1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Nước mắt trong phiên tòa xử cha dượng bạo hành

Xuân Duy

(Dân trí) - Luật sư, hội thẩm nhân dân cùng nhiều người tham dự phiên tòa xét xử gã cha dượng bạo hành con riêng của vợ đã không thể cầm được nước mắt khi bị cáo nhắc lại hành vi hành hạ cháu bé.

Chị Dương Thảo D. sinh ra đã thiếu đi tình thương của người cha. Năm chị 4 tuổi thì mẹ chị đi “thêm bước nữa” cùng ông Đặng Công H. Lớn lên, chị D. đi làm ăn xa quê và có bé Dương Thảo C. (sinh năm 2013). Sau khi sinh con, chị D. đưa con về nhờ ông H. chăm sóc, nuôi dưỡng để mình có thể đi làm kiếm tiền nuôi con.

Đầu năm 2019, chị D. phải lòng bị cáo Hà Quốc Việt (sinh năm 1983) và về sống chung như vợ chồng. Tháng 8/2019, gia đình ông H. có công việc nên gửi cháu C. lên cho chị D. Trong thời gian này, cháu C. liên tục bị Việt dùng gậy, tay chân đánh đập, ngoài ra, Việt còn dùng thuốc lá đang cháy dở để châm vào bộ phận sinh dục cháu C.

Nước mắt trong phiên tòa xử cha dượng bạo hành - 1
Bị cáo Việt tại phiên tòa.

Ngày 24/10/2019, có người chở cháu C. từ TPHCM về Trà Vinh giao cho ông H. Sau đó, ông H. làm đơn tố cáo Việt. Theo kết luận giám định pháp y thì cháu C. bị thương tích 47%. Từ ngày vụ án xảy ra tới nay, ông H. không liên lạc được với chị D. và cũng không biết chị D. đang làm gì, ở đâu.

Tại phiên tòa, bị cáo Việt chậm rãi trình bày từng hành vi đánh đập, hành hạ cháu C. khiến những người tham gia phiên tòa phải phẫn nộ và không thể cầm được nước mắt.

Theo ông H., sau khi xảy ra vụ việc, ông nhận lại chăm sóc cho bé C. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, thu nhập mỗi tháng chỉ vỏn vẹn 3 triệu đồng nên ông đắn đo, suy nghĩ.

Sau đó, người đại diện cho cháu C. cũng như luật sư bảo vệ cho bị hại đề nghị ông H. nên gửi cháu C. vào mái ấm “nhịp cầu hạnh phúc” để cháu có được điều kiện học tập tốt cũng như có tương lai hơn.

Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, giải pháp gửi bé C. vào ngôi nhà "nhịp cầu hạnh phúc" là phù hợp nhất với hoàn cảnh của bé hiện tại. Bởi theo luật sư phân tích, hiện bé không có mẹ chăm sóc (đã cắt đứt liên lạc), phía bà ngoại lại không lo, còn ông H. ngoài việc không đủ khả năng để chăm sóc, ông không có quan hệ huyết thống, họ hàng với bé C.

Đồng quan điểm trên, vị hội thẩm nhân dân ghi nhận tấm lòng của ông H. khi nuôi nấng chị D. khôn lớn rồi tiếp tục muốn nuôi cháu C.

“Tôi là một người phụ nữ nên tôi phần nào thấu hiểu được tấm chân tình của ông dành cho mẹ con bị hại. Khi ông gửi cháu C. vào mái ấm tình thương thì cháu sẽ được học tập, vui chơi trong điều kiện tốt. Ông gửi cháu vào đó không có nghĩa là ông cắt đứt mọi quan hệ với cháu C., lúc nào ông có điều kiện ông có thể từ Trà Vinh lên TPHCM thăm cháu. Sau này cháu C. lớn lên có công việc ổn định, rồi lập gia đình thì khi đó ông là đại diện cho gia đình nhà gái”, vị hội thẩm ngấn lệ.

Sau khi khuyên ông H. cho cháu C. vào mái ấm thì vị hội thẩm này khuyên bị cáo Việt từ bỏ ma túy, tu tâm dưỡng tính và hy vọng bị cáo làm lại cuộc đời.

“Trong thời gian ở trong trại giam, tôi mong muốn bị cáo ăn năn, sám hối trước những lỗi lầm mình đã gây ra rồi quyết tâm từ bỏ ma túy. Nếu bị cáo không từ bỏ ma túy thì bị cáo tiếp tục quay trở lại lao ngục, khi đó hình phạt của bị cáo sẽ rất nặng. Tôi mong muốn bị cáo có thể tự đánh thức lương tri của chính mình”, vị hội thẩm khuyên bị cáo.

Nước mắt trong phiên tòa xử cha dượng bạo hành - 2

Việt được hội thẩm nhân dân khuyên làm lại cuộc đời,

Bị cáo Việt cúi đầu khi nghe những lời trên của nữ hội thẩm, bị cáo xin hứa sẽ từ bỏ ma túy và làm lại cuộc đời.

Khi nghe mọi người khuyên, ông H. trình bày: "Tôi giờ cũng chẳng biết làm sao, tôi cũng muốn gửi bé vào nhưng lại không đành lòng, tôi thương con bé lắm, không nỡ xa. Mà giờ nó ở với mình, tiền gạo thì nuôi đủ, nhưng còn chuyện khác thì tôi nghĩ không đủ khả năng. Mà bà ngoại, mẹ nó đã bỏ nó rồi, mình không thương sao được".

Sau những lời khuyên từ phía HĐXX cũng như luật sư, ông H. đồng ý sẽ đưa bé C. vào ngôi nhà "nhịp cầu hạnh phúc" để bé có một điều kiện tốt hơn.

Trong phần tranh luận, luật sư Nữ đề nghị xử phạt bị cáo Việt mức án cao nhất theo khung hình phạt. Hành vi của bị cáo sẽ ảnh hưởng nặng nề tới tâm sinh lý của cháu bé.

“Tôi làm rất nhiều vụ án về trẻ em nhưng khi tham gia bảo vệ trong vụ án này thì tôi không thể cầm được nước mắt. Trẻ em là để yêu thương, được hưởng những gì tốt đẹp nhất nhưng bị cáo lại có hành vi đánh đập, hành hạ cháu C. một cách tàn bạo”, luật sư Nữ không thể cầm được nước mắt.

Ngồi bên ngoài phòng xử án, bé C. ôm choàng lấy những chú gấu bông được các cô chú mua tặng, chốc chốc nhìn về phía xa. Khi chúng tôi hỏi bé có nhớ mẹ không, C. chỉ lắc đầu rồi cúi mặt xuống buồn bã.

Kết thúc phiên tòa, bị cáo Việt bị tòa tuyên phạt mức án 8 năm tù nhưng đằng sau đó, hình ảnh đứa bé 7 tuổi không cha, không mẹ bơ vơ nơi góc sân tòa khiến nhiều người phải xúc động. Hi vọng rằng chuỗi ngày phía trước, cuộc đời C. sẽ được bình an.