Ông Trần Quí Thanh bị cáo buộc chiếm đoạt những dự án, tài sản nào?
(Dân trí) - Theo kết luận điều tra bổ sung, ông Thanh đã chiếm đoạt các tài sản gồm: Dự án Minh Thành, Nhơn Thành của bà Đặng Thị Kim Oanh và 34 thửa đất của 3 cá nhân khác.
Trong kết luận điều tra bổ sung vụ án xảy ra tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cáo buộc ông Trần Quí Thanh (Chủ tịch Công ty Tân Hiệp Phát) cùng 2 con gái Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của 4 bị hại, với tổng giá trị hơn 1.048 tỷ đồng.
Chiếm đoạt 2 dự án và 34 thửa đất
Cụ thể, theo kết luận điều tra bổ sung, ông Thanh đã chiếm đoạt các tài sản gồm: Dự án Minh Thành, Nhơn Thành của bà Đặng Thị Kim Oanh; 29 thửa đất của anh Nguyễn Văn Chung; 4 thửa đất của ông Lâm Sơn Hoàng và 2 thửa đất của anh Nguyễn Huy Đông.
Trong đó, dự án Minh Thành có giá trị hơn 842 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ tiền cho bà Oanh vay (350 tỷ đồng) và 65 tỷ đồng trả cho "ông Minh, bà Trang", cơ quan điều tra xác định ông Thanh đã chiếm đoạt hơn 427 tỷ đồng.
Tương tự, dự án Nhơn Thành có giá trị được định giá vào cuối tháng 8/2020 là hơn 603 tỷ đồng. Khoản tiền ông Thanh cho bà Oanh vay dựa vào dự án này là 150 tỷ đồng. Như vậy, Chủ tịch Tân Hiệp Phát bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 453 tỷ đồng.
Đối với 29 thửa đất của anh Nguyễn Văn Chung, cơ quan điều tra xác định giá trị tài sản này là hơn 83 tỷ đồng. Còn giá trị bị ông Thanh chiếm đoạt là hơn 48 tỷ đồng; 2 thửa đất của anh Đông có giá trị hơn 118 tỷ đồng và bị ông Thanh chiếm đoạt hơn 38 tỷ đồng.
"Trần Quí Thanh không thừa nhận cho vay mà chỉ thừa nhận mua, bán các tài sản với các chủ tài sản theo quy định của pháp luật", kết luận điều tra nêu lời khai của Chủ tịch Tân Hiệp Phát tại cơ quan điều tra.
Nhà chức trách cho biết, dù ông Thanh phạm tội lần đầu, là chủ doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nhưng đã lợi dụng những quy định về cho vay, hợp đồng chuyển nhượng để thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần, với thủ đoạn tinh vi, để chiếm đoạt tài sản có giá trị đặc biệt lớn.
Thủ đoạn chiếm đoạt
Theo kết luận điều tra bổ sung, lợi dụng quy định về cho vay, hợp đồng chuyển nhượng, Chủ tịch Tân Hiệp Phát cùng 2 con gái đã cho một số người vay với lãi suất dưới mức cấu thành tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Tuy nhiên, việc cho vay, theo Bộ Công an là không có hợp đồng vay tiền có cầm cố tài sản mà các bị can buộc những doanh nghiệp, cá nhân vay tiền phải làm Hợp đồng chuyển nhượng dự án, cổ phần trong dự án, bất động sản có giá trị thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế.
Khi bên vay băn khoăn, lo lắng về việc này, các đối tượng đưa ra thông tin tạo niềm tin về uy tín, tiềm năng tài chính, ký các "Cam kết bán lại", tiền lãi vay hợp thức bằng biên nhận tiền đặt cọc mua lại dự án, bất động sản, hứa hẹn thanh toán đầy đủ tiền gốc, lãi sẽ trả lại tài sản.
Sau khi chủ tài sản (bên vay) làm thủ tục chuyển nhượng các tài sản cho Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích nhanh chóng làm thủ tục sang tên để nắm quyền kiểm soát, định đoạt tài sản. Bộ Công an xác định hành vi trên của Bích là theo chỉ đạo của cha.
Khi bên vay thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi theo thỏa thuận, các bị can dùng thủ đoạn gian dối hoặc tạo ra các lý do mà chủ tài sản không thể thực hiện được để cố tình không trả, chiếm đoạt tài sản.