Những “bao công“ thời nay trải lòng
"Ai lại không trĩu nặng băn khoăn, day dứt khi phải tuyên án tử, cho dù bị cáo đáng ngàn lần tội chết?. Bởi dù sao thì họ vẫn là một con người, nên người Thẩm phán cũng động lòng trắc ẩn…" - thẩm phán Ngô Hồng Phúc chia sẻ.
Tết đến Xuân về thường là lúc người ta chỉ nói đến những chuyện vui vẻ, may mắn, hạnh phúc sum vầy. Nhưng với những người vinh dự Nhân danh Nhà nước giữ cán cân công lý thì có thể vẫn phải "thăng đường" tuyên án, để công lý được thực thi nghiêm minh...
Và sau phút "thăng đường" cũng là lúc người Thẩm phán lắng lòng, trĩu nặng những trăn trở băn khoăn…
Tin vào lương tri con người
Thẩm phán Thân Quốc Hùng, Phó Chánh Tòa Hình sự, TAND tỉnh Bắc Giang, được "cánh" báo chí “quen mặt, biết tên” bởi anh là người “cầm cân nảy mực” trong nhiều vụ án lớn, án điểm, án phức tạp nổi cộm được TAND tỉnh Bắc Giang xét xử.
Trong đó, phải kể đến những vụ án như: vụ Lê Văn Luyện phạm tội “Giết người, Cướp tài sản” xảy ra tại tiệm vàng Ngọc Bích (phố Sàn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang); vụ hai “lão trùm” ma túy Tạ Văn Ưu, Nguyễn Văn Hồng phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy”; vụ án gã bác họ mặt người dạ thú Hoàng Văn Minh phạm tội “Giết người”, “Hiếp dâm trẻ em”; vụ án Hàn Đức Long phạm tội “Giết người”, “Hiếp dâm trẻ em”...
Trong số đó, nhiều vụ án Thẩm phán Thân Quốc Hùng và Hội đồng xét xử đã “buộc lòng” phải tuyên loại bỏ vĩnh viễn kẻ phạm tội ra khỏi đời sống cộng đồng như vụ bị cáo Hoàng Văn Minh vừa bị tuyên án tử hình vào một ngày giáp Tết Quý Tỵ vừa qua…
Năm 2012, Thẩm phán Thân Quốc Hùng đã xét xử tổng số 83 vụ án với 135 bị cáo, trong đó có nhiều án lớn, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo đều phải chịu mức hình phạt cao. Lý giải về việc bản thân luôn được tin tưởng giao trọng trách làm Chủ tọa những phiên tòa lớn, được dư luận đặc biệt quan tâm, Thẩm phán Thân Quốc Hùng khiêm tốn giãi bày:
“Làm chủ tọa những phiên tòa như vậy người Thẩm phán có gặp ít nhiều áp lực về tâm lý, phải hết sức cẩn trọng. Nhưng thú thật, nếu đã “phụng công thủ pháp, chí công vô tư” thì chúng tôi chỉ có một “sức ép” duy nhất đó là sự công bằng pháp luật, là đảm bảo cho quyền lợi ích hợp pháp của công dân phải được thực thi.”
Ngoài việc áp dụng chuyên môn nghiệp vụ vững vàng để xử án, Thẩm phán Hùng còn xét xử bằng tất cả niềm tin ở lương tri con người. “Nếu bị cáo còn có khả năng cải tạo thành người tốt, dù chỉ là “đỗ vớt” thì chúng tôi cũng cố gắng cho bị cáo cơ hội được sống, được cứu chuộc lỗi lầm. Tất nhiên quyết định cuối cùng là của tập thể, của Hội đồng xét xử”- Thẩm phán Hùng chia sẻ.
Vỡ òa hạnh phúc khi trao quyết định ân xá, đặc xá
“Ai lại không trĩu nặng băn khoăn, day dứt khi phải tuyên án tử, cho dù bị cáo đáng ngàn lần tội chết?. Bởi dù sao thì họ vẫn là một con người, nên người Thẩm phán cũng động lòng trắc ẩn”, TS Ngô Hồng Phúc, Phó Chánh Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội, bắt đầu cuộc trò chuyện như những lời tự sự với chính mình.
Ông Ngô Hồng Phúc từng nhiều năm đảm nhiệm vị trí Phó Chánh án phụ trách mảng án hình sự của TAND tỉnh Hà Tây (cũ), từng nhiều năm làm Chủ tịch Hội đồng Thi hành án tử hình.
Nếu như khi phải tuyên án tử hình, tuyên bố phải loại bỏ vĩnh viễn một kẻ tội đồ ra khỏi cộng đồng, tâm trạng người Thẩm phán trĩu nặng day dứt bao nhiêu, thì niềm vui lại nhân lên gấp bội, đôi khi vỡ òa niềm hạnh phúc khi nhận được quyết định ân xá hoặc khi được trao quyết định đặc xá cho những phạm nhân.
Vị Thẩm phán “mũ cao áo dài” tâm sự rất thật lòng: “Khi trao quyết định tha bổng cho các phạm nhân, thú thật là chúng tôi mừng cho họ, cảm giác như họ chính là người thân của mình may mắn được pháp luật mở lượng khoan hồng vậy”.
Trong tâm trạng ấy, những khi trao cho phạm nhân “tấm vé tự do” để trở về với cộng đồng, ông Phúc bao giờ cũng ân cần nhắc nhở, dặn dò họ hãy trở về làm ăn lương thiện, đừng bao giờ giẫm chân vào con đường cũ…
Lắng lòng sau phút “thăng đường”
Mùa Xuân này là năm thứ 37 Thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Phương, Phó Chánh án TAND TP Hà Nội, giữ vai trò là người giữ cán cân công lý, trước khi được nghỉ chế độ.
Tốt nghiệp trường cán bộ tòa án, người con gái vùng “quê lụa” này tình nguyện “đi tăng cường” cho ngành TAND tỉnh Hậu Giang. Đến nay, chị Phương vẫn là một trong số ít nữ Thẩm phán trong cả nước từng đảm nhiệm chức vụ Chánh Tòa Hình sự cấp tỉnh, trước khi giữ vai trò Phó Chánh án.
Cuộc đời chị Phương gắn bó với những phiên tòa, với những cảnh hợp tan, tù tội, có rất nhiều nước mắt nhưng cũng không ít niềm vui. Chị Phương thở dài cho biết, biết rằng tâm lý của người Việt là rất kiêng kỵ, tránh việc “vô phúc đáo tụng đình”, nhưng vì sự công bằng và nghiêm minh của pháp luật, người Thẩm phán vẫn phải giấu những “niềm riêng” để hoàn thành nhiệm vụ.
“Biết rằng vì nhiệm vụ công tác, vì sự nghiêm minh và công bằng của pháp luật nhưng sau mỗi phiên tòa, trong lòng người Thẩm phán vẫn chất chứa những băn khoăn, nỗi niềm, thương lắm mà không thể nào làm khác được”, vị nữ Phó Chánh án trải lòng…