1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Nước mắt 3 người mẹ trong vụ án giết người hi hữu

(Dân trí) - 3 người mẹ gánh chịu 3 nỗi đau khác nhau trong vụ án giết người hi hữu. Thay vì hận thù, họ đã thấu hiểu và sẻ chia với nhau…

Phiên tòa xét xử Nguyễn Văn Minh (*) SN 2002, trú huyện Thanh Chương, Nghệ An thu hút sự chú ý của dư luận. Người đứng trên bục khai báo kia, người đã chết và những nhân chứng đều còn rất trẻ, phần lớn chưa đủ tuổi thành niên.

17 tuổi nhận án 17 năm tù

Theo hồ sơ vụ án, trưa ngày 5/11/2018, trong khi đến nhà Tú Anh (SN 2005) để tìm em trai giúp bạn, giữa Tuấn và Cường (SN 1998) xảy ra mâu thuẫn do Tuấn tát em của Cường. Dù Tuấn đã xin lỗi và ra về nhưng đến chiều tối cùng ngày, gặp Cường đi xe máy chở theo Tú Anh và Bình (SN 2003) đi trên Quốc lộ 46, Tuấn nói Minh đuổi theo.

Nước mắt 3 người mẹ trong vụ án giết người hi hữu - 1
Nguyễn Văn Minh được dẫn giải về trại giam khi phiên tòa kết thúc. Với tội danh "Giết người", Minh phải chịu mức án 17 năm tù khi vừa bước sang tuổi 17.

Khi đuổi kịp, Tuấn dùng gậy 3 khúc đánh Cường nhưng không trúng. Lúc này, Minh đang đi xe cùng người khác liền nói bạn tăng tốc đuổi theo. Minh yêu cầu Cường dừng xe lại nhưng nam thanh niên này không làm theo. Người bạn của Minh phóng vượt lên 1 đoạn khá xa, thả Minh xuống vệ đường rồi chạy xe về.

Minh đứng bên vệ đường, thấy xe Cường gần đi đến nơi thì ném chiếc mũ bảo hiểm đang cầm trên tay vào xe. Chiếc mũ trúng yếm xe, bật lên văng vào mặt Cường làm thanh niên này mất tay lái, xe lao xuống vệ đường. Hậu quả Cường tử vong tại chỗ, Tú Anh tử vong trong bệnh viện còn Bình bị thương.

Khi sự việc xảy ra, Nguyễn Văn Minh mới được 16 tuổi, 9 tháng, 5 ngày, đang là học sinh lớp 11 một trường THPT trên địa bàn. Con đường học vấn của Minh cũng khép lại khi cậu nhận thức được hành vi của mình và đi đầu thú.

Nỗi đau của 3 người mẹ

Ngày TAND tỉnh Nghệ An đưa vụ án ra xét xử, bố mẹ Minh, mẹ Cường và mẹ Tú Anh đều có mặt. Họ ngồi cách nhau 1 đoạn, nước mắt thánh thót rơi bởi nỗi đau phải gánh chịu quá lớn.

Suốt thời gian xét xử, chị Tuyết – mẹ của Minh cúi mặt xuống, nhìn chằm chằm vào đôi bàn tay đen đúa, sứt sẹo của mình. Hai vợ chồng chị “vỡ kế hoạch” sinh liền 4 đứa con, Minh là con đầu. Nhà chỉ có 2 sào ruộng nên hai anh chị quần quật hái chè, chặt gỗ keo thuê lấy tiền lo cho các con ăn học.

Nước mắt 3 người mẹ trong vụ án giết người hi hữu - 2
Mẹ của nạn nhân Cường và nạn nhân Tú Anh bật khóc trong phiên xét xử.

“Không biết sao thằng Minh dại dột thế. Bình thường nó không phải là đứa hư hỏng. Bố mẹ đi làm, một tay Minh lo cơm nước, gà vịt rồi mới đi học, thế mà năm nào cũng được học sinh khá. Minh là đứa biết lo xa, nó bảo nhà mình nghèo, con không thi đại học, học xong cấp 3, con xin đi bộ đội, khi ra quân có chút vốn, lại được hưởng chế độ ưu đãi sẽ đi xuất khẩu lao động…”, người mẹ nghèo thổn thức.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, trong nhà không có lấy một đồng bạc, vợ chồng chị Tuyết cầm cố đất đai, vay mượn anh em chòm xóm để hỗ trợ 1 phần cho gia đình các nạn nhân lo tang ma. “Giá nhà có ít đất đồi thì tôi cũng bán, chứ được mỗi nếp nhà, bán rồi con cái biết sống ở đâu. Con mình dại dột nhưng họ mất con, đau đớn lắm. Tiền thì biết bao nhiêu cho đủ nhưng họ thương, sống tình nghĩa, cũng không oán thán gì”, chị trải lòng.

Ở bên kia, chị Cẩm – mẹ của nạn nhân Cường cũng không ngừng khóc. Người phụ nữ đã qua 1 lần mổ khối u, hiện đang mang một khối u khác trong người đã phải cố gắng lắm mới có thể vượt qua nỗi đau mất con.

“Hai năm trước Cường đỗ đại học nhưng thời điểm đó tôi đi viện để mổ, nhà không có tiền, nên em nó quyết định không học đại học mà đi làm thuê, kiếm tiền phụ gia đình. Nó bảo con cố gắng làm thêm để lo tiền mổ tiếp khối u cho tôi nhưng giờ thì tôi không còn con nữa rồi”, chị bật khóc thành tiếng.

Chứng kiến đứa con trai hiếu thảo chết mà khuôn mặt đã biến dạng hoàn toàn do va đập mạnh, chị Cẩm tưởng có thể chết theo con. Chị oán trách kẻ đã gây ra cái chết tức tưởi cho con mình nhưng lòng chùng lại khi kẻ ấy mới hơn 16 tuổi, khuôn mặt còn non choẹt, khi ông bố, bà mẹ lam lũ khắc khổ tới nhà, thay con thắp nén hương tạ tội với người đã khuất, cùng gia đình lo chu tất tang ma cho Cường.

Tại phiên tòa, Nguyễn Văn Minh thành khẩn thừa nhận mọi hành vi phạm tội. Minh lí giải việc ném mũ bảo hiểm vào xe của Cường là để Cường dừng lại cho bạn Minh nói chuyện chứ không ý thức được rằng việc làm của mình sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của người khác.

Hơn 16 tuổi, Minh thay chiếc áo trắng đồng phục học sinh bằng áo tù, cậu thấm thía hơn hết cái giá phải trả cho sự nóng vội và ngu ngốc của mình. Biết nhà mình nghèo nhưng Minh cũng năn nỉ bố mẹ lo tiền bạc để đền bù 1 phần hậu quả mình gây ra.

Nước mắt 3 người mẹ trong vụ án giết người hi hữu - 3
Chị Tuyết chạy theo rồi đứng nhìn khi con được đưa lên xe về trại giam. Ở tuổi 17, con trai chị phải trả giá cho tội lỗi của mình bằng bản án 17 năm tù.

“Nó nói bố mẹ giúp con, sau này ra tù con sẽ trả lại. Bố mẹ năng đi lại với nhà người ta, nhắn cho con gửi lời xin lỗi, ra tù con sẽ thay anh Cường, em Tú Anh chăm sóc, phụng dưỡng các bác. Mẹ cũng dặn dò các em, đừng để chúng đi chơi, phải chăm lo học hành. Con ở trong này cũng sẽ cố gắng cải tạo để được sớm trở về”, chị Tuyết thổn thức khi nhớ những lời dặn dò của con.

Trước khi phiên tòa diễn ra, chị Nguyệt - mẹ của nạn nhân Tú Anh đã có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho Minh, cũng không yêu cầu bồi thường. Đứng trước tòa, người mẹ vừa mất con rành rọt: “Dù có oán trách, thù hận, Tú Anh cũng không thể sống lại. Còn Minh, cháu nó còn trẻ, còn cả tương lai phía trước. Tôi mong tòa xem xét cho cháu một cơ hội để sớm trở về, làm lại cuộc đời”.

Những lời gan ruột của chị Nguyệt khiến Minh cúi đầu bật khóc. Bên kia, chị Tuyết cũng nức nở…

Xem xét toàn diện vụ án, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Văn Minh 17 năm tù về tội “Giết người”. Bản án khiến 3 người mẹ thảng thốt. Vẫn biết pháp luật luôn công bằng và nghiêm khắc nhưng họ không nghĩ mức án dành cho Minh lại cao đến thế.

Chị Tuyết ngồi thụp xuống sân tòa nắng chang chang, khóc lặng. Chị Nguyệt bước tới, luống cuống không biết động viên thế nào, nước mắt cũng thấm ướt quanh vành mi. “Chị về đi, tôi sẽ viết đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho cháu!”. Qua làn nước mắt, sự thông cảm, sẻ chia của hai người mẹ chạm vào nhau, nỗi đau như dịu lại…

* (Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi)

Hoàng Lam