1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Phát hiện nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển ma túy qua đường sắt

(Dân trí) - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hoạt động đường sắt phức tạp nhất vẫn là việc hành khách vận chuyển hàng lậu. Tính từ đầu năm đến nay, đã có 5 vụ hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc hợp pháp vận chuyển trên các đoàn tàu bị phát hiện.

Vấn đề nói trên được nhấn mạnh tại Hội nghị giao ban quy chế phối hợp về công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế 8 tháng đầu năm 2015 và chương trình phối hợp công tác những tháng cuối năm 2015, diễn ra ngày 17/9, giữa Tổng Cục An ninh (Bộ Công an) và Tổng Công ty đường sắt Việt Nam.

Ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam – thông tin, vụ buôn lậu bị phát hiện gần đây nhất là ngày 12/9. Theo đó, trong khi đang làm nhiệm vụ, tổ bảo vệ ga Hà Nội đã phát hiện một vụ vận chuyển điện thoại di động trái phép qua đường sắt. Cụ thể, ông Hoàng Văn Ngô, 43 tuổi (phường Hồng Hà, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) mang hai bao tải dứa cùng 1 thùng cát tông.

Thấy nghi ngờ, tổ bảo vệ đã phối hợp cùng công an tiến hành kiểm tra, phát hiện trong có 406 chiếc điện thoại  do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Tại cơ quan chức năng, ông Ngô khai rằng, ông chỉ là người vận chuyển thuê, song vì không tìm được chủ hàng, nên ông sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về số hàng kể trên.

Nhiều vụ buôn lậu qua đường sắt bị phát hiện và bắt giữ từ đầu năm đến nay (ảnh: Lao động)
Nhiều vụ buôn lậu qua đường sắt bị phát hiện và bắt giữ từ đầu năm đến nay (ảnh: Lao động)

Cũng theo ông Hoạch, cùng với việc phát hiện các hành vi buôn lậu, các đơn vị đã ngăn chặn kịp thời nhiều vụ vi phạm pháp luật, bàn giao cơ quan chức năng xử lý nên đã có tác dụng giáo dục răn đe, làm hạn chế số vụ vi phạm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường sắt. Kết quả thể hiện rõ nhất là số vụ trộm cắp vật tư phụ kiện đường sắt; trộm cắp vật tư thiết bị toa xe; ném đất đá, chất bẩn lên tàu có giảm 71 vụ so với cùng kỳ năm 2014.

Ngoài ra, từ đầu năm, lực lượng chức năng đã phát hiện 22 vụ trộm cắp, cướp giật tài sản của khách đi tàu; 1 vụ gây rối trật tự đánh hành khách trên tàu; 1 vụ hàng rong đánh hành khách; 6 vụ mất vật tư, thiết bị đường sắt; 4 vụ mất thiết bị toa xe; 4 vụ cháy nhỏ; 9 vụ toa xe hàng bị cắt dây gia cố, 4 vụ đặt chướng ngại vật trên đường sắt; 1 vụ vận chuyển 5kg ma túy tổng hợp. 

Cần diễn tập chống khủng bố

Ghi nhận những hiệu quả từ việc phối hợp giữa 2 đơn vị, nhưng đại diện Tổng Cục An ninh) cho rằng, còn một việc mà từ trước đến nay ngành đường sắt chưa làm được là diễn tập chống khủng bố. Bởi thực tế ngành hàng không dù diễn tập liên tục, nhưng khi xảy ra sự cố (dù là nhầm lẫn), thì vẫn còn lúng túng. Do đó, ngành đường sắt không được chủ quan, nên quan tâm đến vấn đề này, bởi có diễn tập sự cố, thì ta mới có kinh nghiệm, mới ở thế chủ động.

Đại diện Tổng cục An ninh chính trị cũng nhấn mạnh, cần tăng cường công tác bảo đảm an ninh nội bộ, và tăng cường giám sát chặt chẽ hai điểm đầu ga đi và ga đến; cũng như tăng cường trao đổi với các tiểu ban an ninh quốc phòng tại các địa phương.

Lãnh đạo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết, trong những tháng cuối năm 2015, đơn vị sẽ tổ chức 2 lớp tập huấn, phòng khủng bố cho cán bộ, lãnh đạo, quản lý; tăng cường các biện pháp bảo vệ tài sản, cơ sở vật chất trong đơn vị; bảo vệ trật tự; kỷ cương; tích cực phòng, chống tham nhũng, sử dụng trái phép, chiếm đoạt tài sản công; làm tốt công tác phòng ngừa từ nội  bộ.

Đặc biệt, sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương như Công an, kiểm lâm, quản lý thị trường, thuế, hải quan… thực hiện tốt việc tổ chức phối hợp trong công tác đấu tranh chống vận chuyển hàng lậu trên các tuyến đường sắt, nhất là vào dịp cuối năm; tăng cường việc kiểm tra thường xuyên, hoặc đột xuất nhằm phát hiện hàng cấm, hàng lậu, nhất là các tuyến đường sắt, địa bàn, nhà ga trọng điểm…

Ông Vũ Đình Rậu - Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Hà Nội (Tổng Công ty đường sắt Việt Nam) - cho biết, hiện nay Hà Nội vẫn chưa có biện pháp triệt để với tình trạng phe vé. Nhiều khi ga muốn xử lý dứt điểm, nhưng lại không có chức năng, công an lại bảo chưa có cơ sở, nên rất khó xử lý triệt để.

Tại ga Hà Nội, thậm chí có nhà, 3 thế hệ cùng làm “phe vé”, người già nhất tới 80 tuổi. Cụ này cứ ngồi ở cửa ga mời mọc, rất mất mỹ quan, tạo bức xúc cho hành khách, cần xử lý triệt để vấn đề này

Châu Như Quỳnh