Sự thật đau lòng vụ mẹ xây lô cốt giữa nhà nhốt con gái 9 tuổi
Bị ám ảnh bởi ý nghĩ cô con gái 9 tuổi bị những người thân xâm hại và đầu độc ma túy, chị Nguyễn Thị Miên cho xây "lô cốt" giữa nhà rồi nhốt cô con gái 9 tuổi vào đó để "bảo vệ con". Sau một tháng bị mẹ đẻ giam cầm, cháu bé đã được cơ quan chức năng quận Long Biên giải cứu…
Người mẹ "đặc biệt"
Người mẹ xây lô cốt giữa nhà để nhốt con gái là chị Nguyễn Thị Miên (39 tuổi), ở tổ 9 Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội. Theo những người hàng xóm cho biết thì gia đình chị Miên ở tổ 11, phường Phúc Đồng. Chị kết hôn với anh Trịnh Quốc Đ. (41 tuổi), ở tổ 5 Gia Quất, phường Thượng Thanh, quận Long Biên. Anh chị sinh được 2 con, cháu trai Trịnh Đức H. (16 tuổi) và cháu gái Trịnh Ngọc H. (9 tuổi). Khi cháu Trịnh Ngọc H. được hơn 1 tuổi thì vợ chồng chị ly thân. Chị đưa con gái về nhà bố mẹ đẻ ở tổ 11 phường Phúc Đồng.
Đầu năm 2013, chị Miên được mẹ chia cho mảnh đất ở tổ 9 Phúc Đồng nên xây ngôi nhà cấp bốn rồi đưa con gái về ở. Trước đây, chị Miên làm thợ may tại nhà, nhưng từ ngày ra ở riêng, chị không làm nghề may nữa. Hai mẹ con sinh sống dựa vào khoản tiền gửi tiết kiệm, là tiền đền bù đất chị Miên được gia đình chia.
Bà Nguyễn Thị Được, mẹ chồng chị Miên cho biết, sau khi ly thân chồng, thỉnh thoảng, Miên vẫn đưa con gái về nhà nội chơi. Đến tuổi đi học, cháu H. được mẹ cho đi học tại Trường tiểu học Thượng Thanh. Sang năm học lớp 2, chị còn nói với mẹ chồng, do điều kiện ở xa nên nhờ bà buổi trưa đón cháu về cho ăn cơm, đầu giờ chiều lại đưa đến lớp. Cuối giờ chị đón con về nhà.
Đột nhiên đến hết năm lớp 2, chị Miên bảo không cho con học ở Trường tiểu học Thượng Thanh nữa mà xin về trường gần nhà. Thực ra là chị không cho cháu H. đi học nữa. Từ cuối năm 2012 đến giữa năm 2013, chị Miên liên tục làm đơn gửi Công an phường Thượng Thanh, Công an quận Long Biên và Phòng CSHS Công an TP Hà Nội, nội dung tố cáo anh Đ. - chồng Miên và anh Nguyễn Văn C. - anh trai của Miên có hành vi xâm hại tình dục đối với cháu H. và cho cháu sử dụng ma túy.
Qua xác minh, Cơ quan Công an kết luận việc tố cáo trên của chị Miên là sai sự thật. Cơ quan chức năng cũng đã trưng cầu giám định tình dục, ma túy đối với cháu Trịnh Ngọc H. Ngày 27/6/2013, Viện Pháp y Quốc gia kết luận cháu H. chưa từng bị xâm hại tình dục, đồng thời không có chất gây nghiện trong nước tiểu.
Tuy nhiên, sau đó chị Miên vẫn tiếp tục gửi đơn tới Công an phường Phúc Đồng tố cáo chồng và anh trai có nhiều hành vi nguy hiểm đối với cháu H. Trong các lá đơn này, chuyện "viên thuốc hình tam giác" được chị Miên nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Chị ta cho rằng đó là một loại ma túy tổng hợp mà chồng và anh trai đã tìm mọi cách cho con gái chị ăn khiến nó ngớ ngẩn, lú lẫn, sau đó xâm hại cháu bé.
Theo chị Miên thì đó là thứ thuốc có mùi "ngai ngái, hôi hôi, mỡ mỡ, hắc hắc" mà lúc nào chị cũng ngửi thấy trên đầu con gái. Những tình tiết trong đơn khá ly kỳ: Có lần, chị tố anh trai nửa đêm dỡ mái nhà chị đi xuống cho con gái chị uống "thuốc tam giác".
Lần khác, vì phát hiện có người mang "thuốc tam giác" đến ném vào nhà, nửa đêm chị Miên đưa con gái đi thuê nhà nghỉ để ngủ cho an toàn nhưng vẫn bị đối tượng bám theo, thuê phòng nghỉ bên cạnh để ném thuốc cho con gái chị. Một lần, vì lo lắng con gái bị đầu độc ma túy, chị Miên đã mua vé máy bay cho hai mẹ con đi vào TP HCM trốn nhưng lại tưởng tượng có người đi theo "ném thuốc tam giác"… Cũng chính vì lý do này, chị Miên đã không cho con gái đi học, để cháu ở nhà canh giữ.
Phát hiện việc chị Miên không cho con gái đi học, tổ dân phố, các ban ngành, đoàn thể địa phương đã đến gặp gỡ, vận động chị Miên cho con tiếp tục đi học nhưng chị này tỏ ra bất hợp tác, nói đã bảo lưu việc học để đưa cháu H. đi chữa bệnh. Bà Nguyễn Thị Được, mẹ chồng chị Miên cho biết, từ đầu năm học lớp 3, thấy con dâu không cho cháu H. đi học, bà đến nhà hỏi và khuyên chị phải cho con đi học thì chị nổi cáu.
Từ đó trở đi, chị không cho ai vào nhà nữa. Với các anh chị em ruột của Miên cũng vậy, chị ta không cho ai vào nhà. Chỉ một người được Miên mở cửa cho vào là bà Nguyễn Thị Nghé, 83 tuổi, là mẹ đẻ của Miên. Tuy nhiên, theo bà Nghé thì khi vào nhà, Miên chỉ cho bà ngồi trên giường phía ngoài, không cho gặp cháu H.. Có lần bà mang bánh kẹo đến cho cháu, Miên ném ra đường vì cho rằng bà mang "thuốc tam giác" đến hại con mình…
Với những người hàng xóm, Miên sống khép kín, không giao du với ai. Hàng ngày, chị ta chỉ ra ngoài đi chợ mua thức ăn, sau đó về nhà đóng cửa không cho ai vào.
Giải cứu cháu bé bị nhốt trong lô cốt
Chính vì vậy, chuyện chị Miên thuê thợ về xây lô cốt trong nhà để nhốt con gái từ bao giờ không ai biết. Theo những người hàng xóm thì trước đây, thỉnh thoảng Miên có cho con gái ra ngoài, đi "xe ôm" cùng. Nhưng khoảng một tháng trở lại đây, không nghe thấy tiếng cháu H., cũng không thấy cháu được mẹ cho ra ngoài. Nghi ngờ cháu H. bị mẹ nhốt, tổ dân phố đã phản ánh tới chính quyền và Cơ quan Công an.
Từ thông tin trên, ngày 27/3, Công an quận Long Biên, Công an phường Phúc Đồng phối hợp UBND phường cùng các ban ngành, đoàn thể phường Phúc Đồng tiến hành kiểm tra, phát hiện việc chị Miên xây lô cốt trong nhà để nhốt con gái. Cơ quan chức năng đã tiến hành giải cứu cháu bé, giao cho ông bà nội chăm sóc, đồng thời lập hồ sơ đưa chị Nguyễn Thị Miên đi chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần.
Ngày 6/4, trước sự chứng kiến của bà Nguyễn Thị Nghé, 83 tuổi, mẹ đẻ của chị Miên, chúng tôi được "mục sở thị" ngôi nhà, nơi có "lô cốt" người mẹ đã xây dựng để nhốt cô con gái. Ngôi nhà cấp bốn lợp mái tôn có diện tích khoảng 30m2, có cửa ra vào duy nhất ở mặt trước, 3 mặt còn lại đều xây kín không có khe hở.
Ngoài cửa xếp sắt, phía trong còn một lớp cửa kính có khóa. Nhà được lắp đặt 2 camera ở vị trí trước cửa và trong nhà, hướng quan sát đều nhìn ra phía ngoài. Đầu ghi camera được đặt trên gác xép ở cuối nhà. Với hai "mắt" camera ấy thì bất cứ người nào xuất hiện ở trước nhà đều bị phát hiện.
Vị trí lô cốt được xây giữa nhà, sát tường. Trước lô cốt là chiếc giường của chị Miên nằm hàng ngày. Sau lô cốt là công trình phụ và bếp. Lô cốt được xây dựng khá kiên cố, cao khoảng 1m50, rộng hơn 1m, dài khoảng 2m, đổ trần bê tông. Lô cốt có 2 lớp cửa ở vị trí vuông góc với nhau. Muốn vào bên trong lô cốt phải lần lượt lách qua hai lớp cửa khung nhôm kính này. Đường vào lô cốt vừa chật, vừa thấp, phải cúi đầu mới chui qua.
Phía trong lô cốt đặt một chiếc phản sát nền nhà, dài khoảng hơn 1m, chỉ đủ chỗ cho cháu H. ngồi hoặc nằm co, không duỗi chân thoải mái được. Góc lô cốt đặt một chiếc bô, dùng cho cháu H. đi vệ sinh hàng ngày. Chỉ ngó vào lô cốt một vài phút, chúng tôi thấy hoa hết cả mắt bởi mùi ẩm mốc, ngột ngạt, cộng thêm mùi xú uế từ chiếc bô. Vậy mà cháu H. bị mẹ nhốt trong chiếc lô cốt quái dị đó suốt một tháng qua.
Một người hàng xóm có mặt khi cơ quan chức năng giải cứu cháu H. cho biết, trước đây thỉnh thoảng có nhìn thấy chị Miên đưa con đi học bằng xe ôm. Lúc đó cháu H. người gày gò. Nhưng hôm cơ quan chức năng đưa cháu ra khỏi lô cốt, ai cũng giật mình vì cháu gái béo múp míp, đi lại rất khó khăn. Mọi người suy đoán có lẽ cháu bị nhốt trong phòng chật, không được vận động, lại được mẹ "vỗ béo" nên giống như người mắc bệnh béo phì. Bình thường, chị Miên là một người rất thương và chăm con. Ngày nào chị cũng đi mua 1kg bánh cuốn làm đồ ăn sáng rồi khoe cô con gái 9 tuổi ăn rất khỏe, có thể ăn hết cả cân bánh cuốn đó.
Bất bình trước hành động rồ dại của người mẹ, song người dân tổ 9 phường Phúc Đồng cũng chia sẻ cái nhìn thương cảm với người phụ nữ bất bình thường này. Theo một số người hàng xóm, chồng chị Miên nghiện ma túy lâu năm. Có lẽ ảnh hưởng từ người chồng nghiện ngập, cộng thêm bản tính sống khép kín, chịu đựng, không chia sẻ, tâm sự với mọi người nên chị Miên đã có những suy nghĩ tiêu cực, là nguyên nhân dẫn đến bệnh hoang tưởng.
Mọi người mong chị Miên sớm khỏi bệnh để về chăm sóc con gái. Hôm giải cứu cháu bé, nhìn cảnh cháu gái ôm chặt mẹ không rời, ai cũng ái ngại cho hoàn cảnh của chị. Có thể những bế tắc trong cuộc sống tình cảm đã khiến chị Miên bị bệnh mà người nhà đã không nhận ra.
Triệu chứng rối loạn hoang tưởng
Bác sĩ Đỗ Văn Thắng, Phó trưởng Khoa điều trị A, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết, chị Nguyễn Thị Miên có triệu chứng bệnh rối loạn hoang tưởng dai dẳng, lúc nào cũng nghi ngờ người khác, cụ thể là nghi chồng và anh trai có những hành động không tốt với chị và con gái.
Chính ý nghĩ hoang tưởng đó dẫn đến những hành vi không đúng như việc chị cho xây lô cốt để nhốt con gái với suy nghĩ làm như vậy để bảo vệ con. Tuy nhiên, chị Miên chỉ có một khía cạnh đó là không bình thường, còn tất cả các hoạt động và suy nghĩ khác đều bình thường.
Từ khi vào viện điều trị đến nay, các trạng thái cảm xúc căng thẳng ở chị Miên có đỡ hơn so với lúc ban đầu. Tuy nhiên, suy nghĩ hoang tưởng của chị Miên vẫn còn nguyên. Theo bác sĩ Thắng, nếu để bệnh nhân hết những suy nghĩ này thì phải có thời gian. Bởi sự hoang tưởng ấy có khi kéo dài hàng năm, thậm chí phải chung sống suốt cuộc đời, có hết hay không phụ thuộc vào bệnh nhân.
Cũng theo bác sĩ Thắng, chứng rối loạn hoang tưởng dai dẳng rất hay gặp ở lứa tuổi trung niên như chị Miên, đặc biệt là phụ nữ. Người bệnh thường chỉ có một suy nghĩ hoang tưởng xuyên suốt, có khi kéo dài đến lúc chết. Có chăng nếu được điều trị tốt, đến một lúc nào đó người bệnh sẽ nhận ra được suy nghĩ đó của mình là không đúng, cần phải gạt bỏ đi, hoặc suy nghĩ đó sẽ mờ nhạt dần, cộng với tác động tâm lý, phân tích của mọi người xung quanh.v.v… thì bệnh nhân có thể lờ suy nghĩ đó đi, chấp nhận sống bình thường. Còn để hết suy nghĩ đó, có khi là cả cuộc đời…
Nguyên nhân của bệnh, thường xuất hiện sau những biến cố trong cuộc sống khiến bệnh nhân phải suy nghĩ, ví dụ như bị người thân đối xử không tốt, hoặc do một quan hệ bất thường nào đó... khiến người bệnh sinh ra mất ngủ, lo lắng rồi có những biểu hiện, hành vi khác thường. Chứng hoang tưởng được hình thành trong một thời gian dài, có khi từ vài năm đến hàng chục năm sau mới biểu hiện rõ ràng. Trước khi "bệnh nặng", bệnh nhân có thể đã có những hành động không bình thường nhưng người nhà, người thân không nhận ra.
Tiến triển bệnh nặng hay nhẹ, không phụ thuộc vào bệnh lúc mới vào viện mà phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của người thân trong quá trình điều trị và sau này khi trở về gia đình, hòa nhập cộng đồng. Nếu trở về trong một môi trường bị mọi người xung quanh phân biệt, đối xử thì bệnh có thể sẽ tái phát ngay lập tức. Nhưng nếu được người thân, cộng đồng chấp nhận và chia sẻ thì người bệnh có thể sẽ trở lại bình thường. Cách tốt nhất là nên giữ cho bệnh nhân tâm lý ổn định, không đối xử, phân biệt khiến họ bị kích động.
Đối với cháu Trịnh Thị H., con gái chị Miên cũng cần được khám bệnh để có lộ trình điều trị phù hợp, bởi khi mẹ cháu có những hành động bất thường như vậy thì ít nhiều sẽ gây stress cho cháu bé. Cụ thể thì qua thăm khám mới biết được mức độ stress của cháu. Nhưng chỉ một thời gian, cháu sẽ trở lại bình thường, phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. Điều quan trọng là cháu rất cần sự quan tâm chăm sóc của mọi người trong gia đình.
Theo Hương Vũ
CAND