Ông Lưu Bình Nhưỡng xin hưởng sự khoan hồng và nói lời cảm ơn kẻ "lừa dối"
(Dân trí) - Tại tòa, ông Lưu Bình Nhưỡng cảm ơn bị cáo Vương khi trước thanh thiên, bạch nhật và HĐXX đã nhận mình "lừa dối". Ông Nhưỡng cũng xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, mong mức án nhẹ nhất.
Ngày thứ 2 phiên tòa xét xử bị cáo Lưu Bình Nhưỡng (cựu Phó trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội); Lê Thanh Vân (61 tuổi, cựu đại biểu Quốc hội, cựu Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) và đồng phạm kết thúc khi trời đã tối.
Cần tuyên một bản án nghiêm khắc
Hơn 18h ngày 8/1, 5 bị cáo lần lượt rời phòng xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình rồi bị lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp áp giải ra xe chuyên dụng.
Để đảm bảo an ninh, thời điểm diễn ra phiên tòa, lực lượng cảnh sát đã cấm tạm thời đoạn đường trước cổng Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình, lập 3 chốt bảo vệ và đặt một số biển "khu vực cấm quay phim, chụp ảnh".
Sau một ngày xét hỏi, chiều cùng ngày, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) nhân dân tỉnh Thái Bình công bố bản luận tội, đề nghị mức án với 5 bị cáo.
Đại diện VKS đánh giá, hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng xấu đến nhân dân. Trong đó, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng đã 4 lần thực hiện hành vi phạm tội và nhiều lần nhận tiền, quà cảm ơn.
Cụ thể, ông Nhưỡng đã nhận 210 triệu đồng và 300.000 USD, một lô đất ở huyện Đông Anh, Hà Nội; được hứa tặng một lô đất hơn 1.000m2 ở Quảng Ninh.
Bị cáo Lê Thanh Vân đã 2 lần thực hiện hành vi phạm tội; nhận 60 triệu đồng, một lô đất ở huyện Đông Anh, Hà Nội và được hứa tặng một lô đất ở Quảng Ninh.
Số tiền các bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân, Nguyễn Văn Vương đã nhận đều trên 1 tỷ đồng.
"Các bị cáo đều là những người hiểu biết pháp luật và có chức vụ nhưng đã thực hiện hành vi phạm tội nên cần tuyên một bản án nghiêm khắc", đại diện VKS nêu rõ và cho rằng ông Vân và ông Nhưỡng là đại biểu Quốc hội đáng lẽ phải gương mẫu trong chấp hành quy định pháp luật, có lối sống lành mạnh.
Tuy nhiên, 2 bị cáo này đã không đại điện cho tiếng nói nhân dân một cách công tâm khách quan, mà nhiều lần gọi điện, tác động cơ quan chức năng theo hướng có lợi cho người quen nhằm hưởng lợi ích vật chất.
Tại tòa, ông Vân, ông Nhưỡng luôn khẳng định không có động cơ vụ lợi, không vòi vĩnh đòi hỏi, khi có người đưa tiền thì nhận.
Trong bản luận tội, đại diện VKS cũng ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Nhưỡng và bị cáo Vân khi có cống hiến trong các khóa làm đại biểu Quốc hội, đã khắc phục hậu quả vụ án, không gây thiệt hại cho Nhà nước, gia đình có công với cách mạng.
Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng mong được hưởng khoan hồng
Trong phần tranh luận, thay lời bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, luật sư gửi lời xin lỗi đến Đảng và Nhà nước, kính mong Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết tuyên phạt mức án dưới mức đề nghị của đại diện Viện kiểm sát.
Tại tòa, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng đã nêu nguyện vọng xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật và mong HĐXX tuyên phạt mức án thấp nhất.
Ông Lưu Bình Nhưỡng bị VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù về tội Cưỡng đoạt tài sản; 10-12 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi; tổng hình phạt là 13 năm đến 15 năm 6 tháng tù.
Về phần các bị cáo Phạm Minh Cường 39 tuổi (thường gọi Cường "Quắt") và Vũ Đăng Phương (42 tuổi), các luật sư nhận định bản luận tội của Viện kiểm sát là đúng người, đúng tội.
Luật sư của Cường và Phương cho rằng, thân chủ của mình do nhận thức về pháp luật còn hạn chế nên đã có những hành vi phạm tội.
Song, trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa 2 bị cáo này đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên kính mong Hội đồng xét xử tuyên mức án phù hợp.
Bị cáo Phạm Minh Cường bị VKS đề nghị mức án 7-8 năm tù; Vũ Đăng Phương (42 tuổi) mức án 6-7 năm tù cùng về tội Cưỡng đoạt tài sản.
Tại phần xét hỏi diễn ra vào sáng 8/1, Nguyễn Văn Vương (49 tuổi, cựu chuyên viên Vụ Pháp luật Văn phòng Chủ tịch nước) khai quen ông Lưu Bình Nhưỡng do thường đi họp chung.
Tháng 7/2019, Vương được một người liên hệ nhờ tác động xin cho tiếp tục thực hiện dự án khu dân cư dịch vụ tại thành phố Hạ Long (dự án 36ha, tại tỉnh Quảng Ninh) của Công ty TNHH dịch vụ vận tải Hạ Long.
Lúc này, Vương thấy bức xúc vì có đất nhưng công ty không được thực hiện dự án nên đồng ý giúp đỡ.
Sau đó, Vương nói với đại diện doanh nghiệp làm đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng và trực tiếp đến gặp ông Lưu Bình Nhưỡng để trình bày câu chuyện.
"Không chỉ tôi mà bất kỳ đảng viên nào cũng đều có trách nhiệm và tinh thần hướng dẫn doanh nghiệp như vậy", Vương khai với HĐXX. Nghe xong câu chuyện của Vương, ông Nhưỡng đồng ý giúp đỡ.
Ông Nhưỡng đã hai lần chuyển đơn đến UBND tỉnh Quảng Ninh để sớm giải quyết vướng mắc tại dự án 36ha nhưng không nhận được phản hồi.
Để tạo sức ép đến các cơ quan chức năng, ông Lưu Bình Nhưỡng đã giới thiệu Vương gặp ông Lê Thanh Vân.
Ông Vân sau đó gửi 4 văn bản đến các cấp có thẩm quyền, kiến nghị để Công ty Hạ Long được làm tiếp dự án. Vương trình bày, quá trình giúp đỡ ông Nhưỡng không đòi hỏi nhưng rất nhiệt tình chuyển đơn.
Trong một lần đến nhà ông Nhưỡng chơi, thấy nhà trong ngõ nhỏ, ô tô không vào được nên Vương muốn tặng một lô đất mặt hồ tại xã Vân Nội, huyện Đông Anh cho rộng rãi. Cũng tại khu đất ở xã Vân Nội, Vương còn tặng ông Lê Thanh Vân một lô đất.
Sau đó ông Nhưỡng và ông Vân đã đưa tên con để Vương điền vào hồ sơ trích lục đất.
"Lúc đó tôi đã không nói sự thật cho ông Nhưỡng và ông Vân biết hai lô đất là bất hợp pháp, do lấn chiếm mà có", bị cáo Vương trình bày và thừa nhận đã lừa dối bị cáo Nhưỡng và bị cáo Vân khi hứa tặng mảnh đất lấn chiếm, không thể được cấp phép.
Trình bày sau đó, ông Lưu Bình Nhưỡng cảm ơn bị cáo Vương khi trước thanh thiên, bạch nhật và Hội đồng xét xử đã nhận mình "lừa dối".
Căn cứ bảng giá đất thổ cư do UBND TP Hà Nội quy định, VKS cáo buộc lô đất hơn 491m2 mà ông Nhưỡng nhận và lô đất hơn 406m2 ông Vân nhận đều có trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng.