Ông Hàn Đức Long kể chuyện đón Tết trong buồng biệt giam tử tù

"Tôi có 11 năm phải đón Tết trong Trại tạm giam Kế (Bắc Giang), đó là những cái Tết sống trong nỗi oan ức, tủi cực và nỗi nhớ gia đình da diết. Sau 11 năm, lần đầu tiên tôi mới được đón Tết cùng gia đình, một cái Tết đúng nghĩa"- ông Hàn Đức Long (Bắc Giang) tâm sự.

Vào buồng biệt giam 13 ngày trước Tết

Ngồi nhấp chén trà nóng nhìn những cành đào đang khoe sắc trước sân nhà, người từng 4 lần bị tuyên án tử hình Hàn Đức Long bồi hồi nhớ về những tháng ngày oan trái của mình. Ông kể: Tháng 10.2005 bị bắt, Tết 2006 là năm đầu tiên phải đón Tết trong Trại tạm giam Kế.

Sau hơn 11 năm, ông Hàn Đức Long mới được luộc bánh chuẩn bị Tết cùng vợ (ảnh VNN)
Sau hơn 11 năm, ông Hàn Đức Long mới được luộc bánh chuẩn bị Tết cùng vợ (ảnh VNN)

"Những ngày Tết năm đó, anh em cùng phòng tạm giam với tôi động viên nhau để vượt qua nỗi buồn khổ khi xa gia đình. Được anh em chia sẻ nhưng nỗi uất nghẹn vì oan trái không sao vơi được. Đêm đến hễ cứ nằm xuống tôi lại nhớ về vợ, con. Nhiều đêm phải đến 4 -5 giờ sáng mới chợp mắt được" - ông Long cho biết.

Tết 2006 dù là năm đầu tiên một người vô tội như ông Long phải đón Tết trong Trại tạm giam nhưng so với cái Tết một năm sau đó (năm 2007) nỗi uất ức không thể nào bằng.

"Đầu năm 2007, tôi bị TAND tỉnh Bắc Giang tuyên án tử hình về hai tội Hiếp dâm trẻ em và Giết người. Tôi bị chuyển vào buồng biệt giam, một mình một phòng, chân bị cùm, 13 ngày sau đó thì Tết đến. Tôi được Trại tạm giam chia cho một chiếc bánh chưng để ăn Tết. Theo quy định người lĩnh án tử hình không được gia đình tiếp tế đồ, chỉ được gửi tiền.

Có khoản tiền nhỏ vợ gửi vào tôi nhờ cán bộ mua hộ 5 lạng thịt lợn. Tối 30 Tết, tôi bóc bánh chưng bày đĩa thịt ra nhưng nỗi oan ức, buồn tủi, thất vọng cứ ùa về nên chẳng thiết gì đến ăn uống. Cả đĩa thịt bày ra còn nguyên sau phải bỏ đi, còn chiếc bánh chưng thỉnh thoảng tôi cũng lấy thìa xén một miếng nhưng cứ bỏ vào miệng lại thấy đắng ngắt nên thôi, thành thử trong 3 ngày Tết tôi vẫn không ăn được hết chiếc bánh" - ông Hàn Đức Long nhớ lại.

Khi được hỏi đã đón bao nhiêu cái Tết trong tù, không cần nhẩm tính ông Long nói vanh vách: Tôi bị đi tù oan 11 năm 2 tháng 2 ngày, đón 11 Tết ở Trại tạm giam Kế. Hơn 6 tháng chuyển ra Trại tạm giam T16 - Bộ Công an, sau đó được đình chỉ vụ án, trả tự do.

Mùa xuân đoàn tụ đầu tiên

Nhớ về những lần đón Tết khi chồng vắng nhà, bà Nguyễn Thị Mai (vợ ông Long) nói trong nước mắt: "Từ khi chồng tôi bị bắt gia đình làm gì còn Tết. Nhà vốn đã nghèo, giờ làm được đồng nào đều dành để đi kêu oan cho chồng. Tết đến nhờ họ hàng người cho thứ này, người cho thứ kia chứ chẳng có tiền mà mua sắm. Những ngày Tết, bà con thôn xóm đi chơi vui, thăm hỏi nhau, còn nhà mình thì chẳng dám đi đâu. Ba mẹ con chỉ ở trong nhà nhìn nhau trong nước mắt. Những lúc như thế tôi chỉ mong ngày Tết làm sao trôi đi thật nhanh" - bà Mai nói.

Ông Hàn Đức Long được đón Tết cùng gia đình sau 11 năm (ảnh PLO).
Ông Hàn Đức Long được đón Tết cùng gia đình sau 11 năm (ảnh PLO).

Nói về chuyện đón Tết năm nay, bà Mai phấn khởi cho hay, Tết Đinh Dậu 2017 đối với gia đình bà có ý nghĩa rất lớn. Chồng bà sau hơn 11 đi tù oan đã được trở về đoàn tụ cùng gia đình.

"Dù gia đình đã khánh kiệt nhưng chúng tôi vẫn sẽ cố gắng làm sao lo được một cái Tết tươm tất, bởi đã 11 năm qua, xuân này lần đầu tiên gia đình mới được đoàn tụ" - bà Mai bày tỏ.

Ông Long cho biết, vào ngày 28 Tết vừa qua, gia đình ông đã mổ lợn để liên hoan cùng họ hàng. Sau hơn chục năm gia đình ông mới lại gói bánh chưng để ăn Tết. Nói về ước vọng năm mới, ông Long cho biết, hiện sức khỏe vẫn còn yếu, nói chưa tròn tiếng. Ngoài bệnh huyết áp cao, ông thường xuyên bị ho, chân tay nhức mỏi, bị đau đầu và tinh thần thì chưa thật sự ổn định.

"Chỉ mong có được sức khỏe để bù đắp một phần những mất mát của vợ con. Tôi cũng mong cơ quan chức năng sớm xin lỗi công khai, sau đó bồi thường oan sai" - ông Long nói.

Theo hồ sơ vụ án, khoảng 19h ngày 26.6.2005, vợ chồng người dân ở thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, Tân Yên, Bắc Giang đi làm đồng về không thấy con gái 5 tuổi đâu. Sáng sớm hôm sau người dân phát hiện xác bé gái tại mương nước gần bờ ruộng. Cơ quan chức năng xác định, cháu trẻ bị hiếp dâm rồi dìm chết.

Tháng 10.2005, cơ quan điều tra nhận được đơn của hai mẹ con bà Trương Thị Năm tố cáo Hàn Đức Long hiếp dâm. Bị triệu tập, Hàn Đức Long thú nhận việc này và khai còn là "thủ phạm hiếp dâm, giết đứa trẻ 5 tuổi nêu trên".

Từ năm 2007 đến 2011, qua 4 phiên tòa, TAND tỉnh Bắc Giang và TAND Tối cao tuyên đều tuyên ông Long không phạm tội Hiếp dâm mẹ con bà Năm, nhưng cho rằng ông Long phạm tội Hiếp dâm trẻ em và Giết người và tuyên án tử hình.

Năm 2014, hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã giám đốc thẩm lần hai, tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm lần hai và phúc thẩm lần hai đối với bị án Hàn Đức Long để yêu cầu điều tra làm rõ nhiều vấn đề còn mâu thuẫn của vụ án.

Giữa năm 2016, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang trong kết luận điều tra bổ sung vẫn tiếp tục đề nghị truy tố ông Long vì cho rằng đủ căn cứ kết tội.

Ngày 20.12.2016, Viện KSND tỉnh Bắc Giang đánh giá kết quả điều tra lại của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang theo quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, cho thấy chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự với ông Long về các tội danh bị khởi tố. Vì vậy, đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án với bị can Hàn Đức Long.

Theo Lương Kết

Dân Việt