1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Những “điểm mờ” trong vụ án lừa đảo có sự tham gia của cán bộ ngân hàng

Hoàng Lam

(Dân trí) - Bị cáo Phạm Thị Thủy kháng cáo kêu oan nhưng không được chấp nhận. Tòa phúc thẩm nhận định cấp sơ thẩm có nhiều thiếu sót, trong đó quy kết số tiền các bị cáo chiếm đoạt ít hơn thực tế.

Cho vay hơn 1,6 tỉ, kết luận bị chiếm đoạt 400 triệu

Ông Nguyễn Công Hải (trú tại thị trấn Yên Thành, Nghệ An) là nạn nhân trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Bùi Thị Oanh (SN 1988) và Phạm Thị Thủy (SN 1982), cùng trú tại Yên Thành thực hiện.

Những “điểm mờ” trong vụ án lừa đảo có sự tham gia của cán bộ ngân hàng - 1
Ông Nguyễn Công Hải cho vay hơn 1,6 tỉ đồng nhưng cấp sơ thẩm kết luận ông bị chiếm đoạt 400 triệu đồng.

Theo bản án sơ thẩm của TAND huyện Yên Thành, khoảng tháng 7/2017, do nợ nần nên Oanh nhờ chị gái chồng vay 100 triệu đồng tại một chi nhánh ngân hàng nhà nước trên địa bàn. Oanh tâm sự với Thủy (cán bộ chi nhánh ngân hàng này) tình cảnh hiện tại, Thủy “hiến kế” cho Oanh tìm người có tiền để vay đảo khế xoay vòng trả nợ với điều kiện phải trích tiền công cho Thủy.

Cơ quan điều tra xác định bằng thủ đoạn gian dối (nói có người cần vay tiền đảo khế), Oanh và Thủy vay và chiếm đoạt của ông Nguyễn Công Hải 400 triệu, trong đó Oanh chiếm đoạt 210 triệu, Thủy chiếm đoạt 190 triệu. Ngoài ra Bùi Thị Oanh còn chiếm đoạt của anh Nguyễn Phúc Lai (trú TP Vinh) số tiền 40 triệu đồng thông qua việc vay nợ để đáo nợ ngân hàng.

Phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo có sự tham gia của cán bộ ngân hàng

Cả hai bị cáo bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Với tội danh này, bị cáo Bùi Thị Oanh bị TAND huyện Yên Thành tuyên phạt 7 năm tù, Phạm Thị Thủy 8 năm tù. Cấp sơ thẩm cũng buộc bị cáo Oanh trả 210 triệu, Phạm Thị Thủy trả 190 triệu đồng đã chiếm đoạt cho ông Nguyễn Công Hải.

Cấp sơ thẩm có nhiều thiếu sót

Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Phạm Thị Thủy có đơn kháng cáo kêu oan. Bị hại Nguyễn Công Hải cũng kháng cáo, yêu cầu hủy án sơ thẩm vì cho rằng số tiền bị chiếm đoạt nhiều hơn số tiền được kết luận trong quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm.

Những “điểm mờ” trong vụ án lừa đảo có sự tham gia của cán bộ ngân hàng - 2
Bị cáo Phạm Thị Thủy nguyên là cán bộ một ngân hàng nhà nước có chi nhánh tại Yên Thành.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Phạm Thị Thủy giữ nguyên nội dung kháng cáo, không thừa nhận hành vi phạm tội như cấp sơ thẩm quy kết.

Thủy cho rằng tất cả khai nhận của bị cáo Oanh cũng như lời khai của các bị hại, người liên quan, nhân chứng không đủ căn cứ để buộc tội bị cáo; các tài liệu chứng cứ không đủ tính pháp lý xác định bị cáo là đồng phạm của Oanh trong việc lừa đảo chiếm đoạt 400 triệu đồng của ông Hải.

Bị cáo Thủy cũng cho rằng không có tài liệu chứng cứ nào chứng minh có sự thỏa thuận cũng như làm ăn giữa mình và Oanh. Phạm Thị Thủy chỉ nhận giúp Oanh khi Oanh nhờ rút tiền khi có người gửi vào tài khoản ngân hàng của Thủy.

Tại phiên phúc thẩm, ông Hải đưa ra các chứng cứ thể hiện trong khoảng thời gian từ 22/8 - 5/9/2018 ông đã 6 lần chuyển tiền vào tài khoản của Thủy, với tổng số tiền hơn 1 tỉ 675 triệu đồng. Chi tiết này phù hợp với lời khai của bị cáo Oanh trong quá trình điều tra, xét xử.

Các tài liệu cũng chứng minh Thủy rút và giao cho Oanh 1 tỉ 485 triệu đồng. Bị cáo Oanh trả lại cho ông Hải 560 triệu. Hiện nay ông Hải đang bị chiếm đoạt 1 tỉ 115 triệu đồng.

Những “điểm mờ” trong vụ án lừa đảo có sự tham gia của cán bộ ngân hàng - 3
Bị cáo Bùi Thị Oanh.

Sau 3 ngày nghị án, trong buổi tuyên án diễn ra vào ngày 6/10, HĐXX cấp phúc thẩm đã đưa ra những nhận định về vụ án.

Cấp phúc thẩm thấy rằng có căn cứ xác định bị cáo Oanh chiếm đoạt của ông Hải 1 tỉ 115 triệu đồng, không phải là 400 triệu đồng như cấp sơ thẩm tuyên. Việc cấp sơ thẩm kết luận bị cáo Thủy đồng phạm với bị cáo Oanh và chiếm đoạt 190 triệu đồng của ông Hải là thiếu sót.

“Hành vi này của bị cáo Thủy là thuộc 1 trong 6 hành vi mà bị cáo Oanh đã lừa đảo. Căn cứ lời khai của bị cáo Oanh và bị hại Hải thì thấy có dấu hiệu đồng phạm nhưng thấy chưa có căn cứ pháp lý vững chắc để kết luận bị cáo đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay phạm vào tội độc lập khác”, chủ tọa nhận định.

HĐXX cũng nhận định cấp sơ thẩm xác định bị cáo Oanh chiếm đoạt của bị hại Nguyễn Hữu Lai 40 triệu đồng là sai. Các tài liệu chứng cứ cho thấy Oanh đưa ra lý do gian dối để vay của ông Lai 550 triệu. Hành vi chiếm đoạt tài sản của bị cáo Oanh đã hoàn thành khi nhận số tiền này từ nạn nhân.

“Khi bị ông Lai phát hiện, bị cáo Oanh đã trả được 510 triệu, còn thiếu 40 triệu. Đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chứ không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự. Bản án sơ thẩm còn thiếu sót trong phần quyết định không buộc bị cáo Oanh phải bồi thường cho ông Khai số tiền còn chiếm đoạt là 40 triệu đồng”, chủ tọa nhận định.

Từ các nhận định trên, cấp phúc thẩm thấy rằng cấp sơ thẩm kết luận các bị cáo đồng phạm chiếm đoạt tài sản theo khoản 3, điều 174 Bộ Luật hình sự là điều tra, truy tố, xét xử chưa đầy đủ; có căn cứ suy luận các bị cáo phạm tội chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, vi phạm khoản a, điểm 4, điều 174 Bộ Luật hình sự; việc điều tra, xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo là không đúng thẩm quyền.

HĐXX tuyên bố không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo, chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại, tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ cho TAND huyện Yên Thành giải quyết vụ án theo quy định.