1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Phụ lái tàu vụ tai nạn cầu Ghềnh đòi tăng mức bồi thường oan sai

(Dân trí) - Tòa sơ thẩm tuyên bồi thường cho ông Phú 349 triệu đồng vì bị bắt giam oan trong vụ tai nạn xe lửa tông ô tô trên cầu Ghềnh. Cho rằng bản án chưa thỏa đáng, ông Phú kháng cáo yêu cầu bồi thường 1,78 tỷ đồng, gấp 5 lần mức tòa tuyên.

Ngày 12/6, ông Nguyễn Xuân Phú (sinh năm 1964, phụ lái tàu SE2 trong vụ tàu hỏa tông ôtô trên cầu Ghềnh khiến 2 người chết xảy ra vào năm 2011) đã tới TAND TPHCM nộp đơn kháng cáo yêu cầu tăng số tiền bồi thường oan sai lên 1,78 tỷ đồng.

Ông Phú kháng cáo yêu cầu bồi thường 1,78 tỷ đồng.
Ông Phú kháng cáo yêu cầu bồi thường 1,78 tỷ đồng.

Theo hồ sơ vụ án, vụ việc xảy ra vào ngày 6/2/2011, ông Túy được phân công lái tàu SE2 đi từ ga Sài Gòn đến ga Mương Mán (Bình Thuận) cùng với phụ lái là ông Phú. Khi tàu đi đến gần cầu Ghềnh (TP Biên Hòa) thấy tín hiệu đèn xanh (cho phép được đi tiếp) nên ông Túy tiếp tục cho tàu chạy.

Còn cách cầu Ghềnh khoảng 100m thì ông Túy phát hiện có ánh đèn ô tô trên cầu chiếu ngược lại và phán đoán là có tai nạn trên cầu nên ông Túy đã kéo thắng ở cấp độ khẩn cấp nhưng tai nạn vẫn xảy ra làm 2 người chết và 22 người bị thương.

Sau đó, cả 2 bị bắt giam và truy tố về hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt. Đến ngày 5/4/2016, Viện KSND TP Biên Hòa ban hành quyết định đình chỉ vụ án đối với ông Phú vì lý do ông Phú không có hành vi phạm tội.

Sau đó, ông Phú yêu cầu Viện KSND TP Biên Hòa bồi thường oan sai nhưng do đôi bên không thỏa thuận được mức bồi thường nên ông Phú nộp đơn khởi kiện Viện ra TAND quận 9 yêu cầu bồi thường 1,78 tỷ đồng.

TAND quận 9 đã mở phiên tòa xét xử tuyên buộc Viện KSND TP Biên Hòa phải bồi thường cho ông Phú số tiền 349 triệu đồng.

Ông Phú chia sẻ: “Bản án sơ thẩm chỉ chấp nhận bồi thường cho tôi số tiền 349 triệu là chưa thỏa đáng. Trong thời gian tôi bị bắt gia đình tôi bị tổn thất rất lớn về cả tinh thần lẫn thu nhập thực tế. Trước khi bị bắt, thu nhập bình quân mỗi tháng của tôi gần 15 triệu đồng. Sau khi được cho tại ngoại, cơ quan không bố trí công việc cho tôi làm mà chỉ trợ cấp hơn 50 triệu đồng trong vòng hơn hai năm. Mãi đến tháng 7/2013, cơ quan mới nhận tôi vào làm việc với công việc không liên quan tới chạy tàu, vì thế thu nhập bị giảm tới 2/3 so với trước khi bị bắt. Giờ tôi chỉ mong Viện KSND TP Biên Hòa sớm công khai xin lỗi để phục hồi danh dự cho tôi và gia đình”.

Xuân Duy