Sáng nay xét xử vụ gian lận thi cử ở Sơn La
(Dân trí) - Hơn 8h sáng nay, 16/9, TAND Tỉnh Sơn La mở phiên xét xử 8 bị can trong vụ án gian lận thi cử THPT Quốc gia 2018 được tổ chức tại địa phương này. Khoảng 90 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan được triệu tập tới phiên xử.
Thẩm phán Quản Hữu Chiến làm chủ tọa phiên tòa
Theo đó, 8 bị cáo được đưa ra xét xử gồm: Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Sơn La; Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Sơn La; Đặng Hữu Thủy, Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu; Cầm Thị Bun Sọn, Phó phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Sơn La; Lò Văn Huynh, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Sơn La; Nguyễn Thanh Nhàn, Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Sơn La; Đỗ Khắc Hưng, nguyên trung tá và Đinh Hải Sơn, nguyên thiếu tá, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La.
Phiên xử sáng nay (16/9)
Hai thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa gồm: ông Quản Hữu Chiến và Đỗ Tuấn Long. Một thẩm phán dự khuyết là ông Hoàng Trung Thành. Hai kiểm sát viên VKSND Sơn La giữ quyền công tố là bà Lê Thị Thu Hà và ông Nguyễn Văn Thành.
Theo TAND tỉnh Sơn La, có 8 luật sư tham gia bào chữa cho 8 bị cáo tại tòa. Trong đó, bị cáo Trần Xuân Yến và Lò Văn Huynh có 2 luật sư. Riêng bị cáo Đỗ Khắc Hưng có 3 người bào chữa.
Đáng chú ý, trong phiên xét xử sơ thẩm lần này, TAND tỉnh Sơn La sẽ triệu tập khoảng 90 người có nghĩa vụ liên quan, làm chứng trong vụ án. Trong đó có ông Hoàng Tiến Đức, cựu Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La; ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La… cùng nhiều phụ huynh là công chức, viên chức cán bộ giữ chức vụ tại tỉnh Sơn La.
Các bị cáo đang trả lời hội đồng xét xử
Theo cáo trạng, trước và trong khi chấm thi, 8 bị cáo trên thông qua các mối quan hệ đồng nghiệp, bạn bè, người thân, với động cơ vụ lợi đã nhận thông tin của các thí sinh như: họ tên, số báo danh, số phòng thi, mã đề thi, môn thi và điểm thi các môn cần đạt được... của 44 thí sinh để nâng điểm.
Theo cáo trạng, các bị can trên đã câu kết nhận thông tin của 44 thí sinh để tìm bài thi, sửa theo hướng nâng từ 2 đến 6,55 điểm/thí sinh. Đáng chú ý, chính các lãnh đạo khác của Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cũng chuyển thông tin thí sinh cho các bị can để nâng điểm.
Theo kết quả điều tra, 18 trường hợp trung gian đã nhận thông tin từ người nhà các thí sinh hoặc thông qua người khác. Trong số này, 2 người không thừa nhận cung cấp thông tin thí sinh, 16 người thừa nhận chuyển thông tin thí sinh nhưng chỉ "nhờ xem trước điểm thi".
Với phụ huynh của các thí sinh, 27 người thừa nhận chuyển thông tin nhờ xem điểm và không hứa hẹn gì về lợi ích vật chất với các bị can hay người trung gian. 15 phụ huynh không thừa nhận cung cấp tên thí sinh cho các bị can và người trung gian.
Không chỉ có tỉnh Sơn La, tỉnh Hoà Bình trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 cũng xảy ra bê bối gian lận điểm thi. Khi điều tra mở rộng vụ án tại Hòa Bình, ngày 13/9 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố bổ sung tội Đưa hối lộ và Nhận hối lộ để làm rõ những hành vi này.
Trần Thanh