1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vụ VNCB: Sau BIDV, nhiều lãnh đạo của TPBank cũng vắng mặt

(Dân trí) - Tòa tiến hành xét hỏi làm rõ khoản tiền 1.700 tỉ đồng mà ông Phạm Công Danh chỉ đạo thuộc cấp làm hồ sơ khống đề vay tại ngân hàng Tiên phong (TPBank). Tuy nhiên, lãnh đạo TPBank vắng mặt.

Ngày 15/1, TAND TPHCM tiếp tục phiên xử bị cáo Phạm Công Danh (sinh năm 1965, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank) và 44 người khác về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Nguyễn Việt Hà.
Bị cáo Nguyễn Việt Hà.

Mở đầu phiên tòa chủ tọa – thẩm phán Phạm Lương Toản cho biết nhiều lãnh đạo của TPBank được tòa triệu tập đều vắng mặt. Đơn xin vắng mặt được nêu là có người bận công tác và người đang bệnh… Tòa tiến hành thẩm vấn người được ngân hàng này cử làm đại diện.

Trả lời HĐXX, đại diện TPBank mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên TPBank vì gia đình các bị cáo gặp khó khăn, các bị cáo không được hưởng lợi gì.

Đại diện TPBank nói rằng các lãnh đạo TPBank vắng mặt nhưng mong tòa sử dụng tài liệu quá trình điều tra mà các lãnh đạo TPBank cung cấp. Chủ tọa nói rằng sẽ công bố các lời khai này tại tòa nếu xét thấy cần thiết.

Liên quan tới khoản vay tại TPBank, HĐXX hỏi bị cáo Phan Thành Mai thừa nhận cáo trạng quy kết ông về hành vi liên quan đến gói tín dụng này là đúng. Theo ông Mai, thời điểm đó, do cần tiền chăm sóc khách hàng, trả tiền cho bà Hứa Thị Phấn, nhóm Trần Quí Thanh nên ông Danh đã chỉ đạo cho ông tìm cách rút tiền ra khỏi VNCB. Để thực hiện việc vay tiền và bảo lãnh, ông đã nhờ Nguyễn Việt Hà (nguyên TGĐ công ty cổ phần quản lý Quỹ Lộc Việt) hỗ trợ giúp.

Theo đó, ông đã trao đổi và thống nhất với ông Hà là dùng biện pháp uỷ thác đầu tư sang Quỹ Lộc Việt và mượn pháp nhân các công ty để vay tiền TPBank mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và công ty Trung Dung.

Về phía TPBank, Mai khai bị cáo không có buổi làm việc cụ thể nào với lãnh đạo TPBank mà chỉ nói chuyện qua điện thoại vài lần. Tất cả hồ sơ vay, bị cáo giao cho Hoàng Đình Quyết (thời điểm đó đang là trưởng phòng tín dụng) giải quyết.

HĐXX hỏi, sau khi tiền vay được giải ngân đã sử dụng vào việc gì, ông Mai nói không biết nhưng theo cáo trạng thì có 600 tỉ đồng cho bà Hứa Thị Phấn, trả cho ông Trần Quí Thanh và Trần Ngọc Bích 194 tỉ đồng.

Là người trực tiếp liên hệ và tiếp nhận thông tin của 11 công ty xin vay vốn, tại toà bị cáo Mai Hữu Khương khai, được giao phối hợp với Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Thị Cẩm Vân để giải ngân số tiền đã vay của TPBank. Bị cáo được Vân cung cấp hồ sơ 11 công ty nói trên.

Sau khi được phê duyệt cấp tín dụng, từ ngày 31/5/2013 đến ngày 25/12/2013, đại diện TPBank đã ký 11 hợp đồng tín dụng ngắn hạn cho 11 công ty vay vốn với tổng số tiền vay 1.666 tỉ đồng.

Để đảm bảo cho các khoản vay trên, cũng trong khoảng thời gian trên, VNCB đã gửi trên 9 hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn ở thời điểm ký kết là 1.706 tỉ đồng tại TPBank trong thời hạn 1 năm.

Về việc sử dụng số tiền đã giải ngân, ngoài các khoản chi trả như bị cáo Mai khai, Mai Hữu Khương còn bổ sung thêm là có 200 tỉ tăng vốn điều lệ và các khoản chi trả cho cha con ông Trần Quí Thanh vẫn còn uỷ nhiệm chi, chứng từ kế toán rất trùng khớp. HĐXX cho biết sẽ xem xét.

Ngày 16/1, phiên tòa tiếp tục xét hỏi liên quan tới khoản vay này.

Xuân Duy