1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Nữ giám đốc bảo kê người nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép

Thanh Tùng

(Dân trí) - Cơ quan Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố thêm 2 bị can trong đường dây làm giả hồ sơ, bảo lãnh cho nhiều người nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép.

Liên quan đến vụ án hình sự làm giả hồ sơ, tổ chức cho người nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép, cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định khởi tố thêm 2 bị can gồm Trần Thị Minh (SN 1987), Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông và giáo dục Global và Trần Văn Ba (SN 1980), Giám đốc Công ty TNHH tư vấn và đào tạo Hoàng Hà.

Trước đó, cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Lê Thị Hồng Vân (SN 1984, trú phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa), Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển giáo dục PPV. Đồng thời khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2 nhân viên của Lê Thị Hồng Vân.

Theo cơ quan điều tra, Lê Thị Hồng Vân là người đại diện 2 công ty hoạt động trong lĩnh vực giáo dục gồm, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển giáo dục PPV; Công ty TNHH giáo dục Quốc tế Apple.

Nữ giám đốc bảo kê người nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép - 1

Cơ quan chức năng thực hiện lệnh bắt tạm giam bị can đối với Lê Thị Hồng Vân (Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa).

Từ năm 2018 đến giữa năm 2020, 2 công ty của Vân đã bảo lãnh đủ số người nước ngoài (25 trường hợp) so với nhu cầu thực tế làm việc.

Tuy nhiên, nhận thấy nhiều cơ sở giáo dục trong và ngoài tỉnh có nhu cầu thuê người nước ngoài dạy tiếng Anh nên Vân tiếp tục làm hồ sơ, thủ tục bảo lãnh khoảng hơn 100 người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, nhằm cho các cơ sở giáo dục thuê lại để hưởng lợi.

Khoảng tháng 7/2021, Vân liên hệ với Trần Thị Minh và Trần Văn Ba để cùng thực hiện hành vi bảo lãnh cho người nước ngoài vào Việt Nam.

Theo kế hoạch, Vân sẽ quản lý, sử dụng danh nghĩa công ty của Minh và Ba để đưa giáo viên nước ngoài đến các cơ sở để cho thuê dạy tiếng Anh.

Từ tháng 8/2021 đến đầu năm 2023, Vân đã sử dụng công ty của Minh và Ba làm thủ tục bảo lãnh cho 30 trường hợp khác, nâng tổng số người nước ngoài do Vân bảo lãnh lên khoảng 180 người.

Quá trình mời và bảo lãnh cho số người nước ngoài, Vân lập hồ sơ giải trình khống hoạt động của 4 công ty lên gấp nhiều lần so với thực tế.

Căn cứ vào hồ sơ bảo lãnh, Sở Lao động - Thương binh và xã hội Thanh Hóa đã tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài của 4 công ty này.

Mỗi trường hợp người nước ngoài được nhập cảnh, Vân cho Ba và Minh 2 triệu đồng; đối với các trường hợp chuyển đổi từ công ty khác sang, Vân thống nhất trả cho Minh và Ba từ 5 đến 7 triệu đồng/trường hợp.

Đối với các hồ sơ của người nước ngoài không đủ điều kiện, bị trả lại, Vân chỉ đạo nhân viên làm giả một số tài liệu, sau đó chuyển các tài liệu được làm giả bằng bản scan cho các đối tượng làm dịch vụ ở thành phố Hà Nội để dịch thuật và công chứng hoàn thiện hồ sơ.

Sau đó những hồ sơ này được nộp, đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lao động và thẻ tạm trú cho người nước ngoài.

Trong khoảng 180 người nước ngoài nhập cảnh, Vân chỉ sử dụng 20 người làm việc tại 4 công ty trên, số còn lại Vân cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thuê lại hoặc thỏa thuận với người nước ngoài để họ tự đi tìm kiếm công việc trong và ngoài tỉnh nhưng vẫn thu phí (phí bảo kê lao động).

Qua xác minh, Công an tỉnh Thanh Hóa truy tìm, xác định được 25 người nước ngoài do Vân bảo lãnh; trong đó có 6 trường hợp đang tạm trú tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa, 19 trường hợp đang tạm trú thuộc các địa bàn tỉnh ngoài; ngoài ra, có 6 trường hợp đã xuất cảnh, số còn lại chưa xác định được đang tạm trú ở địa phương nào.

Hiện, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã làm việc với các cá nhân, đơn vị sử dụng lao động trên. Đồng thời mở rộng điều tra và làm rõ trách nhiệm để xử lý theo quy định.