1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Cục Đăng kiểm Việt Nam

Phá án công nghệ cao: Khó vì sim rác, thẻ ngân hàng

(Dân trí) - Tội phạm công nghệ cao thường sử dụng sim rác, thẻ ngân hàng mua lại của người khác để thực hiện hành vi phạm tội khiến công an khó khăn trong công tác điều tra, phá án.

Sim rác, thẻ ATM "ảo" tiếp tay tội phạm

Cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội thì tội phạm công nghệ cao cũng nở rộ như nấm sau mưa. Chỉ tính riêng hơn 3 năm thành lập đến nay Đội cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (Đội 6) thuộc Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Nghệ An đã điều tra, khám phá gần 50 vụ án, khởi tố gần 170 bị can với số tiền chiếm đoạt của các nạn nhân lên tới gần 10 tỷ đồng.

Phá án công nghệ cao: Khó vì sim rác, thẻ ngân hàng - 1
Nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng soi số lô đề bị lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an Nghệ An bắt giữ.

Tội phạm liên quan đến công nghệ cao có mặt ở hầu hết các lĩnh vực từ môi giới mại dâm, lừa đảo, rửa tiền, đánh bạc, chiếm đoạt thông tin thẻ ATM… trong đó phổ biến nhất vẫn là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng giả người thân vay tiền, giả người nước ngoài có nguyện vọng nhờ nạn nhân giữ giùm 1 số tài sản có giá trị, rao bán công khai các mặt hàng cấm hay bán hàng trực tuyến để lừa người dùng facebook, sau đó liên lạc với bị hại qua điện thoại để hướng dẫn thực hiện các bước tiếp theo. Khi “con mồi” sập bẫy, các đối tượng sẽ hướng dẫn nạn nhân chuyển tiền qua 1 tài khoản ngân hàng chỉ định.

Phá án công nghệ cao: Khó vì sim rác, thẻ ngân hàng - 2
Nguyễn Hữu Thu và Phạm Đình Luận thời điểm bị bắt giữ khai nhận sử dụng 15 thẻ ATM của các ngân hàng để lừa người dân chuyển tiền vào nhằm chiếm đoạt. Các thẻ ngân hàng này được mua lại từ người khác hoặc do các đối tượng sử dụng CMND giả để mở.

Năm 2017, Công an tỉnh Nghệ An nhận được trình báo của 9 nạn nhân về việc bị chiếm đoạt gần 9 tỷ đồng. Điểm chung của các nạn nhân này là bị đe dọa qua điện thoại về việc có liên quan đến đường dây ma túy, rửa tiền rồi ngoan ngoãn gửi tiền vào tài khoản ngân hàng được chỉ định. 

Phải mất khá nhiều thời gian để “truy” ra người sử dụng các tài khoản ATM này, Công an tỉnh Nghệ An mới bắt giữ được Nguyễn Hữu Thu và Phạm Đình Luận (cùng trú tại Lương Tài, Bắc Ninh). Theo lời khai của Thu và Luận thì số tài khoản ATM dùng để thực hiện hành vi lừa đảo nói trên là mua lại của người khác hoặc do các đối tượng tự mở bằng CMND giả.

Mọi liên lạc với nạn nhân qua điện thoại đều được thực hiện bằng sim rác. Khi đạt được mục đích, số sim rác nói trên sẽ bị hủy. 

Thủ đoạn tương tự cũng được tội phạm công nghệ cao sử dụng trong thời gian gần đây.

Phá án công nghệ cao: Khó vì sim rác, thẻ ngân hàng - 3
Tang vật của một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng. Việc sử dụng nhiều sim rác trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội khiến cơ quan chức năng khó khăn trong điều tra, phá án.

Quản lý "chạy theo" tội phạm

“Việc bán tài khoản ngân hàng được xem là hành vi tiếp tay cho hoạt động tội phạm. Tội phạm đã sử dụng tài khoản ngân hàng mua lại để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật từ lâu nhưng nhà nước mới có chế tài xử phạt hành chính người bán tài khoản ngân hàng cho người khác, số tiền phạt tối đa lên tới 100 triệu đồng”, Thiếu tá Hà Huy Đức – Đội trưởng đội 6 cho biết.

Tuy nhiên, chứng minh việc mua bán tài khoản ngân hàng để sử dụng vào các hoạt động phạm tội cũng không phải dễ dàng trong khi đó hiện nay mỗi người có thể mở nhiều thẻ ATM ở nhiều ngân hàng khác nhau.

Dù đã có quy định siết chặt quản lý của Bộ TT&TT nhưng người dân vẫn dễ dàng mua được sim rác mà không cần phải kê khai thông tin cá nhân. Sau khi kích hoạt một thời gian ngắn nếu không đăng ký thông tin sẽ bị khóa sim nhưng khoảng thời gian ấy đủ để các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác.

Phá án công nghệ cao: Khó vì sim rác, thẻ ngân hàng - 4
Nhiều vụ việc cho thấy người dân chỉ mất một khoản phí nhỏ để làm thẻ ATM, khi được mua lại với giá trên 1 triệu đồng thì sẵn sàng bán lại mà không biết rằng hành vi của mình đang tiếp tay cho bọn tội phạm (ảnh minh họa) .

Hầu hết các vụ án liên quan đến công nghệ cao được Công an Nghệ An khám phá đều có sử dụng sim rác để thực hiện hành vi phạm tội. Các đối tượng chỉ cần mất 1 khoản tiền nhỏ mua sim, hoạt động trong thời gian ngắn, khi đạt được mục đích thì bẻ, vứt sim. Khi đó, việc truy tìm chủ nhân của các sim rác này chẳng khác nào mò kim đáy bể.

“Nguồn” của mọi loại tội phạm công nghệ cao là từ sim rác. Nếu tội phạm mạng xã hội, tội phạm công nghệ cao nếu sử dụng sim chính chủ thì việc điều tra, phá án quá đơn giản”, Thiếu tá Đức cho biết thêm.

Thiếu tá Đức cũng cho rằng công tác quản lý nhà nước về bưu chính viễn thông hay tài khoản ngân hàng còn chậm so với thực tế diễn biến của hoạt động tội phạm. Bởi vậy, ngoài việc nâng cao cảnh giác cho người dân trước các thủ đoạn ngày càng tinh vi của các loại tội phạm công nghệ cao, các cơ quan nhà nước cần siết mạnh hơn nữa về quản lý sim rác, thẻ ATM để chặn đứng các hoạt động phạm tội liên quan đến lĩnh vực này.

Hoàng Lam