1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Nhóm cán bộ, bác sỹ Bệnh viện Nội tiết trung ương trục lợi tiền ngân sách

Thực hiện việc tổ chức các lớp tập huấn truyền thông ở một số địa phương, nhóm cán bộ, bác sỹ Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã lập chứng từ khai khống hoạt động để chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng ngân sách.

 Nhóm cựu cán bộ, bác sỹ Bệnh viện Nội tiết Trung ương tại phiên tòa
 Nhóm cựu cán bộ, bác sỹ Bệnh viện Nội tiết Trung ương tại phiên tòa

Tại phiên tòa hôm qua (11-11), Lê Phong (SN 1958, trú tại ngõ Thái Thịnh 2, phường Thịnh Quang, Đống Đa) - cựu Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Nội tiết Trung ương bị đưa ra truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 281-BLHS. Cũng với tội danh này, Mai Anh Tuấn (SN 1971), Nguyễn Quốc Việt (SN 1973) - cùng nguyên Phó Phòng chỉ đạo tuyến; Vũ Minh Phúc (SN 1983), Nguyễn Thị Ngọc Anh (SN 1988) và Nguyễn Văn Tuấn (SN 1985) - cùng nguyên cán bộ Phòng chỉ đạo tuyến và kỹ thuật viên, Bệnh viện Nội tiết Trung ương lần lượt bị đưa ra xem xét về tính chất, mức độ tội phạm đã thực hiện.

Tài liệu truy tố tại phiên tòa xác định, từ tháng 10-2010 đến tháng 12-2011, Lê Phong (khi đó giữ chức Phó Phòng chỉ đạo tuyến) cùng các đồng cấp, bác sỹ và nhân viên dưới quyền đã có hành vi làm trái công vụ để trục lợi cho bản thân. Theo đó, các bị cáo vốn được giao nhiệm vụ tổ chức các lớp tập huấn truyền thông về phòng chống thiếu hụt i-ốt ở Ninh Bình, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và phòng chống bệnh đái tháo đường ở Thái Nguyên, Yên Bái, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Bạc Liêu cho đội ngũ y tế cơ sở. Để có tiền bỏ túi, nhóm cựu cán bộ, bác sỹ này đã khai khống 1 ngày tập huấn thành 2 ngày và lập danh sách học viên nhận tiền ăn, ngủ nhưng lại để trống mục số tiền học viên được nhận.

Sau đó, khi các học viên tham dự lớp tập huấn đã ký đầy đủ tên, tuổi thì nhóm cán bộ, bác sỹ của Bệnh viện Nội tiết Trung ương mới “bổ sung” số tiền vào danh sách. Ngoài ra, một số lớp tập huấn ở nhiều tỉnh, thành không phải thuê hội trường mà sử dụng cơ sở vật chất của ngành tại địa phương, song lại được các bị cáo “vẽ” ra hợp đồng, thanh lý và hoàn tất chứng từ quyết toán bằng các hóa đơn của khách sạn, nhà khách. Bằng thủ đoạn này, Lê Phong cùng đồng phạm đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 275 triệu đồng của Nhà nước.

Một trong những lần trục lợi ngân sách của bị cáo Lê Phong cùng đồng phạm là ngày 19-11-2010, Vũ Minh Phúc có giấy đề nghị tạm ứng 47 triệu đồng của cơ quan để chi phí cho lớp tập huấn bệnh lý tuyến giáp tại tỉnh Ninh Bình. Ngay sau đó, Phúc móc ngoặc với một nữ đối tượng người địa phương lập khống hợp đồng và thanh lý kèm theo trong việc thuê hội trường khách sạn phục vụ lớp tập huấn.

Ngày 22-11-2010, lớp tập huấn này có 60 học viên tham gia và chỉ thực hiện trong vòng nửa ngày. Tuy nhiên kết thúc lớp tập huấn, Phúc lại lập báo cáo lớp học kéo dài trong 3 ngày liên tục với các chi phí tính trên đầu học viên là 100.000 đồng tiền ăn/ngày; 250.000 đồng/phòng ngủ, trong 2 ngày và tiền thuê hội trường, khánh tiết mất hơn 8 triệu đồng. Toàn bộ số tiền khai khống ấy, sau đó được Lê Phong ký duyệt để trình lãnh đạo Bệnh viện nội tiết Trung ương quyết toán với tổng số tiền hơn 56 triệu đồng.

Bằng “thủ thuật” này, Phúc và Phong đã bỏ túi khoảng 35 triệu đồng. Quá trình điều tra, các học viên tham dự lớp tập huấn tại Ninh Bình khẳng định họ chỉ được tập huấn đúng nửa ngày và không phải ai cũng được nhận 100.000 đồng tiền ăn/ngày.

Tương tự đợt tập huấn ở Ninh Bình, ngày 30-11-2010, Mai Anh Tuấn và Nguyễn Thị Ngọc Anh được cơ quan giao nhiệm vụ phối hợp với ngành chức năng cơ sở tổ chức lớp tập huấn về phòng chống thiếu i-ốt ở TP. Hồ Chí Minh. Dù mượn được hội trường và không phải chi tiền ngủ cho học viên, nhưng cả 2 vẫn lập khống chứng từ thanh toán. Thậm chí còn “ăn chặn” cả tiền bồi dưỡng của các học viên vì thực tế lớp tập huấn chỉ diễn ra 1 ngày nhưng trong mục chi tiền cho những người tham gia lớp học lại được nâng lên thành 3 ngày và còn “đội” cả số lượng học viên.

Việc làm đó khiến ngân sách của Nhà nước bị mất hơn 45 triệu đồng. Quá trình thực hiện lớp tập huấn ở TP. Hồ Chí Minh, tuy không được giao nhiệm vụ nhưng Vũ Minh Phúc vẫn rất tích cực giúp đỡ đồng nghiệp trong việc thanh quyết toán chứng từ lập khống.

Bị đưa ra xét xử tại tòa án, các bị cáo đều tỏ rõ thái độ ân hận và thành khẩn khai nhận hành vi trục lợi của bản thân. Sau 1 ngày mở tòa, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã làm rõ hành vi của Phó Giám đốc trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến và đồng phạm. Tuy nhiên, do hết thời gian làm việc trong ngày nên tòa án quyết định sẽ đưa ra các phán quyết cụ thể đối với từng bị cáo vào hôm nay, 12-11.

Theo Trịnh Tuyến

An ninh thủ đô