Ông Lưu Bình Nhưỡng nói rất ăn năn hối hận, mong cử tri lượng thứ
(Dân trí) - Tại tòa, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng thừa nhận việc nhận tiền là sai phạm và rất ăn năn hối hận. Ông Nhưỡng rất mong Đảng và Nhà nước, nhân dân, cử tri cả nước lượng thứ và chấp nhận lời thỉnh cầu.
Sau 3 ngày xét xử bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân và đồng phạm, chiều 9/1, Hội đồng xét xử (HĐXX), Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình bước vào phần nghị án.
Do vụ án phức tạp, có nhiều vấn đề cần phải xem xét, HĐXX quyết định nghị án kéo dài và sẽ ra phán quyết sơ thẩm vào ngày 13/1.
Ông Lưu Bình Nhưỡng thừa nhận việc nhận tiền là sai phạm
Tại phiên tòa ngày 9/1, các luật sư của bị cáo Lưu Bình Nhưỡng nêu ý kiến rằng mức án mà đại diện VKSND, đề nghị với thân chủ mình là quá cao, quá nặng, quá nghiêm khắc.
Thay mặt bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, các luật sư mong muốn HĐXX tuyên mức án thấp nhất với thân chủ của mình.
Khi được HĐXX cho phép tự bào chữa cho mình, bị cáo Nhưỡng nói hai doanh nghiệp tìm đến với ông Nhưỡng khi họ đang ở bờ vực tuyệt vọng, ông đã cứu vớt các doanh nghiệp và mong muốn kinh tế địa phương phát triển.
Bị cáo Nhưỡng khẳng định rằng, bị cáo nói những điều trên không để biện hộ cho những sai phạm của mình và thừa nhận việc nhận tiền là sai phạm và rất ăn năn hối hận.
Ông Nhưỡng cũng chia sẻ mình là con trưởng trong gia đình, vừa có nghĩa vụ thờ phụng cha mẹ, tổ tiên, nhưng cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ông còn rất nhiều tâm nguyện để xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.
"Hơn 1 năm ở trại tạm giam, tôi đã cải tạo, cố gắng gột rửa những sai lầm, đặc biệt về tâm can của mình. Tôi rất mong Đảng và Nhà nước, đặc biệt là nhân dân, cử tri cả nước lượng thứ những sai lầm và chấp nhận lời thỉnh cầu của tôi", bị cáo Nhưỡng bộc bạch.
Nói lời sau cùng tại phiên tòa, bị cáo Nhưỡng cho biết sức khỏe mình ngày càng giảm sút, bệnh tim trở nặng. Nhiều lần làm phiền trại giam, đi lại vô cùng khó khăn.
"Tôi giờ tuổi cao, bệnh tật nhiều. Mong HĐXX quan tâm để giúp tôi chấp hành án không trở thành gánh nặng cho các cơ quan giam giữ và gia đình", ông Nhưỡng nói.
Hôm 8/1, ông Lưu Bình Nhưỡng bị VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù về tội Cưỡng đoạt tài sản; 10-12 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi; tổng hình phạt là 13 năm đến 15 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Lê Thanh Vân nói bị "xúc phạm" khi doanh nghiệp khai khống tiền biếu
Trong ngày xét xử thứ 3, HĐXX dành phần lớn thời gian để các luật sư, bị cáo Lê Thanh Vân tranh luận với đại diện VKSND tỉnh Thái Bình giữ quyền công tố tại tòa.
Theo cáo trạng, để thực hiện việc can thiệp cho Công ty cổ phần Trường Sinh sớm được cấp phép thăm dò khai thác mỏ đất, các bị cáo Nhưỡng, Vân, đã nhiều lần nhận tiền của đại diện doanh nghiệp này.
Trong đó, bị cáo Nhưỡng bị cáo buộc nhận 6 lần, với tổng số tiền 210 triệu đồng; bị cáo Vân bị cáo buộc nhận 2 lần, với tổng số tiền 60 triệu đồng.
Giám đốc Công ty cổ phần Trường Sinh khai đã "dúi 50 triệu đồng vào túi quần bên trái của ông Vân" khi gặp tại phòng của ông Lưu Bình Nhưỡng.
Bào chữa cho mình tại phiên tòa diễn ra vào ngày 9/1, bị cáo Vân nói mình "bị xúc phạm vô cùng" và cho rằng doanh nghiệp đã khai khống khi đưa cho mình có 10 triệu đồng mà khai lên 50 triệu đồng.
Bị cáo Vân nói đã đề nghị trả lại 10 triệu đồng này, tuy nhiên là "trả lại đàng hoàng chứ không phải hành vi khắc phục hậu quả". Đồng thời, ông Vân cho rằng khi lực lượng chức năng khám xét, thu giữ 50 triệu đồng là ở nơi làm việc chứ không phải thu giữ ở nhà ông Vân.
"Tôi có nhận tội đâu mà khắc phục hậu quả", bị cáo Vân nói trước HĐXX.
Về cáo buộc bị cáo Vân đã gọi điện thoại can thiệp đến lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, bị cáo này tranh luận rằng việc gọi điện thoại là hoàn toàn phù hợp.
Bị cáo Vân cho rằng, cáo trạng xác định hành vi của mình là can thiệp ở các dự án ở Quảng Ninh là hành vi không có trong Bộ luật Hình sự.
Đối đáp lại bị cáo Vân, đại diện VKSND cho rằng, qua phần xét hỏi công khai tại tòa của đại diện doanh nghiệp và các tài liệu, chứng cứ đã chứng minh được số tiền mà bị cáo Vân đã nhận của doanh nghiệp.
Đại diện VKSND cũng đưa ra các chứng cứ, nội dung tin nhắn giữa bị cáo Nguyễn Văn Vương và bị cáo Vân thể hiện việc mỗi lần bị cáo Vương đốc thúc Vân gửi đơn, tác động đến lãnh đạo địa phương, đều kèm theo việc đề cập hứa hẹn việc cho, tặng đất ở Đông Anh, Hà Nội và 1.000m2 ở Hạ Long.
Đại diện VKSND cũng đề nghị HĐXX xem xét việc bị cáo Lê Thanh Vân cho rằng bị cáo không nhận việc đã khắc phục hậu quả nên đề nghị HĐXX cân nhắc áp dụng tình tiết giảm nhẹ.
Khi được HĐXX cho phép nói lời sau cùng, bị cáo Vân nói rất buồn vì bị bắt khi sắp mãn nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội.
Trước đó, trong phần luận tội ngày 8/1, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Thanh Vân mức án 7-9 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Trong phiên tòa ngày 9/1, đại diện của Công ty cổ phần Tập đoàn Mạnh Đức, đã đề nghị tòa "trả" lại 300.000 USD mà công ty này đã biếu bị cáo Lưu Bình Nhưỡng khi nhờ ông Nhưỡng tác động vào việc phê duyệt Dự án Quế Võ III của tỉnh Bắc Ninh.
Về vấn đề này đại diện VKSND khẳng định, việc đại diện công ty này đi nhờ vả ông Nhưỡng và cảm ơn là có mục đích từ trước.
Không có quy định pháp luật nào yêu cầu người dân gửi kiến nghị đến đại biểu Quốc hội nhờ chuyển đơn, phải đưa tiền. Vì vậy số tiền này là trái pháp luật và cần giữ lại để tịch thu sung công quỹ Nhà nước.
Theo cáo trạng, năm 2020, ông Nguyễn Thế Mạnh (Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Mạnh Đức) và ông Nguyễn Trọng Phong (ở tỉnh Bắc Ninh) chung vốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Quế Võ III (ở phường Tân Hồng, TP Từ Sơn, Bắc Ninh).
Sau khi hồ sơ dự án được các cấp có thẩm quyền thông qua để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xuất hiện kiến nghị từ một số công ty khác khiến thời gian chờ đợi kéo dài.
Do đó, ông Mạnh và ông Phong đã nhờ anh Nguyễn Văn Đức (ở thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) tìm người can thiệp giúp. Sau đó, anh Đức tìm đến ông Nhưỡng, khi đó là đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngay sau khi ra khỏi phòng làm việc của ông Nhưỡng, ông Mạnh hỏi anh Đức đã nói chuyện gì to nhỏ với vị đại biểu Quốc hội. Anh Đức trả lời, ông Nhưỡng yêu cầu việc này 300.000 USD, ông Mạnh nói: "Sao mặn thế?".
Tại tòa, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng trình bày, việc nhận tiền "biếu" là sai lầm lớn nhất cuộc đời.