1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Chuyện của những người đấu tranh với “tội phạm vô hình”

(Dân trí) - Trung bình mỗi năm, có khoảng gần 300 tin báo tội phạm được gửi đến Đội cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao qua trang Fanpage chính thức của Phòng cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Nghệ An.

Đánh án trên mạng

Đội cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (Đội 6, Phòng cảnh sát Hình sự) mới thành lập hơn 3 năm nhưng đã ghi dấu ấn trong điều tra, khám phá các vụ án liên quan đến loại tội phạm mới này. Từ năm 2017 tới nay, Đội đã điều tra, phá gần 50 vụ án với số tiền chiếm đoạt lên tới gần 10 tỉ đồng, khởi tố gần 170 bị can.

Chuyện của những người đấu tranh với “tội phạm vô hình” - 1
Nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng soi số lô đề bị lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an Nghệ An bắt giữ.

Ngày 3/9/2017, chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập, Đội 6 đã bắt giữ Nguyễn Hữu Thu (SN 1991) và Phạm Đình Luận (SN 1993), cùng trú tại xã Mỹ Hương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Đây là hai mắt xích trong đường dây giả danh cán bộ công an và nhân viên viễn thông nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân mà nạn nhân hầu hết là ở Nghệ An.

Chuyện của những người đấu tranh với “tội phạm vô hình” - 2
Nguyễn Hữu Thu và Phạm Đình Luận - 2 mắt xích quan trọng trong đường dây giả danh công an, nhân viên bưu chính lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân Nghệ An.

Sau khi thông báo người dân nợ cước điện thoại và liên quan đến hoạt động rửa tiền, buôn ma túy, nhóm tội phạm này yêu cầu "con mồi" phối hợp điều tra bằng cách… gửi tiền vào tài khoản chỉ định kèm lời hứa sẽ hoàn trả sau khi đường dây tội phạm kia bị triệt phá. Thủ đoạn nghe qua rất vô lý nhưng nhiều bị hại răm rắp nghe và thực hiện. Chỉ trong thời gian ngắn, Luận và Thu đã chiếm đoạt của 9 người dân Nghệ An hơn 2 tỷ đồng bằng cách này.

Đầu năm 2019, Phòng CSHS triệt phá chuyên án 119L, bắt giữ đồng loạt 12 đối tượng đều trú tại xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Các đối tượng lập ra trang Thần Tài chuyên soi cầu kết quả số lô đề theo kết quả xổ số miền Bắc, đồng thời “nổ” có một nhóm chuyên gia chuyên phân tích, tính toán để “soi” ra số lô, đề, ba càng của kết quả xổ số trong ngày, tỉ lệ trúng đến 99%. Bằng cách này, các đối tượng đã chiếm đoạt hàng tỷ đồng từ những con bạc nhẹ dạ.

Chuyện của những người đấu tranh với “tội phạm vô hình” - 3
Nhiều ổ nhóm tội phạm công nghệ cao đã bị Công an Nghệ An triệt phá nhưng tình hình tội phạm liên quan đến lĩnh vực này vẫn đang nhức nhối với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Mới đây nhất, vào đầu tháng 2/2020, đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc do Phạm Văn Ninh (SN 1981, trú trấn Thiên Tôn, Hoa Lư, Ninh Bình) cầm đầu bị triệt phá. Liên quan đến đường dây này 4 đối tượng ở Nghệ An cũng bị bắt. Thủ đoạn của nhóm tội phạm này là sử dụng trò chơi điện tử có trả thưởng Gamvip tổ chức cho con bạc đánh với nhà cái hoặc con bạc khác, thắng thua được tính bằng điểm Gam, sau đó quy đổi điểm Gam bằng tiền mặt hoặc thẻ cào điện thoại.

Về với vợ vẫn… ôm máy đánh án

Tôi cứ tưởng Thiếu tá Hà Huy Đức – Đội trưởng Đội 6 nói đùa nhưng hóa ra anh rất nghiêm túc. Chưa kể các đơn trình báo tố giác tội phạm được gửi trực tiếp đến đơn vị, trung bình mỗi năm Đội nhận được khoảng 300 tin nhắn thông tin về các hành vi phạm tội thông qua trang Fanpage Phòng cảnh sát Hình sự Công an Nghệ An mà đội đang quản lý.

Chuyện của những người đấu tranh với “tội phạm vô hình” - 4

Trang Fanpage Phòng CSHS Công an tỉnh Nghệ An là kênh tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm công nghệ cao. Trung bình mỗi năm có khoảng 300 tin báo liên quan đến tội phạm được người dân thông tin đến cơ quan chức năng qua trang Fanpage này.

“Tội phạm công nghệ cao “có mặt” ở khắp lĩnh vực, từ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, cố ý gây thương tích, mại dâm… Đây là loại tội phạm mang tính “ẩn danh” nên việc đấu tranh hay chứng minh hành vi phạm tội hoàn toàn không đơn giản, đặc biệt nếu thiếu sự phối hợp của bị hại bởi nhiều trường hợp bị hại cũng có lỗi như mua bán pháo, mua tiền giả hay e ngại vì sập bẫy lừa đảo của các đối tượng. Do vậy, thông tin tiếp nhận qua Facebook và Fanpage là cực kỳ quan trọng, đảm bảo các yếu tố cần thiết mà vẫn giữ được sự bí mật cho người cung cấp, tố giác tội phạm”, Thiếu tá Hà Huy Đức thông tin thêm.

Theo Thiếu tá Đức, nếu không tính ngày nghỉ thì trung bình cứ 1 ngày sẽ có 1 tin báo tố giác tội phạm được chuyển đến đội qua kênh facebook theo địa chỉ https://www.facebook.com/cshs.cana. Bởi vậy chuyện về nhà với vợ tay vẫn ôm khư khư điện thoại để tiếp nhận tố giác tội phạm là “cảnh thường thấy” của cán bộ, chiến sỹ Đội 6.

Chuyện của những người đấu tranh với “tội phạm vô hình” - 5
Không chỉ là kênh tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm, đây là còn nơi tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giúp người dân nhận diện về thủ đoạn của loại tội phạm công nghệ cao.

Với số lượng tin báo tố giác tội phạm như vậy, việc phân loại, đánh giá mức độ tin cậy của thông tin để có cơ sở đấu tranh cũng ngốn không ít thời gian. Điều đặc biệt, trang Fanpage của Phòng CSHS Công an Nghệ An hiện đã trở thành “đầu mối” tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm của nhiều địa phương khác.

“Với các thông tin không thuộc địa bàn Nghệ An, chúng tôi hướng dẫn người dân cung cấp tới các địa chỉ cần đến. Thông qua trang Fanpage của phòng, chúng tôi tuyên truyền cho người dân về thủ đoạn của loại tội phạm công nghệ cao. Khi nhận diện được thủ đoạn phạm tội thì người dân không dễ dàng mắc bẫy", Đại úy Phạm Trung Hiếu cho hay.

Hoàng Lam