Nợ 10 triệu USD, doanh nghiệp “tố ngược” chủ nợ lên Chủ tịch nước
(Dân trí)- Vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng khách sạn Wooshu Plaza (Đồng Nai) đã có phán quyết chung thẩm của TAND tối cao 1 tháng trước nhưng bản án chưa được thi hành khi người đi vay tiền làm “đơn kêu cứu” gửi Chủ tịch nước, tố ngược người cho vay là kinh doanh đánh bạc.
"Có vay" nhưng không "có trả"
Vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng khách sạn giữa Công ty TNHH Vĩnh Tường và Công ty cổ phần Vĩnh Thiện Đồng Nai bắt đầu từ năm 2011. Công ty TNHH Vĩnh Tường do bà Linda Tan Woo (tức Hồ Ngọc Dung) là Chủ tịch bị Ngân hàng Nam Á đòi nợ và dọa phát mại tài sản là khách sạn Wooshu Plaza để thu hồi khoản nợ 188 tỷ đồng.
Trong hoàn cảnh sắp mất tài sản, bà Linda Tan đã tìm kiếm sự giúp đỡ của nhiều người để có tiền trả nợ ngân hàng. Trong số những người giúp bà Linda Tan Woo có bà Vũ Thị Thuận, một người bạn cũ. Khi được biết con trai và con dâu bà Thuận có nhiều bạn bè hoạt động kinh doanh, bà Linda Tan Woo nhờ bà Thuận nói với các con bà tìm người cho mình vay tiền để trả nợ ngân hàng.
Tháng 9/2011, bà Linda Tan Woo và các thành viên góp vốn đã bổ nhiệm chị Hạnh là Phó Giám đốc Công ty Vĩnh Tường để chị Hạnh đứng ra đại diện cho Công ty thực hiện việc vay vốn và trả nợ ngân hàng. Ngày 21/9/2011, chị Hạnh đại diện cho Công ty Vĩnh Tường đã ký hợp đồng vay vốn của Công ty Orient Industry Investment do bà Đồng Thị Lan đại diện với số tiền 209 tỷ đồng (tương đương 10 triệu USD) trong thời hạn 9 tháng.
Theo hợp đồng vay vốn, sau khi trả nợ ngân hàng và xóa thế chấp tài sản tại Ngân hàng Nam Á, Công ty Vĩnh Tường phải dùng hai thửa đất và tài sản trên đất của Công ty tại phường Tân Mai, TP Biên Hòa để đảm bảo cho khoản vay này.
Đến tháng 7/2012, Công ty Vĩnh Tường phải hoàn trả vốn vay cho Công ty Orient. Nhưng cũng giống như khoản nợ của Ngân hàng Nam Á, Công ty Vĩnh Tường cũng không có tiền trả. Việc làm này được Tòa án đánh giá là Công ty Vĩnh Tường liên tục bội ước với những người cho vay.
Không trả được nợ, bà Linda Tan Woo nhiều lần gặp vợ chồng chị Hạnh để xác nhận khoản nợ gốc và nợ lãi rồi khất nợ với lời hứa sẽ bán khách sạn cho đối tác nước ngoài để trả nợ. Sau nhiều lần đòi tiền Công ty Vĩnh Tường không được, đại diện của Công ty Orient sử dụng khoản nợ trên làm vốn góp vào Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai. Và theo hợp đồng vay vốn, Công ty Vĩnh Tường phải giao tài sản cho bên cho vay. Vì vậy, chị Hạnh đã phải đại diện cho Công ty Vĩnh Tường ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản là khách sạn Wooshu Plaza từ Công ty Vĩnh Tường sang cho Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai với giá 228 tỷ đồng để đối trừ nợ.
Khi phải thực hiện nghĩa vụ xuất hóa đơn tài chính và bàn giao tài sản cho Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai, bà Linda Tan Woo đã tuyên bố hủy hợp đồng ủy quyền cho chị Hạnh và không thực hiện việc giao tài sản cho Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai để trừ nợ.
10 triệu USD là tiền góp vốn kinh doanh sòng bạc?
Khi bị Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai kiện đòi giao tài sản theo hợp đồng, Công ty Vĩnh Tường tuyên bố không vay số tiền 10 triệu USD của Công ty Orient. Bà Linda Tan Woo còn tố chị Nguyễn Thị Bích Hạnh lợi dụng việc ủy quyền để ký hợp đồng vay 10 triệu USD “khống” dù thực tế là chị Hạnh đã vay tiền và trả hết khoản nợ gần 200 tỷ cho Ngân hàng Nam Á.
Với những chứng cứ về việc chuyển tiền, Vĩnh Tường trình bày đó là tiền do Orient chuyển để thực hiện “Hợp đồng hợp tác kinh doanh trò trơi đánh bạc tại khách sạn Wooshu Plaza”.
Trong quá trình giải quyết vụ kiện, Giám đốc Công ty Orient là ông Victor Wong đã khẳng định, Công ty Orient không ký hợp đồng hợp tác kinh doanh trò chơi đánh bạc với Công ty Vĩnh Tường. Hơn thế nữa, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an cũng đã giám định chữ ký của đại diện Công ty Orient trong bản “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” mà Công ty Vĩnh Tường nộp cho tòa án và xác định, chữ ký trong hợp đồng không phải là chữ ký thật.
Ngoài ra, Vĩnh Tường cũng không có dự án kinh doanh trò chơi đánh bạc nào được cơ quan chức năng cấp phép. Từ đó, tòa nhận định, không thể có tổ chức, cá nhân nào chuyển cả 10 triệu USD cho công ty này để hợp tác kinh doanh dự án không tồn tại. Tòa xác định, hợp đồng hợp tác kinh doanh mà Vĩnh Tường nêu ra là không thể chấp nhận.
Lên đến tòa phúc thẩm, HĐXX cho rằng, việc Vĩnh Tường vay tiền của Orient là rõ ràng ngay từ đầu. Việc Vĩnh Tường bổ nhiệm chị Hạnh làm Phó GĐ cũng nhằm mục đích để người này đứng ra vay tiền cho công ty. Ngoài ra, công ty còn ủy quyền để chị Hạnh là người duy nhất quản lý, sử dụng tài khoản để vay tiền và trả nợ ngân hàng. Sự thực thì bằng khoản tiền vay được, chị Hạnh đã trả hết nợ mà Công ty Vĩnh Tường nợ Ngân hàng Nam Á.
Vì những lý do đó, Tòa phúc thẩm buộc Công ty Vĩnh Tường phải giao khách sạn Wooshu Plaza cho Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai để đối trừ khoản nợ đã vay.
Sau khi thua kiện, bà Linda Tan Woo và Công ty Vĩnh Tường tiếp tục gửi đơn “kêu cứu” đến lãnh đạo nhà nước, tố đối tác cho vay đã chuyển tiền vào Việt Nam bất hợp pháp. Trong đơn kêu cứu gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Công ty Vĩnh Tường tiếp tục trình bày về việc hợp tác kinh doanh trò chơi đánh bạc với Công ty Orient cho dù việc này đã được tòa án làm rõ và xác định là không có thật.
P.Thảo