1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Đại án VNCB:

Ông Trần Bắc Hà xin vắng mặt tại tòa vì đang nằm viện

(Dân trí) - Theo luật sư bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV), hiện ông Hà đang điều trị bệnh ung thư gan, nên không thể tới tham dự phiên tòa.

Ngày 9/1, TAND TPHCM tiếp tục phiên xử bị cáo Phạm Công Danh (sinh năm 1965, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Thương Tín - Sacombank) và 44 người khác về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cũng trong phiên tòa sáng nay, luật sư bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của ông Trần Bắc Hà đã tới TAND TPHCM làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận. Theo vị luật sư này, hiện nay ông Hà đang bị bệnh nặng, đang điều trị tại bệnh viện nên không thể tới tham dự phiên tòa.

Phạm Công Danh cùng đồng phạm tại phiên tòa.
Phạm Công Danh cùng đồng phạm tại phiên tòa.
Chiều nay phiên tòa tiếp tục làm việc.
Chiều nay phiên tòa tiếp tục làm việc.

Trong phiên tòa chiều qua 8/1, ông Trần Bắc Hà cùng nhiều đại gia vắng mặt. Trước sự vắng mặt của những người trên, chủ tọa phiên tòa cho biết những người này đã có lời khai cụ thể tại cơ quan điều tra. Xét sự vắng mặt của họ không làm ảnh hưởng đến quá trình diễn ra phiên tòa nên tòa vẫn tiếp tục làm việc.

Tuy nhiên ngay sau đó, đại diện viện kiểm sát đã đề nghị hội đồng xét xử phải triệu tập các ông Trần Bắc Hà, Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang (nguyên phó tổng giám đốc BIDV) vì đây là những người có vai trò rất quan trọng trong vụ án. Tòa chấp nhận đề nghị của đại diện viện kiểm sát.

Cáo trạng thể hiện khi thực hiện tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín (sau này đổi tên thành VNCB), do không có tiền để tăng vốn điều lệ nên ông Phạm Công Danh đến BIDV gặp ông Đoàn Ánh Sáng (Phó tổng giám đốc BIDV) để đặt vấn đề giới thiệu cho các khách hàng doanh nghiệp của VNCB vay tiền tại BIDV.

Sau khi được lãnh đạo BIDV hội sở chính đồng ý, Danh về chỉ đạo cấp dưới tiến hành lựa chọn các công ty để đứng tên trên hồ sơ vay vốn. Các hồ sơ vay vốn được lâp khống gồm hồ sơ tài chính, phương án vay vốn, hợp đồng mua bán vật liệu xây dựng đầu vào đầu ra… để nộp cho BIDV.

Bộ Công an xác định ông Trần Bắc Hà đã ký 12 báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Phân ban rủi ro về chủ trương cho 12 công ty vay vốn mua vật liệu xây dựng theo mô hình 4 nhà, ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty vay mua vật liệu xây dựng với số tiền 4.700 tỉ đồng.

Đến nay, cơ quan điều tra xác định ông Trần Bắc Hà đồng ý chủ trương cho 12 công ty vay vốn theo giới thiệu của VNCB chứ không cho Phạm Công Danh vay và không biết các công ty do Danh thành lập.

Cơ quan điều tra nhận định các cá nhân này có sai phạm trong việc cho Phạm Công Danh vay tiền nhưng kết quả giám định cho thấy BIDV không có thiệt hại xảy ra nên các cá nhân tại BIDV không phạm tội vi phạm quy định về cho vay.

Kết quả điều tra thể hiện đến nay chưa đủ căn cứ xác định 3 ông Bắc Hà, Lục Lang và Ánh Sáng và đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh.

Sau đó, cơ quan điều tra kiến nghị đề nghị kiểm điểm và xử lý hành chính đối với những cán bộ BIDV sau: ông Trần Bắc Hà, Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang, Nguyễn An Hà, Nguyễn Cao Minh, Trần Hoài… và hàng loạt cán bộ ngân hàng BIDV chi nhánh Gia Định, chi nhánh Bến Thành, chi nhánh Nam Sài Gòn, chi nhánh sở giao dịch 2.

Chiều nay, đại diện Viện KSND TPHCM tiếp tục công bố cáo trạng.

Xuân Duy