Phú Thọ
Nhiều đường dây tín dụng đen ma mãnh bị đánh sập
(Dân trí) - Các hoạt động tín dụng đen không chỉ được quản lí bằng hệ thống phần mềm, để tránh bị xử lí hình sự và qua mặt cơ quan điều tra, các đối tượng hoạt động tín dụng đen thường chuyển hóa hoạt động cho vay nợ bằng hình thức mua bán, thế chấp tài sản….
Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Phú Thọ vừa phát hiện Nguyễn Đức Việt (sinh năm 1989, ở xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy) và Lã Đức Công (sinh năm 1993 ở thị trấn Thanh Thủy) đang có hành vi mua bán số lô, số đề với một số đối tượng.
Tổ công tác đã lập biên bản phạm tội quả tang và tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của hai đối tượng, thu giữ nhiều bản chính, bản sao giấy tờ thể hiện việc vay nợ, cầm cố tài sản với số tiền lớn.
Cơ quan điều tra làm rõ, từ năm 2015 đến nay, Lã Đức Công đã cho 39 người vay với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng; Nguyễn Đức Việt cho 32 người vay trong năm 2018 trên 2,3 tỷ đồng; mức lãi suất trung bình người vay phải trả là 5.000đồng/ triệu/ ngày.
Một đường dây tín dụng đen khác cũng vừa được Phòng Cảnh sát hình sự làm rõ hoạt động cho vay nặng lãi của nhóm đối tượng do Đặng Ngọc Anh (sinh năm 1991 ở khu Đường Nam, thị trấn Phong Châu) và Lê Duy Thành (sinh năm 1996, xã An Đạo đều ở huyện Phù Ninh) cầm đầu.
Quá trình điều tra cho thấy, ở tất cả các hoạt động cho vay của Anh và đồng bọn được quản lý thông qua hệ thống phần mềm trên trang Web có tên “Camdo.biz” mà Ngọc Anh mua với giá 2 triệu đồng trong hơn 2 năm.
Tổng số người vay nợ của Ngọc Anh là 85 người (có trong giấy tờ sổ sách), người vay nhiều nhất là 300 triệu đồng, người vay ít nhất là 05 triệu đồng, lãi suất từ 3.000 đồng - 10.000 đồng/ triệu đồng/ ngày, tổng số tiền lãi suất lũy kế lên khoảng 1,5 tỷ đồng.
Để tránh cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện, Anh soạn thảo hợp đồng giao dịch vay nợ danh nghĩa Đặng Ngọc Anh là Phó Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Anh Tú Phú Thọ với người vay với lãi suất 1%/tháng.
Theo Công an tỉnh Phú Thọ, để thực hiện trót lọt các giao dịch cho vay, khi người vay đến giao dịch thường diễn ra kín đáo, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn như: Ép buộc, thỏa thuận với người vay viết giấy không ghi lãi suất, hoặc tìm cách thu lại các giấy tờ liên quan, chuyển hóa hoạt động cho vay nợ bằng hình thức mua bán, thế chấp tài sản có công chứng hợp pháp hoặc yêu cầu người vay viết giấy nhận tiền để lo công việc nhằm chuyển hướng sang giao dịch dân sự, gây khó khăn trong công tác điều tra.
Nhưng khi người vay mất khả năng chi trả số tiền đã vay cũng như tiền lãi, thì nhóm đối tượng này đã sử dụng nhiều biện pháp tiêu cực để đòi nợ như: Đe dọa, ném chất bẩn; cố ý gây thương tích; hủy hoại, cưỡng đoạt tài sản... gây phức tạp về an ninh, trật tự. Sau khi bị đe dọa, các “con nợ” mới viết đơn thư cầu cứu cơ quan chức năng.
Trung tá Nguyễn Anh Hùng, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm theo tuyến địa bàn, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, nguyên nhân để các hoạt động tín dụng có “đất sống” chủ yếu các giao dịch ngân hàng hiện nay còn khá chặt chẽ khiến người dân tìm đến các giao dịch thuận tiện hơn theo kiểu “tín dụng đen” mà thực chất là vay nặng lãi, không theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, các đối tượng thực hiện các giao dịch cho vay chủ yếu là các đối tượng có tiền án, tiền sự.
Tuấn Hợp