Sáng nay xét xử vụ án container đâm Innova đi lùi trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên
(Dân trí) - Ngày 16/1, TAND thị xã Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án xe container đâm xe Innova đi lùi khiến 5 người tử vong xảy ra trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên hồi tháng 11/2016.
Hai bị cáo trong vụ án là Lê Ngọc Hoàng (tài xế container) và Ngô Văn Sơn (tài xế Innova) cùng bị cáo buộc đã phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” tại Khoản 3 Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Trước đó, tại phiên tòa phúc thẩm tháng 11/2018, TAND tỉnh Thái Nguyên tuyên bản án 6 năm tù cho bị cáo Lê Ngọc Hoàng và 9 năm tù cho bị cáo Ngô Văn Sơn.
Tuy nhiên, bản án phúc thẩm nêu trên đã bị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm. Sau đó, cơ quan này đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội, hủy 2 bản án hình sự cấp sơ thẩm, phúc thẩm của vụ án này.
Theo hồ sơ vụ án được điều tra lại, khoảng 15h30 ngày 19/11/2016, Ngô Văn Sơn điều khiển ô tô đi đến nút giao Yên Bình (xóm Sứ, xã Tân Hương, thị xã Phổ Yên), khi vừa qua lối ra khỏi đường cao tốc thì một người trên xe bảo Sơn đi chậm lại để hỏi chính xác đường đi TP. Sông Công.
Sau đó, Sơn lùi xe theo hướng Thái Nguyên - Hà Nội để đi ra nút giao Yên Bình. Cùng lúc này, Lê Ngọc Hoàng điều khiển xe ô tô đầu kéo BKS 89C-079.17, kéo theo rơ - moóc đi với tốc độ khoảng 60-65 km/h.
Phát hiện phía trước cùng làn đường có xe ô tô Innova do Sơn điều khiển cách đầu xe container khoảng 70m có bật đèn màu đỏ, Hoàng không phanh xe giảm tốc độ mà định vượt lên nhưng không chuyển làn được vì phía sau đang có xe đi tới.
Khi cách xe của Sơn khoảng 10m, Hoàng đạp phanh xe và đánh lái về phía bên phải đường, nhưng do khoảng cách quá gần nên xảy ra tai nạn khiến 5 người tử vong và 5 người bị thương.
Cơ quan điều tra cho rằng, Ngô Văn Sơn điều khiển xe ô tô trong hơi thở có nồng độ cồn, chở quá số người được phép chở, lùi trên đường cấm lùi đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trong khi đó, Lê Ngọc Hoàng không giảm tốc độ khi gặp biển báo hiệu nguy hiểm (biển báo “đi chậm”) và xe ô tô phía trước cùng làn đường có đèn cảnh báo.
Đánh giá về vụ việc này, các cơ quan tiến hành tố tụng thị xã Phổ Yên cáo buộc hành vi của 2 tài xế đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” nên đề nghị TAND cùng cấp đưa vụ án ra xét xử.
Đáng chú ý, trong quá trình điều tra lại vụ án này, nhiều "vấn đề" liên quan đến hành vi của các bị cáo đã được các cơ quan tố tụng địa phương này làm sáng tỏ.
Nguyễn Trường