1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Quy trình yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ

Phùng Minh

(Dân trí) - Bộ Công an lấy ý kiến về quy trình yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù…

Bộ Công an vừa công bố dự thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, TAND Tối cao, VKSND Tối cao quy định về quan hệ phối hợp thực hiện một số hoạt động hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự để lấy ý kiến góp ý rộng rãi.

Đáng chú ý nhất, dự thảo quy định cụ thể việc áp dụng nguyên tắc "có đi có lại" theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù mà giữa 2 nước chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp thì cơ quan có thẩm quyền cần có công văn gửi cơ quan trung ương của Việt Nam đề nghị áp dụng nguyên tắc có đi có lại kèm theo hồ sơ ủy thác tư pháp.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, cơ quan trung ương về tương trợ tư pháp gửi công văn kèm hồ sơ ủy thác tư pháp đề nghị Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài áp dụng nguyên tắc có đi có lại.

Nếu đồng ý, Bộ Ngoại giao gửi hồ sơ ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài kèm theo Công hàm của Bộ Ngoại giao đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có văn bản trả lời chính thức về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại với Việt Nam.

Nếu quyết định không đề nghị áp dụng nguyên tắc này thì Bộ Ngoại giao gửi trả lại hồ sơ cho Bộ Tư pháp và nêu rõ lý do.

Quy trình yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ - 1

Bộ Công an tổ chức bàn giao 01 đối tượng bị yêu cầu dẫn độ cho cơ quan có thẩm quyền của Liên bang Nga để truy cứu trách nhiệm hình sự (Ảnh: Bộ Công an).

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi hồ sơ đề nghị áp dụng nguyên tắc có đi có lại cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Khi cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đồng ý áp dụng nguyên tắc có đi có lại với những điều kiện kèm theo, Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định trên cơ sở tham khảo ý kiến với Bộ Tư pháp và bộ, ngành liên quan.

Ngoài ra, trong trường hợp Bộ Ngoại giao nhận được đề nghị của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài mà giữa 2 nước chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp hoặc chưa có thỏa thuận hoặc chưa có tiền lệ về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại thì Bộ Ngoại giao gửi công văn, kèm theo hồ sơ liên quan (nếu có) đề nghị Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan phối hợp xem xét.

Sau khi nhận được ý kiến của Bộ Tư pháp và bộ, ngành liên quan, Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại và trả lời bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có yêu cầu.

Căn cứ áp dụng nguyên tắc "có đi có lại" trong tương trợ tư pháp

Việc xem xét, quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù với nước ngoài dựa trên các căn cứ sau:

- Sự cần thiết, nhu cầu của Việt Nam đối với việc tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù trong từng trường hợp cụ thể hoặc trong quan hệ chung với nước có liên quan.

- Không trái pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với pháp luật, tập quán quốc tế.

- Phù hợp về yêu cầu đối ngoại, tác động chính trị, kinh tế, xã hội và những tác động khác, nếu có.

- Sự ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Nhà nước, cá nhân, pháp nhân Việt Nam có liên quan.

Bộ Công an cho biết dự thảo thông tư liên tịch trên sẽ được lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 2 tháng.