Tái xét xử vụ án Lý Nguyễn Chung: Nhân chứng mới chưa hẳn đã có giá trị chứng minh
(Dân trí) - Ngày 21-7, TAND tỉnh Bắc Giang sẽ mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Lý Nguyễn Chung về 2 tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Hồi đầu tháng 3 vừa qua, sau hơn 1 ngày thẩm vấn và tranh luận, HĐXX đã trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.
Bị cáo đã thành khẩn nhận tội
Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra ngày 6-3 vừa qua, Lý Nguyễn Chung (SN 1988, trú ở thôn Nà Pán, xã Nhượng Bạn, Lộc Bình, Lạng Sơn) đã bị VKSND Tối cao ủy quyền cho VKSND tỉnh Bắc Giang truy tố ra trước cơ quan xét xử cùng cấp cùng lúc về 2 tội “Giết người”, theo điểm g, khoản 1, Điều 93 và tội “Cướp tài sản”, quy định tại Điều 133-BLHS. Trong suốt 1 ngày bị thẩm vấn, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng khi mới chỉ 14 tuổi 7 tháng 25 ngày luôn tỏ ra thành khẩn khai báo.
Theo đó, Lý Nguyễn Chung trình bày, tối 15-8-2003, đối tượng tới cửa hàng tạp hóa của chị Nguyễn Thị Hoan (SN 1972, trú ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) để mua dầu gội đầu. Tại đây, bị cáo thấy chị Hoan lúi húi cạnh tủ quần áo, còn phía trong chiếc tủ kính bày hàng tạp hóa có 1 hộp đựng tiền nên nảy sinh ý định phạm tội. Chung rút con dao bấm trong túi quần ra đâm 1 nhát vào bụng nạn nhân. Khi chị Hoan định chạy ra phía sau nhà liền bị đối tượng chồm tới kẹp cổ, rồi đâm thêm nhiều nhát nữa vào người.
Chưa dừng lại, bị cáo sau đó còn dùng nhiều loại hung khí khác đánh và dùng gối chẹn mặt chị Hoan cho tới khi tắt thở. Sát hại chị Hoan xong, Chung lấy tiền trong tủ kính và tháo nhẫn vàng ở tay nạn nhân rồi tắt điện, khép cửa đi về nhà. Về gần nhà, bị cáo vứt con dao xuống mương nước và giấu tiền, vàng vào bờ tường nhà hàng xóm.
Lý Nguyễn Chung tại phiên tòa bị trả hồ sơ ngày 6-3 vừa qua
Về hành trình trốn tránh pháp luật, bị cáo cũng khai rất thành khẩn. Cụ thể, ngay sáng 16-8-2003, Chung được bố đẻ đưa ra bến xe về quê ở Lạng Sơn. Sau đó bị cáo được anh trai (đã chết) bố trí vào Đắk Lắk ẩn náu cho tới ngày vụ án thực sự được khám phá. Ngay cả việc ông Nguyễn Thanh Chấn bị đi tù oan vì đối tượng, Chung cũng khai biết rõ từ năm 2005, trong lần về quê chịu tang anh trai. Một số người thân của Chung khi ấy còn động viên: “Mày cứ yên tâm mà làm ăn trong đó đi vì đã có người đi tù thay cho mày rồi”.
Bản chất vụ án khó thay đổi
Trong khi Tòa án Bắc Giang đã lên kế hoạch mở lại phiên xử Lý Nguyễn Chung thì bà Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1962, ở TP Bắc Giang, Bắc Giang) bất ngờ có đơn gửi tới nhiều cơ quan với đề nghị phải làm rõ bị cáo Chung có thực sự là hung thủ giết chị Hoan hay không. Ngoài ra, người phụ nữ này còn đề nghị TAND Tối cao tạm dừng việc chi trả 7,2 tỷ đồng bồi thường oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn. Với lá đơn này, vụ án đặc biệt nghiêm trọng tại Bắc Giang xảy ra cách nay gần 12 năm lại thêm một lần “nổi sóng”.
Trao đổi với phóng viên ANTĐ, luật sư Giáp Văn Điệp (Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang) - bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đại diện bị hại cho biết, mặc dù quyết định đưa vụ án ra xét xử không có tên bà Nguyễn Thị Thu Hà, nhưng Tòa án Bắc Giang vừa bổ sung người phụ nữ này vào danh sách những người tham gia tố tụng với tư cách là nhân chứng. Trong khi đó, Thẩm phán Ngô Quang Dũng - Chủ tọa phiên xét xử Lý Nguyễn Chung cũng cho biết tất cả những người biết về vụ án đều có thể được mời đến dự tòa.
Như vậy là vụ án đặc biệt nghiêm trọng tại Bắc Giang đã có thêm nhân chứng mới. Thế nhưng nếu chỉ dừng lại nội dung viết trong đơn kiến nghị cũng như những gì mà bà Hà từng trao đổi trên báo chí thì theo luật sư Nguyễn Quang Tiến - Công ty TNHH Luật Bảo Thiên (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) rất khó có giá trị chứng minh. Cụ thể, theo bà Hà trước ngày bị sát hại không lâu, chị Hoan đã cầm cố 2 chiếc nhẫn vàng cho bà thì Lý Nguyễn Chung làm sao cướp được số tài sản ấy. Ngoài ra, trước khi bị sát hại chị Hoan từng có lần tâm sự về đời tư của mình nên sau khi vụ án xảy ra, bà Hà nhận thấy những lời mà nạn nhân tâm sự trước đây có liên quan “mật thiết” đến ông Chấn.
Phân tích về giá trị chứng minh đối với những khai báo của nhân chứng mới này, luật sư Tiến nhìn nhận giả sử chị Hoan có cầm cố 2 chiếc nhẫn vàng thật thì dựa vào đâu để bà Hà khẳng định bị hại chỉ có duy nhất số tài sản đó. Hơn nữa, ngoài lời nói thì bà Hà không đưa ra được chứng cứ nào khác thể hiện chị Hoan đã cầm cố tài sản ở thời điểm xảy ra vụ án. Còn về những tâm sự của bị hại, luật sư Tiến cho rằng dù thế nào đi chăng nữa thì cũng không đủ căn cứ để xác định cái chết của chị Hoan có liên quan đến ông Chấn.
Bình luận về các thông tin mà nhân chứng mới trong vụ án nêu, luật sư Tiến đánh giá nó chỉ có ích, có giá trị ở thời điểm vụ án vừa xảy ra trong việc định hướng điều tra và khi hung thủ cùng các tình tiết khách quan chưa được làm sáng tỏ. Cũng liên quan đến giá trị chứng minh đối với nhân chứng mới này, luật sư Tiến khẳng định bà Hà chỉ là nhân chứng gián tiếp, thậm chí là nhân chứng gián tiếp rất mờ nhạt. Do đó, vị thế, tính chất khi tham gia tố tụng của bà Hà cũng chủ yếu chỉ mang tính hình thức.
Theo Trịnh Tuyến
An ninh thủ đô