1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

TPHCM:

Nữ “đại gia” ve chai và những cú lừa ngoạn mục

(Dân trí) – Từ một người mua ve chai, trình độ lớp 6, Tám đã lập công ty với vốn điều lệ gần 1,8 tỉ đồng và ngồi ghế Chủ tịch HĐQT. Với mác doanh nhân thành đạt, người phụ nữ chân quê năm nào đã có những cú lừa ngoạn mục khiến bao người phải trắng tay.

Kỳ tích của nữ đại gia rởm

Trần Thị Tám (SN 1965) xuất thân trong một gia đình nghèo đông con ở Hải Dương. Cuộc sống khó khăn, học hết lớp 6, Tám tạm biệt nhà trường để đi làm phụ giúp gia đình. Như bao người con gái quê, tới tuổi cập kê, Tám cũng hẹn hò đôi lứa rồi kết hôn với một chàng trai gần nhà. Chung sống với nhau, có hai mặt con nhưng cuộc sống quá khó khăn, nên năm 2002, vợ chồng Tám bán nhà cửa lấy vốn vào Đồng Nai lập trang trại nuôi heo.

Cuộc đời qua trang mới, hy vọng sẽ thoát cảnh khó nghèo nhưng cơn đại dịch heo tai xanh đã càn quét kinh tế gia đình. Không chống chọi nổi với thời cuộc, Tám tìm kế mưu sinh mới. Năm 2004, Tám chuyển về phường Hố Nai bắt đầu đi mua ve chai dạo. Nhờ chăm chỉ lao động và biết chắt chiu những đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi, nước mắt, cuộc sống gia đình Tám khấm khá hơn.

Trần Thị Tám và Lê Tân Ban tại phiên xử phúc thẩm
Trần Thị Tám và Lê Tân Ban tại phiên xử phúc thẩm

Tháng 1/2008, Tám cùng người cháu của mình là Trần Sỹ Kiêm lập ra công ty TNHH Đầu tư và thương mại Hiệp Đồng Tâm, trụ sở đặt tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Trần Sỹ Kiêm làm giám đốc, còn Tám giữ vai trò chủ tịch Hội đồng quản trị, vốn điều lệ gần 1,8 tỷ đồng. Sau đó, Tám liên hệ với Lê Tân Ban (SN 1960, quê Hải Phòng) – người lái xe ôm về làm tài xế cho mình.

Trình độ hạn chế, tài chính cũng chỉ là con số khai khống trên giấy tờ thành lập công ty mà thôi, công ty làm ăn thua lỗ liên tục. “Cái khó ló cái khôn” đâu không thấy, Tám nghĩ ngay đến việc lấy tư cách pháp nhân công ty Hiệp Đồng Tâm để lừa đảo và rủ Lê Tân Ban cùng tham gia. Cặp song sát làm điên đảo bao gia đình dẫn đến tan gia bại sản là đây.

Trong thời gian chưa đầy 1 năm từ tháng 10/2006 đến tháng 6/2007, Tám đã trực tiếp dùng thủ đoạn đưa ra các thông tin, tài liệu giả mạo là các hợp đồng kinh tế mua bán sắt thép với một số công ty ở Hà Nội và Nghệ An để bán lại có lợi nhuận cao; góp tiền đầu tư kinh doanh xăng dầu tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu để lừa đảo chiếm đoạt của bà Nguyễn Thị Tuyết (ngụ phường Tân Phong, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) số tiền gần 8,1 tỷ đồng.  

Với những thủ đoạn tương tự, Tám và Ban tiếp tục lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 12 tỷ đồng của 5 đối tượng khác, trong đó có cả anh họ của Lê Tân Ban.

Ngoài các vụ việc trên, trong quá trình điều tra, Cơ quan công an còn nhận được đơn của nhiều người khác tố cáo Tám và Ban đã cấu kết với nhau lừa lấy của họ số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh Đồng Nai xác nhận đây là các quan hệ dân sự nên đã hướng dẫn đương sự gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo pháp luật.

Tan gia bại sản vì nghe lời “mật ngọt”

Những tỷ phú ngày nào bỗng chốc trắng tay khi trót sa vào bẫy lừa ngoạn mục của “cặp đôi hoàn hảo” là một tay xe ôm và cô bán ve chai học hết lớp 6. Với những ai trót dính vào trò lừa đảo của Tám và Ban, toàn bộ gia sản tích góp bao năm quần quật làm ăn giờ chỉ đổi lại là án tù của những kẻ lừa bịp kia mà thôi.

Dành dụm cả đời người hơn 8 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Tuyết (SN 1958, ngụ phường Tân Phong, TP. Biên Hòa) dùng để lo cuộc sống về già. Nhưng trước chiêu trò hiểm độc cùng lời đường mật của Tám và Ban, bà Tuyết đã dâng trọn toàn bộ tài sản vào những mánh lới làm ăn của cặp “song sát” này. Cuộc sống đầy đủ bỗng chốc biến mất, bà Tuyết đành nuôi lấy thân sống qua ngày đoạn tháng bằng quán cháo lòng vỉa hè đầy cay đắng.

“Vòi bạch tuộc” của Tám tấn công lên cả TP.HCM và nạn nhân chính là họ hàng của anh tài xế Ban. Ông Lê Trường Giang cùng vợ là Nguyễn Thị Hòa (SN 1957, ngụ phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM) là bà con với Lê Tân Ban.
 
Cuối năm 2007, Ban ghé nhà anh chị chơi và giới thiệu là phó giám đốc của Công ty Hiệp Đồng Tâm. Biết anh chị về hưu có nhiều tài sản nên Ban mời tham gia góp vốn đầu tư xây dựng trạm kinh doanh xăng dầu và siêu thị sách tại huyện Vĩnh Cửu với lời hứa là chia lợi nhuận cao. Nghe lời người em họ, vợ chồng ông Giang dốc hết vốn liếng, rồi bán luôn căn nhà để gom tiền đưa cho Tám và Ban thực hiện dự án.

Vợ ông Lê Xuân Hậu khóc nấc lên vì uất hận bởi sản nghiệp đội nón ra đi
Vợ ông Lê Xuân Hậu khóc nấc lên vì uất hận bởi sản nghiệp đội nón ra đi

Cám cảnh hơn là trường hợp gia đình ông Lê Xuân Hậu (SN 1970, ngụ xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu). Nhà nghèo, có 4 mặt con, ông khăn gói xuất ngoại, chấp nhận xa vợ con để làm thuê nơi xứ người. Hơn 10 năm làm lụng vất vả, chắc chiu từng đồng kiếm được để lo cho vợ con.
 
Về nước, ông cũng có số tiền khá lớn gần 10 tỷ đồng hy vọng được đổi đời, con cái có điều kiện ăn học tử tế. Thế nhưng, “đánh hơi” được, Tám và Ban đã lừa lấy sạch trơn. Bốn đứa con đang tuổi ăn học không biết tương lai sẽ như thế nào. Mây đen như bao trùm lấy cái gia đình bé nhỏ ấy, một chút ánh sáng le lói về tương lai sao mà xa vời vợi.
 
Tuy nhiên, “vải mùng không che được mắt thánh”, hành vi lừa đảo của Tám, Ban đã bị các nạn nhân tố cáo và sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan cảnh sát điều tra nên hành vi gian xảo này bị vạch mặt.
 
Ngày 22/4/2013, nữ đại gia xuất thân từ bà buôn bán ve chai và gã xe ôm ngày nào khoác lên mình cái mác doanh nhân thành đạt đã bị truy tố trước vành móng ngựa. TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt Trần Thị Tám 25 năm tù về hai tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lạm dụng  tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Cánh tay đắc lực Lê Tân Ban cũng nhận bản án 14 năm tù với 2 tội danh trên.

Sau bản án sơ thẩm, cho rằng mức phạt còn quá nhẹ so với tội lỗi mà bị cáo gây ra, các bị hại làm đơn kháng cáo theo hướng tăng hình phạt. Lúc này, Tám và Ban cũng làm đơn xin kháng cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Ngày 10/10/2013, TAND Tối cao tại TPHCM đã mở phiên xử phúc thẩm vụ án này. Tuy nhiên, đứng trước vành móng ngựa, cả Tám và Ban đều không hề hối lỗi lại còn lớn tiếng la chửi người bị hại là ngu vì “đầu tư mà không biết tính toán”.

Dưới phòng xử, nhiều bị hại đã khóc nấc và bức xúc khi hai “siêu lừa” này làm họ tan gia bại sản mà còn lên tiếng dạy đời mình. Họ mong muốn cấp phúc thẩm tuyên bản án thật nặng để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và cũng… thỏa nỗi căm hờn. Tuy nhiên, HĐXX cấp phúc thẩm đã bác đơn của cả bị hại lẫn bị cáo, tuyên y án sơ thẩm mà TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên trước đó.

Bản án cuối cùng đã tuyên, kẻ gian xảo, lừa đảo phải đền tội. Tuy nhiên, những bị hại vẫn chưa nguôi ngoai cảm xúc. Từ những người có của ăn, của để, họ bỗng chốc trắng tay bởi quá tin người. Một kết cục không thể chua xót hơn!.

Quốc Anh – Công Quang