Sau 25 ngày đánh nhau, số vết thương của bị hại tăng thêm?

(Dân trí) - Sau khi xảy ra ẩu đả, bị hại được công an đưa đi cấp cứu và được bệnh viện cấp giấy chứng nhận thương tích. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án, kết quả giám định sau đó 25 ngày của cơ quan giám định lại có thêm nhiều vết thương hơn so với giấy chứng nhận thương tích.

Tự vệ hay cố ý gây thương tích?

Ngày 3/4, TAND quận 6 mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (sinh năm1959) và bị cáo Lại Minh Tiến (sinh năm 1993, quận 6) về tội cố ý gây thương tích.

Bà Hạnh tại tòa
Bà Hạnh tại tòa

Theo nội dung vụ án, gia đình bà Hạnh và gia đình ông Đinh Hữu Tiến (sinh năm 1956, ngụ tại quận 6) là hàng xóm. Vào năm 2013, vợ chồng con ông Đinh Hữu Tiến là Đinh Hữu Nghĩa – Nguyễn Thị Kim Khanh có mượn bà Hạnh số tiền 242 triệu đồng. Sau đó, gia đình Nghĩa không trả tiền nên giữa hai gia đình thường xuyên xảy ra mâu thuẫn.

Khoảng 3h sáng ngày 6/8/2016, ông Tiến thức dậy chuẩn bị nấu phở để bán thức ăn sáng thì phát hiện trước cửa nhà mình có đống tro rác nên lấy chổi quét và lên tiếng chửi bóng gió. Khi đó, bà Hạnh nghe thấy nên lên tiếng chửi lại.

Lúc này, Minh Tiến ngủ trong nhà nghe tiếng ồn ào nên ra xem thì thấy ông Tiến có cầm cây gắp than và chửi mắng bà Hạnh. Minh Tiến tức giận lấy cây búa đánh ông Tiến té ngã xuống đất và bà Hạnh chạy đến lấy cây gắp than đánh ông Tiến, khi thấy ông Tiến chảy máu thì mẹ con bà Hạnh dừng lại.

Bị đánh, ông Tiến dùng điện thoại gọi cho Nghĩa chạy về nhà. Khoảng 20 phút sau, anh Nghĩa cùng vợ về đến nhà và lên tiếng chửi nhà bà Hạnh. Minh Tiến lên tiếng thách thức đánh nhau nên anh Nghĩa mang theo một con dao bản to chạy qua nhà bà Hạnh thì bị Minh Tiến dùng cây inox dài khoảng 60cm đánh rơi con dao và tiếp tục đánh anh Nghĩa.

Lúc này, bà Hạnh cùng ông Nguyễn Văn Phước (sinh năm 1966 – em bà Hạnh) cùng nhau đánh anh Nghĩa.

Khoảng 5 phút sau, công an phường 13 có mặt tại hiện trường đồng thời đưa ông Tiến và anh Nghĩa đi cấp cứu tại bệnh viện 115.

Ngày 24/11/2016, bị cáo Lại Minh Tiến bị bắt tạm giam cho đến nay (vẫn đang tạm giam tại Công an quận 6). Bà Hạnh đang được tại ngoại. Từ khi bắt đầu điều tra tới nay mẹ con bà Hạnh liên tục kêu oan.

Khi nhận được kết luận điều tra, bà Hạnh đã gửi đơn khiếu nại kêu oan vì cho rằng khi đánh nhau với bị hại Hữu Tiến thì bị hại chỉ bị xây xát nhẹ nhưng kết luận giám định lại tăng lên 3 thương tích và không có việc dùng búa đánh bị hại Hữu Tiến. Ngày 23/2/2017, Viện KSND TPHCM ra quyết định giải quyết số 83/QĐ-VKS-P2 bác khiếu nại của bà Hạnh. Sau khi có cáo trạng truy tố mẹ con bà Hạnh tội cố ý gây thương tích, bà Hạnh tiếp tục làm đơn khiếu nại lên TAND tối caao.

Sau phiên tòa, bà Hạnh cho biết: “Cáo trạng xác định bị hại Nghĩa cầm dao chạy sang nhà tôi chém con tôi. Đây chính là yếu tố dẫn đến con tôi chỉ phòng vệ để bảo toàn tính mạng trước sự truy sát hung hăng của bị hại Nghĩa. Xét về tương quan, chỉ một mình bị cáo Tiến trước đòn tấn công bằng dao bản to của bị hại Nghĩa thì rõ ràng bị cáo Tiến dùng 1 cây inox là để phòng vệ một cách chính đáng, nếu không thì khó bảo toàn tính mạng. May mà con tôi (bị cáo Tiến) tự vệ kịp, không thì đã mất mạng”.

Có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ?

Theo hồ sơ vụ án, giấy chứng nhận thương tích của BV 115 ghi rõ số lượng vết thương nhưng Cơ quan giám định lại giám định số vết thương nhiều hơn chứng thương của bệnh viện.

Cụ thể, theo giấy chứng nhận thương tích số 247/CN cấp ngày 12/8/2016 cho Nghĩa ghi rõ Nghĩa có 2 vết thương và 1 hiện tượng sưng. Nhưng bản kết luận giám định số 578/TgT.16 ngày 14/9/2016 (thời gian thực hiện giám định ngày 31/8/2016, sau 25 ngày kể từ khi sự việc xảy ra), thì kết luận Nghĩa có 4 vết thương. Trong đó, có hai thương tích không hề có trong chứng nhận thương tích của Bệnh viện 115. Đặc biệt, trong bản kết luận này còn có vết thương chưa lành, trong khi giám định cách thời điểm xảy ra sự việc là 25 ngày!

Còn về thương tích của bị hại Đinh Hữu Tiến, giấy chứng nhận thương tích số 248/CN cấp ngày 12/8/2016 cho Tiến ghi rõ có 3 vết thương. Bản kết luận giám định số 566/TgT.16 ngày 14/9/2016 (thời gian thực hiện giám định ngày 31/8/2016, sau 25 ngày kể từ khi sự việc xẩy ra) thì xuất hiện thêm vết sẹo kích thước 2,8 x 0,3cm tại mặt ngoài cổ chân trái không hề có trong chứng nhận thương tích của Bệnh viện 115.

Tại phiên tòa hôm nay, luật sư Trần Đình Dũng (bào chữa cho hai bị cáo) yêu cầu triệu tập giám định viên, cũng như triệu tập ông Phước tới tòa với tư cách là nhân chứng. Theo luật sư, việc thêm vào hồ sơ vụ án hình sự là hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án được qui định tại Điều 300 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009).

Xét thấy vụ án cần triệu tập thêm nhân chứng, giám định viên và công an khu vực tới tòa nhằm làm rõ những vấn đề liên quan tới vụ án, HĐXX quyết định tạm hoãn phiên tòa.

Xuân Duy