1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Ở tù vẫn “vô tư” xài điện thoại!

Dù đang thụ hình bản án 14 năm tù ở Trại giam Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu), nhưng Phan Cao Giang vẫn sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) để thực hiện hàng loạt vụ lừa đảo; trong khi theo quy định thì phạm nhân không được phép sử dụng ĐT.

Lừa đảo qua điện thoại

 

Để thực hiện được hành vi lừa đảo, Phan Cao Giang khai nhận đã thuê của Cù Quốc Toàn (phạm nhân giam chung phòng) 2 ĐTDĐ để giả danh công an liên lạc ra bên ngoài.

 

Trước khi ra tay, Giang gọi điện cho bạn gái là Nguyễn Thị Thắm (ngụ ấp Bình Đức 2, xã Bình Hòa, H.Thuận An, Bình Dương) nhờ mua báo và đọc cho y nghe thông tin về các vụ án hình sự vừa xảy ra. Sau khi nắm được địa chỉ của nạn nhân bị mất trộm, Giang gọi tổng đài 1080 để hỏi số điện thoại và gọi cho công an địa phương tự xưng là "đội trưởng hình sự" hoặc "cán bộ PC45" công an tỉnh này, địa phương kia để “xác minh vụ trộm”, đồng thời yêu cầu công an thông báo cho bị hại liên lạc với mình. Khi nạn nhân gọi tới thì Giang cho biết đã tìm được tài sản bị mất và gợi ý nạn nhân “bồi dưỡng cho các đồng chí có công trong vụ bắt trộm”, bằng cách mua thẻ cào ĐTDĐ rồi nhắn mã số thẻ vào một số máy mà Giang cho. Chỉ trong 3 tháng, Giang khai đã thuê ĐT của Toàn khoảng 40 lần và trả cho Toàn 20 triệu đồng.

 

Thấy “làm ăn” quá dễ dàng, Giang mua lại chiếc ĐTDĐ của phạm nhân Nguyễn Hồng Phương với giá 2 triệu đồng và từ ĐT này, y đã thực hiện 2 vụ lừa ở TX.Đồng Xoài (Bình Phước) và 1 vụ ở Tiền Giang. Trong đó có vụ lừa ông Huỳnh Anh Tuấn (xã Thiện Trí, H.Cái Bè, Tiền Giang) lấy 11 triệu đồng sau khi đọc báo biết ông Tuấn vừa bán heo và bị mất trộm 694 triệu đồng.
 

Liên tục phạm tội

Bằng thủ đoạn tương tự, phạm nhân Phan Cao Giang còn lừa 7 vụ khác trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Lật lại hồ sơ cho thấy, Giang có nhiều tiền án, tiền sự: Năm 1993 và 1996, bị Công an Q.4 và Công an Q.10 (TP.HCM) bắt về hành vi trộm cắp tài sản. Từ 1997 đến 2006, Giang 4 lần bị phạt tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Trong đó, năm 2000 bị Tòa án Quân khu 7 xử phạt 8 năm tù; năm 2005 bị TAND Q.1 (TP.HCM) phạt 9 năm tù và ngày 30.3.2006 bị TAND TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) phạt 5 năm tù...
 

 Theo lời khai của Giang thì tháng 3.2011, y đã mua chiếc ĐTDĐ Nokia 6290 để biếu cho một cán bộ quản giáo tên là T. Nhờ vậy mà mỗi khi được ra ngoài lao động, cán bộ T. đã cho Giang mượn ĐT để liên lạc về gia đình. Nhưng thay vì gọi cho gia đình, Giang đã sử dụng ĐT của cán bộ T. để thực hiện thêm 2 vụ lừa đảo trên địa bàn Tiền Giang. Giang khai mỗi lần mượn ĐT của cán bộ T. thì y nạp tiền vào tài khoản ĐT này từ 1-2 triệu đồng, còn việc thực hiện hành vi lừa đảo thì cán bộ T. không biết.

 

Và “chung, chi” tiền?!

 

Cũng theo lời khai của Giang thì y đã nhiều lần “chung chi” tiền cho một số cán bộ quản giáo, sau khi bị phát hiện sử dụng ĐT trong trại giam để thực hiện hành vi lừa đảo. Cụ thể, Giang khai đã đưa cho cán bộ H. 5 triệu đồng để nhờ người này đưa lại giùm cho cán bộ L. (cấp trên của ông H.) ở Trại giam Xuyên Mộc. Ngoài số tiền phạm tội mà có, Giang còn yêu cầu gia đình “chi viện” thêm để chi cho một số cán bộ. Chẳng hạn như ngày 19.4.2011, Giang mua 2 vé máy bay cho cán bộ T. về quê với số tiền 2,8 triệu đồng. Ngoài 8 triệu đồng nạp vào tài khoản ĐTDĐ, Giang khai còn mua tặng cho cán bộ T. một dàn máy nghe nhạc trị giá 3 triệu đồng, một ĐTDĐ và 1 triệu đồng tiền mặt...

 

Đối với cán bộ S., Giang khai đã chi 5 triệu đồng tiền mặt, 1 ĐTDĐ giá 1,4 triệu đồng và 3 lần nạp tiền vào tài khoản ĐT tổng cộng 1,7 triệu đồng. Riêng cán bộ H., Giang khai đã chi 2,8 triệu đồng tiền mặt, đồng thời gọi điện về gia đình yêu cầu chuyển vào tài khoản của cán bộ H. nhiều lần tổng cộng 10 triệu đồng. Ngoài ra, Giang còn khai đã chi tiền cho 5 cán bộ khác tổng cộng hơn 7 triệu đồng và 1 máy laptop hiệu Dell giá 7 triệu đồng. Chơi “xộp” hơn, Giang còn mua “tặng” cho trại giam một tivi hiệu LG giá 3,8 triệu đồng!

 

Đáng lưu ý, theo lời khai của Giang thì y biết rõ có 15 phạm nhân mỗi khi ra ngoài lao động thì được liên lạc bằng ĐT để mua ma túy đem vào trại giam bằng cách bỏ vào ống hút ngậm trong miệng, hoặc nhét vào hậu môn để không bị cán bộ quản giáo phát hiện. Sau đó, họ đem bán lại cho các phạm nhân nghiện với giá từ 5 đến 10 triệu đồng một.

 

 

Theo Hoàng Phương

Thanh Niên