1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Nhiều chủ tiệm vàng ở Hà Nội liên quan vụ "tuồn" 30 nghìn tỷ đồng

Phúc Lâm

(Dân trí) - Cơ quan tố tụng làm rõ 10 cá nhân là chủ của 8 doanh nghiệp vàng bạc trên địa bàn Hà Nội và TPHCM đã giao tiền cho "bà trùm" Nguyễn Thị Nguyệt để chuyển tiền trái phép ra nước ngoài.

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, từ năm 2016 đến năm 2020, sau khi hợp thức được các hồ sơ tạm nhập tái xuất, vợ chồng "bà trùm" Nguyễn Thị Nguyệt (ở Hà Nội) cùng các đồng phạm đã nhiều lần vận chuyển trái phép tổng số tiền hơn 30,4 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài. Qua đó, Nguyệt thu lời bất chính hơn 30,4 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng đã làm rõ các đối tượng liên quan chuyển tiền cho Nguyễn Thị Nguyệt để chuyển tiền trái phép ra nước ngoài. Các đối tượng liên quan là chủ doanh nghiệp, cửa hàng, gồm: vợ chồng chủ Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Thăng Long (phố Hà Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội), vợ chồng chủ Công ty TNHH vàng bạc Lộc Phát (phố Hà Trung, Hoàn Kiếm), nữ Giám đốc Công ty TNHH kinh doanh vàng bạc Minh Châu (phố Hà Trung, Hoàn Kiếm);

Chủ Công ty TNHH phát triển thương mại Tần Vĩnh Phát (phố Hà Trung, Hoàn Kiếm), chủ Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Phủ Văn Hưng (phố Lương Ngọc Quyến, Hoàn Kiếm), nữ chủ doanh nghiệp tư nhân kim hoàn Hùng Vỹ (phường Bến Thành, quận 1, TPHCM), nữ Giám đốc Công ty TNHH thương mại sản xuất Khang Thạnh (phường 15, quận 10, TPHCM) và nữ Giám đốc Công ty TNHH Thao Kim Thanh (phường 14, quận 5, TPHCM).

Cáo trạng nêu, tài liệu thu thập được có trong hồ sơ vụ án chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự đối với các đối tượng liên quan trên. Do đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội đã tách tài liệu vụ án liên quan đến các đối tượng giao tiền, đối tượng nhận tiền từ khách hàng rồi chuyển cho Nguyệt và những cá nhân có tiền chuyển ra nước ngoài để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý sau.

Sai phạm của các cán bộ hải quan

Cũng theo cáo trạng, quá trình điều tra, cơ quan tố tụng đã làm rõ hành vi của một số công chức Hải quan tỉnh Lào Cai và Hải quan Nội Bài.

Cụ thể, ông Trần Xuân Sang (công chức Hải quan tỉnh Lào Cai) đã không chứng kiến và giám sát hết việc chuyển tải hàng hóa liên quan bị can Nguyệt từ xe vận tải sang xe biên mậu, không biết thực tế đã chuyển tải hết hàng hay chưa nhưng vẫn ký xác nhận bảng kê phương tiện.

Hai công chức Hải quan Lào Cai khác là Nguyễn Long Giang và Trịnh Ngọc Toàn không kiểm tra thực tế số kiện hàng do Nguyệt và đồng phạm mua bán để tái xuất sang Trung Quốc, chỉ đối chiếu biển xe biên mậu, bảng kê phương tiện, tờ khai để làm thủ tục xuất.

Quá trình điều tra, ông Giang thừa nhận có 2 lần được các bị can bồi dưỡng tổng số tiền một triệu đồng; ông Toàn không hưởng lợi gì.

Trong khi đó, bị can Nguyễn Văn Thắng (em ruột của Nguyễn Thị Nguyệt) khai, mỗi lần làm thủ tục tái xuất (mở kẹp chì, chuyển tải), Thắng phải đưa cho Trần Xuân Sang 500 nghìn đồng/tờ khai, đưa cho Nguyễn Long Giang và Trịnh Ngọc Toàn một triệu đồng.

Cơ quan tố tụng cho rằng, tài liệu thu thập được có trong hồ sơ vụ án không đủ căn cứ kết luận các ông Trần Xuân Sang, Nguyễn Long Giang và Trịnh Ngọc Toàn nhận tiền như lời khai của Nguyễn Văn Thắng. Hơn nữa, ba công chức hải quan này không biết nhóm của Nguyệt vận chuyển tiền trái phép qua biên giới nên Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội không đề cập xử lý.

Với một số cán bộ công chức Hải quan Nội Bài, cơ quan tố tụng xác định, đối với 15 hồ sơ phân luồng đỏ của các công ty do Nguyễn Thị Nguyệt sử dụng, cán bộ hải quan mặc dù có quyền yêu cầu xuất trình chứng từ, tài liệu có liên quan đến phương pháp giá trị hải quan nhưng đã không thực hiện quyền được giao, dẫn đến không phát hiện được hàng hóa là IC điện tử được khai tăng giá trị nhiều lần.

Bị can Nguyễn Văn Thắng còn khai, mỗi tờ khai nhập khẩu kiện hàng linh kiện IC, Thắng phải chi 5 triệu đồng. Tuy nhiên, các số cán bộ Hải quan Nội Bài khai không hưởng lợi khoản tiền nào. Tài liệu điều tra không đủ căn cứ xác định các cán bộ này nhận tiền từ Nguyệt và Thắng nên Công an Hà Nội không đề cập xử lý.

Quá trình điều tra vụ án, khi mới bị bắt, tạm giữ, Nguyễn Thị Nguyệt và chồng là Phạm Anh Tuấn khai trước đó đã đưa tiền cho một cán bộ công an để không bị điều tra, xác minh về hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Tuy nhiên, sau đó, Nguyệt lại khai không có việc đưa tiền cho cán bộ công an và không có căn cứ chứng minh việc đã đưa tiền.

Những cán bộ công an không thừa nhận đã nhận tiền từ Nguyệt và Tuấn. Tài liệu thu thập được có trong hồ sơ vụ án không có căn cứ chứng minh các cán bộ công an nhận tiền từ Nguyệt và Tuấn nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý.