1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Đăk Lăk:

Sự trưởng thành của nữ quản giáo trẻ giữa cao nguyên lộng gió

Ngày đầu tiên về Trại giam Đắk Trung nhận công tác, Hằng bật khóc khi thấy trước mắt là cỏ lau, cây dại mọc um tùm cao hơn cô nửa cái đầu. Ngày ấy, mọi thứ thiếu thốn và sơ sài tưởng như đánh gục ý chí của cô quản giáo mới vỏn vẹn 20 tuổi đầu.

Và cho tới hôm nay, sau 8 năm kinh nghiệm trong nghề chuyên chở mơ ước của những con người lầm lỗi trở về nẻo thiện, Trung uý, nữ quản giáo Tạ Thị Mai Hằng hãnh diện với chặng đường đã bước với sự tận tâm, nhiệt thành yêu nghề của một người trẻ.

Tốt nghiệp Trung học Cảnh sát nhân dân 2, Tạ Thị Mai Hằng có hơn một sự lựa chọn. Hầu hết, bạn bè, đồng nghiệp của cô đều “tiên đoán” Mai Hằng sẽ trở lại vùng đất Tổ, phụng sự quê hương, nhưng khi nhận quyết định về công tác tại Trại giam Đắk Trung (Đắk Lắk), Mai Hằng hăm hở nhận quyết định đến nơi vẫn được người ta cho là “rừng thiêng nước độc” trước những giọt nước mắt và sự can ngăn quyết liệt vì thương con gái của mẹ.
 
Trung uý Tạ Thị Mai Hằng.
Trung uý Tạ Thị Mai Hằng.

Nhắc lại thời điểm mới về Trại giam Đắk Trung công tác, Mai Hằng chia sẻ: “Ai cũng bảo tôi bị… hâm. Có cơ hội về miền xuôi làm việc thì không thích, lại thích chui rúc ở cái nơi “khỉ ho cò gáy”, thế nhưng, tự tôi đã trả lời cho tất cả hoài nghi ấy bằng tình yêu đất, yêu nghề ở mảnh đất hồn hậu này. Mảnh đất này đã cho Hằng rất nhiều: Một công việc có ý nghĩa, giúp đỡ những phận đời lầm lỗi tìm lại chính mình; một môi trường làm việc gắn bó, tin yêu, công tâm và giàu tình cảm; một gia đình nhỏ với người bạn đời biết cảm thông, chia sẻ với công việc vất vả của vợ.

Cái mất chẳng thấy đâu, Hằng chỉ thấy mình “lãi” nhiều quá. Đồng thời, cuộc sống của Hằng trong hiện tại là câu trả lời chính xác nhất cho những hoài nghi về tương lai, hạnh phúc của Hằng khi nhận quyết định gắn bó với mảnh đất Đắk Lắk này”.

Ở Trại giam Đắk Trung, số lượng phạm nhân là người dân tộc thiểu số chiếm số lượng khá lớn. Đa phần những phạm nhân đó có trình độ nhận thức kém, hiểu biết Pháp luật hạn chế, do đó công việc cảm hoá, giáo dục phạm nhân, giúp họ hiểu rõ chính sách, pháp luật của Nhà nước gặp không ít khó khăn. Chính vì sự hiểu biết pháp luật non yếu này mà họ “vô tình” phạm tội và không ý thức được hậu quả nghiêm trọng do hành động mình gây ra. Như trường hợp của phạm nhân người dân tộc Êđê có tên HĐon thụ án tại phân trại K2 của Trại giam Đắk Trung do chính quản giáo Tạ Thị Mai Hằng trực tiếp quản lý, giáo dục. Chị ta đi tù vì tội giết người. Nạn nhân của HĐon không phải ai khác, là chính đứa con trai mới lọt lòng của HĐon.

Người đồng bào dân tộc thiểu số theo chế độ mẫu hệ. Nữ giới được trọng vọng, có vai trò lớn trong gia đình và cộng đồng, nam giới lép vế hơn so với phụ nữ. Chính vì quan niệm này, người phụ nữ Êđê chỉ ao ước sinh được con gái để sau này nó còn “bắt chồng” về làm lụng cho gia đình nhà vợ. Nhưng, “chẳng may”, đứa con chào đời của HĐon lại là con trai. Hôm ấy, HĐon đặt con trai vào một chiếc nôi nhỏ rồi bế con lên rẫy, treo lủng lẳng chiếc nôi lên cây. HĐon định bụng để đứa nhỏ ở đó, mặc kệ nắng mưa, gió bão để Yang đón nó về với người. Khi người ta phát hiện ra thì đứa trẻ đã chết và hành vi phạm tội của HĐon không qua mắt được cơ quan điều tra.

Trong phiên toà xét xử, với vốn tiếng Việt ít ỏi, HĐon thật thà phân bua: “Nó là con tao. Tao nuôi hay không là quyền của tao mà. Cớ sao tao bị cán bộ áo xanh bắt?”. Những lời giải thích của vị chủ tọa không thể một sớm một chiều giúp HĐon “ngấm” và hiểu tội lỗi phạm phải.

Khi được đưa về trại Đắk Trung thụ án, HĐon được giao cho đội do quản giáo Hằng quản lý. HĐon tỏ ra là một người phụ nữ khép mình, không trò chuyện, giao lưu với mọi người xung quanh. Một phần do bất đồng ngôn ngữ, một phần mặc cảm là người dân tộc, HĐon cô mình lại, một mình một thế giới riêng. Nhìn HĐon lủi thủi, cô độc, quản giáo Hằng thương xót và tìm mọi cách đi sâu tìm hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người đàn bà quê cục này.

Sự chậm chạp trong tâm lý tiếp nhận của HĐon khiến cán bộ Hằng mất rất nhiều công sức. Chị tâm sự: “Có những thứ ngoài nội quy, quy chế trại giam. Đó là tình người. Với trường hợp của chị HĐon, vì sự bất đồng ngôn ngữ nên nhiều lúc tôi giải thích thì HĐon hiểu, nhưng ngược lại, HĐon không biết diễn tả tâm tư, tình cảm của mình như thế nào để người khác hiểu được. Tôi đã dạy chị ấy viết, tạo điều kiện để HĐon cởi mở, trò chuyện với phạm nhân cùng buồng giam. Cuối cùng sự cố gắng ấy đã được đáp trả xứng đáng. HĐon vui vẻ, cởi mở hơn với mọi người xung quanh. Chị ta tích cực, chăm chỉ lao động, cải tạo và đã được hưởng ân xá của Chủ tịch nước, sớm trở về hoà nhập cộng đồng”.

Trung uý Tạ Thị Mai Hằng tâm sự, trại giam là một xã hội thu nhỏ với đầy đủ kiểu dạng người. Mỗi người có cá tính riêng. Bản thân là một cán bộ quản giáo, là người chấp pháp, thực thi pháp luật, nhưng Mai cũng là một con người bằng xương bằng thịt, có những tình cảm rất đời dành cho “học trò” của mình. Một trong những trường hợp để lại cho Mai nhiều suy nghĩ và niềm cảm thông là nữ phạm nhân Hoàng Thị Nhàn, án phạt 12 năm với tội danh giết người.

Nạn nhân của Nhàn là người chồng đầu ấp tay gối với Nhàn mười mấy, hai mươi năm. Khi Công an điều tra thủ phạm chế mìn khiến anh Sơn – chồng Nhàn bị thương và phải đưa đi cấp cứu chính là người vợ có với anh ta 3 mặt con, hầu hết gia đình, dư luận đều quay lưng lại với Nhàn. Thêm nữa, Nhàn không thực hiện phi vụ đó một mình mà có sự giúp sức của “người tình” tên Tuyên. Một người đàn bà phản bội chồng, cùng tình nhân bày mưu tính kế hại chồng, hẳn nhiên bị công luận phê phán, đả kích dữ dội. Hoàng Thị Nhàn đi tù với vô vàn tai tiếng và nước mắt tủi hờn.

Thời gian đầu mới vào trại, Nhàn không nói chuyện với ai. Chị ta thường lủi thủi một mình trong cả công việc và đời sống sinh hoạt hằng ngày. Bạn tù phong cho Nhàn danh hiệu “nữ hoàng băng giá”, ý nói chị là người lạnh lùng, khép kín, ít giao tế. Ngay cả khi quản giáo Hằng gọi riêng chị Nhàn tới nói chuyện, Nhàn vẫn giữ nguyên phong cách kiệm lời, ít nói, chỉ lặng yên lắng nghe.

Không chịu bỏ cuộc, quản giáo Hằng kiên trì trò chuyện, tìm hiểu thông tin về gia đình Nhàn và biết Nhàn có 3 người con, trong đó 2 đứa con vào Sài Gòn học và làm việc. Rất có thể trạng thái tâm lý nhớ con và cảm thấy có tội với các con khiến Nhàn trở thành một người sống cô lẻ. Quản giáo Hằng gặp riêng Nhàn, đánh thức khát vọng hoàn lương, khát vọng trở về bù đắp thiếu thốn cho 3 đứa con bất hạnh nén chặt trong lòng chị ta. Và lần đầu tiên kể từ khi nhập trại, “tảng băng” lạnh lùng kia đã tan chảy và chịu mở lòng chia sẻ về cuộc hôn nhân không hạnh phúc dẫn tới tấn bi kịch đau lòng.

Chồng Nhàn là một người đàn ông bạc nhược, không có chí tiến thủ, chỉ thích rượu chè, nhậu nhẹt bạn bè. Nhiều năm chung sống bên người chồng không phải là trụ cột gia đình đúng nghĩa, tất cả lo toan, công việc nặng nhọc trong nhà dồn cả vào đôi vai tảo tần của Nhàn. Vì các con, Nhàn cắn răng chịu đựng tất cả buồn phiền, ngụy trang cuộc hôn nhân của bản thân bằng những nụ cười giả dối.

Tìm kiếm sự đồng cảm, sẻ chia ở chồng trong vô vọng thì Nhàn gặp và quen một người đàn ông tên Tuyên, cũng là dân chạy chợ bán buôn như chị. Ban đầu chỉ là mối quan hệ buôn bán bình thường, nhưng dần dà Nhàn cảm thấy tìm được sự đồng cảm, sẻ chia ở người đàn ông không có được hạnh phúc gia đình giống như chị. Sự việc càng rối rắm hơn khi chồng Nhàn phát hiện vợ phản bội, bất chấp sự cầu xin, van nài của chị, chồng Nhàn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ. Nhàn quỳ xuống xin chồng tha thứ và viết đơn ly hôn, xin anh kí vào đó để giải thoát cho cả hai.

Hơn ai hết, chị hiểu cuộc hôn nhân của mình đã không còn hạnh phúc từ rất lâu rồi, và hơn cả, chị biết mình là kẻ phản bội chồng con, chị không còn xứng đáng với người chồng ấy nữa. Nhưng, 5 lần 7 lượt gửi đơn cho chồng đều bị anh xé bỏ với lý do: “Không để chúng mày đắc ý trong hạnh phúc”.

Nhàn đem câu chuyện buồn kể cho Tuyên nghe, và trong khi trò chuyện, một ý nghĩ vụt loé trong đầu chị. Nhàn muốn hành động, như một sự cảnh cáo, nhắc nhở rằng giữa chị ta và chồng không còn tình cảm gì nữa. Chỉ có hành động tuyệt tình mới giúp Sơn tỉnh ngộ và buông tha. Và Nhàn cùng Tuyên đã chế mìn và giăng bẫy “cảnh cáo” Sơn. Trong vụ án đó Hoàng Thị Nhàn phải chịu mức án 12 năm tù giam và người tình Bùi Sỹ Tuyên chịu án phạt 11 năm tù. 

Quản giáo Hằng bảo, hành động của Nhàn hoàn toàn sai trái và vi phạm pháp luật, song người đàn bà này cũng thật đáng thương. Chị ta bị giam cầm cuộc đời trong tờ giấy giá thú không tình yêu và trong lúc quẫn bách, Vương Thị Nhàn đã phạm sai lầm. Cùng là phụ nữ, quản giáo Hằng xót thương cho những người đàn bà dại dột, liều lĩnh như Nhàn. Sau những phút trải lòng, phạm nhân Nhàn cảm thấy nhẹ nhõm hơn, chị ta bảo sẽ vì các con mà phấn đấu cải tạo tốt, với hi vọng được trở về bù đắp thiệt thòi cho những đứa trẻ kém may mắn.

8 năm trước, khi bước chân về Trại giam Đắk Trung công tác, có một cô bé sinh viên mới ra trường nhỏ bé, gầy gò, mỏng manh bật khóc nức nở khi nhìn khu nhà giam mái tôn, vách ván, bốn bề là cỏ dại hoang sơ. 8 năm sau, cơ sở vật chất của Trại giam Đắk Trung không quá nhiều thay đổi, nhưng cô bé sinh viên ngày ấy đã trưởng thành, trở thành một cán bộ quản giáo cứng cáp, trưởng thành, không ngừng học hỏi, chuyên chở giấc mơ hoàn lương cho những con người lầm lạc

Theo Mộc Nhân
Cảnh sát toàn cầu