Ông Đinh La Thăng băn khoăn vì “càng nói thì tội càng nặng”
(Dân trí) - Trình bày trước tòa, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, sau phiên sơ thẩm, bản thân ông rất đắn đo có nên kháng cáo không vì với “kinh nghiệm” 2 lần ra tòa, bị cáo này thấy “càng nói thì tội càng nặng”.
“Tôi không tài thánh gì mà biết PVC khó khăn để cứu!”
Phiên xử phúc thẩm bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm sáng 11/5 tiếp tục với phần tranh luận của các bị cáo và luật sư bào chữa.
Trình bày trước tòa, cựu Chủ tịch HĐTV PVN Đinh La Thăng cho rằng, sau phiên sơ thẩm, bản thân ông rất đắn đo có nên kháng cáo không vì với “kinh nghiệm” 2 lần ra tòa, bị cáo này thấy “càng nói thì tội càng nặng, bị cho rằng quanh co chối tội, bị cho rằng khai báo không thành khẩn”.
“Tại tòa sơ thẩm, thông qua việc tranh tụng, thẩm vấn, tôi có nêu các căn cứ xác đáng, luật sư bào chữa cũng nêu các căn cứ rõ ràng nhưng không được HĐXX xem xét. Sau khi cân nhắc, tôi quyết định kháng cáo, coi đây là cơ hội để làm rõ những quy kết chưa thỏa đáng, mong tòa cấp cao xem xét…” - ông Thăng nói và cho biết, ông không đồng tình với quan điểm buộc tội của Viện Kiểm sát.
“Những căn cứ xác thực tại phiên sơ thẩm chưa được xem xét, diễn biến thực tế tại tòa chưa VKS công nhận một cách công tâm, khách quan. Nhiều tình tiết mới chưa được đánh giá nên phần buộc tội với cá nhân tôi gần như nguyên văn án sơ thẩm, không có sự cập nhật các tình tiết mới.
Tôi cảm nhận rằng hình như đối với cá nhân tôi, tất cả những gì dù không phải là trách nhiệm của tôi cũng đều buộc cho tôi, chỗ nào cũng liên quan đến ông Thăng. Có tất cả 4 cấp liên quan đến dự án này, nhưng tất cả đều gắn với tôi.” - cựu Chủ tịch PVN bức xúc.
Ông Thăng đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét trách nhiệm của ông căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã giao theo quy chế của PVN.
“Những việc đúng thẩm quyền thì quy kết, những việc khác thuộc trách nhiệm người khác, cấp khác đề nghị không quy buộc cho tôi. Suốt phiên tòa tôi luôn nhận trách nhiệm của người đứng đầu, dù cấp dưới làm sai tôi vẫn nhận trách nhiệm với tư cách người đứng đầu nhưng không có nghĩa là người đứng đầu thì mọi việc từ lớn đến bé đều buộc Chủ tịch HĐTV phải biết, phải chịu trách nhiệm.” - ông Thăng nói.
Tự bào chữa, cựu Chủ tịch PVN khẳng định lại, bối cảnh thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là thực hiện chủ trương phát huy nội lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Đây là chủ trương lớn của Đảng, của Chính phủ, PVN là tập đoàn kinh tế lớn của đất nước, phải triển khai thực hiện. Đây không phải là chủ trương nhất thời như cáo buộc của VKS là chỉ định thầu cho PVC là để cứu PVC. Không phải chỉ riêng PVC được chỉ định thầu mà tất cả các đơn vị thành viên đều được chỉ định thầu theo đúng quy định của pháp luật. Dự án được chuẩn bị suốt một thời gian dài, từ 2009. Tôi không tài thánh gì để biết năm 2011 PVC sẽ gặp khó khăn mà chỉ định thầu để cứu PVC. Nếu thế thì tôi giỏi quá!” - ông Thăng phân trần.
Đề nghị HĐXX xem xét lại vai trò của mình trong vụ án, bị cáo Thăng cho rằng, sau khi bị cáo chuyển công tác, HĐTV PVN tiếp tục thẩm định, đánh giá và quyết định PVC đủ điều kiện làm tổng thầu.
“Lúc đó tôi không còn chức năng, quyền hạn gì. Việc cáo buộc chỉ định thầu mong HĐXX xem một cách thực tế khách quan. Tôi không cố tình chỉ định thầu vô tội vạ, để cứu hay làm gì, hoàn toàn không có.” - ông Thăng khẩn khoản.
Về việc ký Hợp đồng EPC số 33, ông Thăng cho rằng đây là mấu chốt của vụ án.
“Không có hợp đồng này thì không ai phải ra tòa. Đây là trách nhiệm của chủ đầu tư và của tổng thầu. Ban Tổng Giám đốc không biết thì tôi với tư cách là Chủ tịch HĐTV càng không thể biết. Việc ký kết là 2 bên hoàn toàn tự nguyện với nhau. Tài liệu, chứng cứ đưa ra đều là sự bàn bạc của PVPower mà vẫn gắn tôi chỉ đạo.” - ông Thăng trình bày và đề nghị HĐXX gọi ông Vũ Huy Quang (nguyên TGĐ PVPower) hỏi rõ xem ông và bị cáo Phùng Đình Thực (cựu TGĐ PVN) và Nguyễn Quốc Khánh (cựu Phó TGĐ PVN) có chỉ đạo, ép buộc ký hợp đồng không.
Trình bày thêm về Dự án NMNĐ Thái Bình 2 và Hợp đồng EPC số 33, ông Thăng khẳng định, bản thân không biết đến sự “tồn tại” của hợp đồng này, đến khi cơ quan điều tra đưa ra ông mới biết.
Về việc tạm ứng tiền cho PVC mà ông Thăng bị cáo buộc chỉ đạo, bị cáo này khẳng định bản thân hoàn toàn không có chỉ đạo nào và việc tạm ứng tiền không thuộc trách nhiệm của ông.
Luật sư: Ông Thăng “thiếu trách nhiệm” chứ không “cố ý làm trái”
Bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, ở những vụ án mà hậu quả được coi là nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại thời điểm ông Thăng là Chủ tịch HĐTV thì trong Thông báo 148 năm 2012 về kết quả 7 năm thực hiện Kết luận 41 của Bộ Chính trị kết luận: “PVN đã trở thành tập đoàn kinh tế trụ cột hàng đầu của đất nước...”.
Viện dẫn một phần nội dung trong tài liệu nêu trên, luật sư Phan Trung Hoài đề nghị và mong muốn HĐXX phúc thẩm của vụ án cần xem xét kết luận nêu trên, khi lượng hình đối với bị cáo Thăng.
Tại phần tranh luận của mình, luật sư Nguyễn Huy Thiệp khẳng định: “Điều tôi cảm nhận chung là tất cả những diễn biến của phiên tòa phúc thẩm không được cập nhật và thể hiện trong quan điểm của VKS. Trong khi đó, một số nội dung được cấp sơ thẩm đánh giá theo nguyên tắc suy đoán có tội lại được VKS đánh giá thêm theo hướng như vậy.”.
Tỏ ra không đồng tình với đánh giá của đại diện VKS, luật sư Thiệp viện dẫn, đại diện VKS xác định, để tạo điều kiện cho PVC, bị cáo Thăng đã chỉ định thầu sai quy định, chỉ đạo tạm ứng trái quy định, đủ dấu hiệu cấu thành tội cố ý làm trái.
“Tại sao và căn cứ vào đâu để nói ông Đinh La Thăng có sự hỗ trợ cho PVC.” - luật sư Thiệp đặt câu hỏi và giải thích luôn, nếu bị cáo Thăng thực sự muốn hỗ trợ cho PVC thì đương nhiên phải quan tâm đến việc tạo nguồn vốn cho PVC.
“Vậy tại sao khi PVPower đề nghị cấp vốn cho PVPower để đơn vị này tạm ứng vốn cho PVC thì bị cáo Thăng không dưới hai lần từ chối và bút phê: “Phương án tăng vốn đâu?”. PVN không phải là thủ quỹ của PVC.” - ông Thiệp trình bày.
Luật sư Thiệp cũng cho rằng, quy kết của VKS đã sử dụng một lời khai để buộc tội bị cáo Thăng. Để bảo toàn vị trí của bản thân thì đương nhiên lời khai của người đó phải loại trừ trách nhiệm cho chính mình.
“Về khách quan, trong cuộc họp đó có tới hàng chục người mà tất cả mọi người đều không nghe, không biết, không thấy, chỉ có người có lời khai bất lợi cho bị cáo Thăng biết.” - luật sư Thiệp lập luận.
Cũng theo luật sư Thiệp, việc quy kết tội với bị cáo Thăng cần phải xem lại. Đối với việc chỉ định thầu, đủ cơ sở để khẳng định việc chỉ định thầu cho PVC về chủ trương là hợp pháp.
“Hành vi của bị cáo Thăng có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm chứ không có hành vi, mục đích của cố ý làm trái.” - luật sư Thiệp đánh giá.
Kết lại, luật sư Nguyễn Huy Thiệp kiến nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của bị cáo Thăng, sửa án sơ thẩm theo hướng áp dụng tội nhẹ hơn, đồng thời giảm mức hình phạt cho bị cáo.
Tiến Nguyên