấy tờ có thật nhưng không đủ dấu hiệu tội phạm và do nhận thức chủ quan của người tố cáo rằng hành vi đó có dấu hiệu tội phạm thì không bị xử lý gì.

Theo diễn biến vụ việc qua báo chí, từ nội dung tố cáo mà cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án thì khả năng cao là người tố cáo không bị truy cứu trách nhiệm cả hành chính lẫn hình sự.