TPHCM:
Nhiều uẩn khúc từ vụ án nhà báo bị giám đốc dỏm truy sát
(Dân trí) - Cho rằng mình bị hung thủ đến nhà cắt cổ, đập 14 nhát búa vào đầu… suýt mất mạng nhưng kẻ thủ ác chỉ bị truy tố tội “Cố ý gây thương tích” là không đúng với bản chất vụ việc, nạn nhân đã kháng cáo theo hướng đề nghị quy tội "Giết người".
Đăng tin quảng cáo hay đòi nợ?
Trước đó, ngày 14/1, TAND Q.Gò Vấp đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Lợi (SN 1983, P.15, Q.Tân Bình) 5 năm tù giam về tội “Cố ý gây thương tích” đối với nhà báo Nguyễn Đức Thành. Tòa cũng buộc bị cáo Lợi bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần cho ông Thành số tiền 150 triệu đồng.
Theo lời khai của bị cáo Nguyễn Hữu Lợi trước vành móng ngựa, thì trước đây Lợi là giám đốc công ty TNHH SN – TM XNK Nguyên Lê. Năm 2009, ông Nguyễn Đức Thành có vay của Lợi 150 triệu đồng. Do thời gian vay khá lâu, công việc làm ăn lại có vấn đề, nhiều lần Lợi đòi nhưng ông Thành vẫn không chịu trả.
Khoảng 20 giờ ngày 20/3/2012, Lợi đi bộ một mình tới nhà ông Thành ở Gò Vấp. Lúc này, ông Thành ở nhà một mình tiếp Lợi tại phòng khách và trao đổi công việc đăng quảng cáo, in thiệp vì sắp khai trương xưởng may tại huyện Củ Chi. Trong lúc trò chuyện, Lợi yêu cầu ông Thành trả nợ cho mình thì ông Thành phản ứng và hăm dọa sẽ đăng báo cho công ty Lợi khỏi làm ăn.
Vừa dứt lời, ông Thành bỏ đi xuống nhà vệ sinh. Lợi đi theo và tiếp tục đòi. Lợi cầm dao kề vào cổ ông Thành hù dọa. Hai bên giằng co nhau qua lại. Ông Thành vùng dậy, cắn vào tay Lợi. Lợi liền chụp lấy cây búa để sẵn ở góc tủ đánh vào đầu ông Thành 14 nhát gây thương tích. Thấy máu trong người ông Thành chảy ra nhiều, Lợi vứt bỏ cây búa rồi trốn thoát. Sau đó, cơ quan công an phát lệnh truy nã. Hơn 9 tháng sau, Lợi mới ra đầu thú.
Về phía nạn nhân Nguyễn Đức Thành, trong suốt quá trình diễn ra vụ án, ông vẫn không đồng tình với quan điểm truy tố của VKSND Q.Gò Vấp và cấp xét xử sơ thẩm. Do đó, ngay khi bản án sơ thẩm được tuyên, ông Thành đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án.
Ông Thành cho biết, trong quá trình điều tra, ông đã có đơn đề nghị giám định lại tỉ lệ thương tích nhưng không được chấp thuận. Không đồng thuận quan điểm truy tố, ông Thành đề nghị thay đổi tội danh nhưng cũng bị cơ quan chức năng bác bỏ.
“Dùng búa đóng đinh đập vào đầu tôi 14 nhát, nhát thứ 15 trúng mí mắt. Đánh xong, còn chụp con dao Thái Lan cắt vào cổ tôi. Vậy mà VKSND Q.Gò Vấp chỉ truy tố tội “Cố ý gây thương tích” và TAND Q.Gò Vấp đồng ý với quan điểm đó là không thể chấp nhận được!”, trong đơn kháng cáo, ông Thành ghi.
Ông Thành bác bỏ hoàn toàn những lời khai của bị cáo Lợi tại tòa. Ông Thành khẳng định mình không có bất kì lý do gì để ông vay mượn tiền của Lợi. Ông Thành cũng cho rằng, cây búa mà Lợi dùng để cố sát ông là do bị cáo mang theo. Nhà ông không hề có loại búa đó. Sau khi xuất viện, ông đã mang đến cơ quan điều tra xuất trình cây búa của nhà mình.
“Cáo trạng mô tả hành động tôi cắn vào Lợi khiến bị cáo bị thương. Tôi chứng minh bản thân phải mang răng giả nhiều năm nay. Răng như thế này, nhai thức ăn còn khó, liệu một người lớn tuổi như tôi có cắn được một thanh niên 29 tuổi, to con như Lợi không?”, ông Thành đưa hàm răng giả để phân trần sự việc.
“Lợi dùng búa đánh vào đầu tôi 14 nhát. Rồi lại dùng dao cắt cổ tôi. Tôi còn sống là may mắn lắm. Đến nay, dù vết thương đã lành, chỉ còn sẹo, nhưng tôi vẫn phải chịu những cơn đau đớn. Mỗi lần tắm, tôi không thể xối nước thẳng lên đầu mà dùng tay để ở trên che chắn. Tôi cũng không thể đội mũ bảo hiểm. Hành động tàn ác, để lại hậu quả như thế mà không bị truy tố tội giết người là không đúng”, ông Thành phân tích.
“Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM cho rằng, vụ án này có nhiều vấn đề chưa thỏa đáng.
Theo luật sư Hậu, cả VKS lẫn TAND Q. Gò Vấp đều chưa làm rõ những tình tiết có tính then chốt của vụ án. Đó là việc chiếc búa gây án của ai, Lợi mang đến hay của nhà ông Thành. Số tiền 150 triệu đồng Lợi cho ông Thành mượn liệu có thực?
Về tội danh “Cố ý gây thương tích” với trường hợp của ông Thành, luật sư Hậu lý giải, Lợi dùng búa đập liên tục 14 nhát vào đầu, tức sử dụng công cụ nguy hiểm, tấn công dồn dập vào vùng trọng yếu trên cơ thể nạn nhân. Bên cạnh đó, Lợi còn tiếp tục sử dụng công cụ nguy hiểm đến tính mạng khác là dao, cắt vào vùng cổ ông Thành. Điểm mấu chốt ở đây, Lợi hoàn toàn không có vấn đề về tâm thần, tức đủ khả năng nhận thức việc dùng các công cụ trên, tác động vào những điểm trọng yếu của cơ thể ông Thành sẽ dẫn đến hậu quả chết người. Hơn nữa, bị cáo biết hậu quả của 14 nhát búa và dao cắt vào cổ ông Thành có thể gây chết người nhưng bỏ mặc nạn nhân và trốn truy nã đến 9 tháng mới ra đầu thú thì việc đầu thú này không thể xem là tình tiết giảm nhẹ.
“Theo tôi, vụ án này có dấu hiệu của tội cố ý Giết người, cần cơ quan điều tra làm rõ nhằm tránh bỏ lọt tội phạm”, luật sư Hậu nói.
Cùng quan điểm trên, luật sư Trần Ngọc Trường (Đoàn luật sư TPHCM) cũng cho rằng: “Bị cáo Lợi dùng búa đóng đinh để đập 14 cái vào đầu và dùng dao đâm vào 3 điểm trọng yếu là gáy, cổ và lòng bàn tay của người bị hại là tình tiết dùng phương tiện nguy hiểm để giết người. Thậm chí, bị cáo thực hiện tội phạm một cách man rợ. VKS bỏ qua tình tiết này, không truy tố tội giết người là chưa chính xác”.
Công Quang