Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo mong muốn gì trước phiên họp?
(Dân trí) - Ngày mai (3/7), TAND tỉnh Bình Dương sẽ mở phiên họp sơ thẩm xem xét đơn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo yêu cầu hủy bỏ quyết định, nghị quyết bãi nhiệm bà khỏi vị trí là người đại diện theo pháp luật Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên.
Phiên họp do thẩm phán Thái Thị Hữu Xuân làm chủ tọa. Đại diện Viện KSND tỉnh Bình Dương tham gia phiên họp là ông Trần Văn Bé.
Tại phiên họp này, bà Thảo ủy quyền cho ông Đặng Ngọc Hoàng Hưng. Luật sư Trương Trọng Nghĩa và luật sư Nguyễn Hồng Hà là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Thảo.
Về phía ông Vũ ủy quyền cho ông Nguyễn Duy Phước. Người bảo vệ quyền lợi cho ông Vũ có luật sư Trương Thị Hòa.
Ngoài ra, tòa cũng triệu tập đại diện Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên, Công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên và bà Lê Thị Ước (mẹ ông Vũ) tới tham dự phiên họp với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Theo đơn khởi kiện, bà Lê Hoàng Diệp Thảo yêu cầu tòa hủy bỏ quyết định, nghị quyết bãi nhiệm bà khỏi vị trí là người đại diện theo pháp luật công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên của hội đồng quản trị và nghị quyết của đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên.
Trước phiên họp, Viện kiểm sát tỉnh Bình Dương nhận được đơn kiến nghị khẩn thiết yêu cầu TAND tỉnh Bình Dương sớm giải quyết việc kinh doanh thương mại theo quy định.
Theo đơn, Công ty cổ phần hòa tan Trung Nguyên là công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên. Trong đó, Công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên chiếm 85% cổ phần, ông Vũ nắm giữ 10% cổ phần và bà Lê Hoàng Diệp Thảo nắm giữ 5% cổ phần.
Từ năm 2015 đến nay, bà Thảo có phát sinh 19 vụ kiện với các cổ đông khác và các công ty thành viên thuộc Trung Nguyên. Trong tổng số 19 vụ kiện thì có 3 vụ được TAND tỉnh Bình Dương giải quyết.
Vụ án kinh doanh thương mại (sau chuyển thành việc kinh doanh thương mại) đã được TAND tỉnh Bình Dương thụ lý ngày 18/7/2016, đến nay đã kéo dài 3 năm vẫn chưa được giải quyết. Vụ việc kéo dài, mâu thuẫn giữa bà Thảo với các cổ đông cũng như công ty trực thuộc tập đoàn Trung Nguyên ngày càng trầm trọng và càng phát sinh nhiều hậu quả khó khắc phục, làm ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu và hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp của Trung Nguyên và lợi ích chính đáng của hơn 5.000 người lao động.
Ngoài ra, ông Vũ cho rằng bà Thảo không có quyền yêu cầu tòa hủy bỏ nghị quyết của đại hội đồng cổ đông và nghị quyết của hội đồng quản trị công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên. Bởi lẽ, bà Thảo chỉ là cổ đông sở hữu 5% cổ phần tại công ty.
Về phần mình, bà Thảo cho rằng cách đây 5 năm khi ông Vũ lên núi M’Drak thiền nhịn ăn 49 ngày và thay đổi hoàn toàn, nhóm thao túng đã dựng lên kịch bản dòng họ Đặng để tung hô và đưa ông lên ở trên trời, âm mưu đẩy mẹ con bà Lê Hoàng Diệp Thảo ra khỏi công ty.
Nhóm thao túng đã lập ra bộ hồ sơ giả, trong đó có biên bản họp hội đồng quản trị, biên bản họp đại hội đồng cổ đông và điều lệ để có được giấy đăng ký kinh doanh lần 8 của Trung Nguyên.
Theo bà Thảo, quyết định, nghị quyết bãi nhiệm bà khỏi vị trí là người đại diện theo pháp luật tại công ty cổ phần hòa tan Trung Nguyên là trái pháp luật. Tài liệu hồ sơ vụ việc bị làm giả mạo và đã có kết luận của Viện khoa học hình sự. Vì vậy, bà Diệp Thảo đề nghị Tòa án tỉnh Bình Dương chuyển toàn bộ hồ sơ giả mạo sang cơ quan Công an để điều tra làm rõ việc giả mạo theo quy định của pháp luật.
Ngược lại ông Vũ, tài liệu giám định ký hiệu A3-2 có dấu hiệu cắt ghép là tài liệu do phòng đăng ký kinh doanh - Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Dương cung cấp cho TAND tỉnh Bình Dương. Cũng theo ông Vũ tài liệu này do bà Thảo đã ủy quyền cho người khác nộp tại phòng đăng ký kinh doanh - Sở kế hoạch và đầu tư.
Xuân Duy