1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Những người thầy "đặc biệt" huấn luyện võ Công an

Sáng làm thầy, tối trở thành học trò; mổ mắt để được nối nghiệp truyền thống gia đình… - đó là hai trong vô vàn những câu chuyện thú vị mà không phải ai cũng biết về các huấn luyện viên võ thuật tại Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ, CATP Hà Nội.

Những người thầy "đặc biệt" huấn luyện võ Công an - 1

Mổ mắt để nuôi ước mơ

Trong số các giáo viên võ thuật tại Trung tâm, Trung úy Nguyễn Hồng Quân (SN 1990) là người trẻ tuổi nhất. Sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều công tác trong ngành Công an, ngay từ nhỏ Nguyễn Hồng Quân đã được bố truyền dạy cho những bài võ thuật của ngành và nuôi ước mơ nối nghiệp gia đình.

“Yêu nghề và để học viên không thiệt thòi, hoàn thành khóa học đúng thời hạn nên nhiều lúc các thầy cũng phải hy sinh khoảng thời gian riêng dành cho gia đình”

Thiếu tá Nguyễn Văn Tuân, Phó Đội trưởng Đội Huấn luyện

Kết thúc 12 năm đèn sách, với vốn võ gia truyền, Quân đăng ký thi vào trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang, Bộ Công an. Tuy nhiên khi kiểm tra sức khỏe theo quy định, anh bị loại vì một bên mắt cận 3,5 diop. Không từ bỏ giấc mơ, Quân xin gia đình đi mổ mắt và ở lần tái khám sau đó, anh đạt tiêu chuẩn sức khỏe để nhập học.

Những học viên cùng trang lứa đều ít nhiều biết về Nguyễn Hồng Quân, 1 trong 10 VĐV đội tuyển Taekwondo trường Cảnh sát vũ trang, được tuyển chọn từ hơn 3.000 học viên.

Tại giải Taekwondo do Bộ Công an tổ chức năm 2011, Quân cùng đồng đội xuất sắc mang về ngôi nhất toàn đoàn cho nhà trường. Ra trường, cầm trên tay quyết định về công tác tại Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ, CATP Hà Nội, chàng trai quê Sóc Sơn đã mất cả đêm không ngủ vì vui sướng, vì được làm công việc đúng với sở trường và đam mê của mình.

Những người thầy "đặc biệt" huấn luyện võ Công an - 2

Từ thầy trò thành vợ chồng

Câu chuyện tưởng chừng như chỉ có trên phim ảnh lại đến rất tình cờ với Thiếu úy Nguyễn Việt Anh, huấn luyện viên võ thuật. Khác với các đồng nghiệp, Nguyễn Việt Anh là con nhà nòi, bố là võ sư Nguyễn Tiến Sơn - HLV trưởng môn phái Võ cổ truyền thuộc Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Từ thuở lên 5, cậu bé Việt Anh đã được bố truyền thụ các bài võ Karate, Taekwondo, Wushu và sau này là Pencak Silat.

Những người theo dõi thể thao không xa lạ với cái tên Nguyễn Việt Anh - VĐV trẻ nhất đội tuyển Việt Nam tại SEA Games 2003 đoạt Huy chương Bạc khi mới 17 tuổi và sau đó giành Huy chương Vàng thế giới 2004 tại Singapore (cùng môn Pencak Silat).

Giải nghệ năm 2011, Việt Anh là VĐV thuộc diện số ít được theo đuổi và tiếp tục cống hiến cho niềm đam mê võ thuật khi trở thành huấn luyện viên võ thuật tại Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ, CATP Hà Nội từ năm 2015.

Với nền tảng sẵn có của một VĐV võ thuật chuyên nghiệp, Nguyễn Việt Anh dễ dàng tiếp thu và bổ sung cho mình những kiến thức về võ thuật CAND và không lâu sau đó được giao nhiệm vụ trực tiếp huấn luyện.

Ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ, thầy Nguyễn Việt Anh quen và sau này nên duyên vợ chồng với cô học trò tại chính lớp học đầu tiên do mình phụ trách.

“Quá trình dạy học, tôi và cô ấy không để ý đến nhau cho đến ngày kết thúc khóa học, lớp tổ chức liên hoan chia tay các thầy, chúng tôi mới có cơ hội ngồi gần, trò chuyện và mến nhau từ đó” - anh Nguyễn Việt Anh kể lại - “Như duyên số, sau đó cô ấy tham gia thêm khóa học 2 tháng tại Trung tâm. Mới đây, chúng tôi vừa chào đón cô con gái đầu lòng”.

Vui sống với nghề cao quý

Nghề làm thầy vốn dĩ vất vả, đặc biệt với đặc thù là huấn luyện võ thuật cho lực lượng CAND còn vất vả hơn khi điều kiện làm việc hoàn toàn ở ngoài trời. “Mùa hè nắng 40 độ C vẫn “phơi” mặt đủ 8 tiếng mà mùa đông mưa rét căm căm cũng phải dầm mình. Cứ mỗi một mùa hè đi qua là thầy nào thầy nấy mặt đen nhẻm”, thầy Nguyễn Hồng Quân tâm sự.

Thầy Nguyễn Việt Anh thì đều đặn một tuần 6 buổi, chưa kể nếu học viên nào bị ốm hoặc bận việc gia đình xin nghỉ thì sau đó phải tổ chức dạy phụ đạo vào chủ nhật, hoặc vào các buổi tối đối với học viên là chiến sĩ nghĩa vụ sinh hoạt tập trung tại Trung tâm.

“Yêu nghề và để học viên không thiệt thòi, hoàn thành khóa học đúng thời hạn nên nhiều lúc các thầy cũng phải hy sinh khoảng thời gian riêng dành cho gia đình”, Thiếu tá Nguyễn Văn Tuân, Phó Đội trưởng Đội Huấn luyện, người làm công tác giảng dạy từ những ngày đầu thành lập Trung tâm chia sẻ. Bản thân thầy Nguyễn Văn Tuân cũng có nỗi lo lắng riêng khi thường xuyên phải gửi nhờ con ở bảo vệ trường mầm non để cho kịp giờ đứng lớp huấn luyện vào mỗi buổi sáng.

Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng vượt lên trên hết là tình yêu nghề và niềm vui mà những người thầy đặc biệt ngoài bảng đen phấn trắng tìm thấy trong công việc. Thiếu tá Nguyễn Văn Tuân cho biết đội có 16 người với tôn chỉ là “16 người như 1”. Từ lãnh đội đến các giáo viên đều quan tâm, chia sẻ với nhau những buồn vui, cũng như khó khăn của cuộc sống để tìm cách sẻ chia, tháo gỡ. Từ đó có thêm động lực và thêm yêu công việc cao quý của mình - đó là huấn luyện, bồi dưỡng võ thuật cho những cán bộ chiến sĩ Công an Thủ đô chính quy, tinh nhuệ.

Theo Thuần Thư

An ninh thủ đô