1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Người vợ vô tâm đẩy chồng vào bi kịch hành hung nhạc phụ

Trong vụ án đối tượng Nguyễn Văn Chiến (SN 1985, ngụ ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) hành hung cha vợ xảy ra vào cuối tháng 9/2011, xâu chuỗi lại những tình tiết của vụ việc người ta thấy thấp thoáng một nguyên nhân từ người vợ.

Sống vô tâm, người vợ này đã góp phần đẩy chồng vào bi kịch hành hung nhạc phụ.

Vợ chồng Chiến ngày còn hạnh phúc
Vợ chồng Chiến ngày còn hạnh phúc

Tình yêu không được đáp đền

Từ xưa đến nay, cả ấp Vĩnh Hưng ai cũng biết tiếng Chiến là một thanh niên chịu thương chịu khó, hiếu thảo với cha mẹ và yêu thương vợ con hết lòng. Thế nên khi hay tin Chiến hành hung cha vợ, bà con lối xóm ai nấy cũng rất đỗi ngỡ ngàng.

Người thân của Chiến thuật lại do sinh ra trong một gia đình nghèo khó có hai anh em, từ nhỏ con trai mình đã ý thức được trách nhiệm lớn lao của một người con cả trong gia đình. Để gánh bớt vất vả cho cha mẹ, bao nhiêu công việc vừa sức trong nhà Chiến đều giành làm hết, để cha mẹ an tâm đi làm thuê làm mướn khắp nơi.

Cần mẫn, chắt chiu lắm cha mẹ anh mới đủ tiền trang trải chi phí sinh hoạt, nào ngờ một tai nạn ập đến khi anh 11 tuổi làm cả gia đình phải lâm vào cảnh điêu đứng. Trong một lần qua lộ, anh bất cẩn bị một xe ba gác tông phải, dẫn đến chấn thương sọ não. Để có tiền chữa trị cho con suốt khoảng thời gian nằm viện, cha mẹ Chiến đành phải bán hết tài sản có giá trị trong nhà và vay mượn thêm một khoản nợ.

Dù đã tận tình chạy chữa nhưng do chấn thương quá nặng nên từ đó thần kinh anh Chiến “có vấn đề”, tuy không đến mức phải vào bệnh viện tâm thần nhưng theo mọi người nhận xét thì “dễ nổi nóng hơn”. Vì thế mọi người cũng thông cảm với anh hơn, thường lựa lời nói ngọt để anh không bị kích động mạnh.

Sau nhiều năm mưu sinh vất vả, cha mẹ anh đều lần lượt qua đời do bệnh tật kéo dài. Để có tiền lo cho đứa em thơ dại và bà nội già yếu, Chiến bắt đầu còng lưng làm mướn mọi nơi khi tuổi đời còn rất nhỏ. Mặc khó khăn cực nhọc, mặc những lời chửi bới, ganh đua, anh chỉ biết nuốt cay đắng vào lòng, “cắm đầu cắm cổ” làm việc suốt ngày, kiếm hai bữa cơm cho cả nhà.

Được người quen giới thiệu, anh xin vào làm công nhân cho một xí nghiệp đông lạnh. Tại đây, anh đem lòng thương chị Trần Thị Diện (SN 1990). Sau thời gian tìm hiểu, anh chính thức qua nhà hỏi cưới cô bạn gái cùng mang gia cảnh đói nghèo.

Dù chi phí sinh hoạt trong nhà luôn thiếu trước hụt sau nhưng tình thương của người chồng này dành cho vợ con lúc nào cũng đầy ắp, khiến hàng xóm ai nấy nhìn vào đều trầm trồ ngưỡng mộ. Nhiều lúc mua gạo xong không đủ tiền mua thức ăn, anh phải đi hái một ít rau lang rồi qua nhà hàng xóm xin hột gà đem về luộc cho vợ con ăn, còn anh lót dạ mì gói qua ngày.

Một người hàng xóm rớt nước mắt nhớ lại: “Có khi ăn mì gói cả tháng trời, ngán đến nỗi không thể ăn được nữa, nó đi xin cơm trộn trong thau của chó ăn. Cứ tưởng nó xin về cho heo, ai ngờ chợt nhìn thấy nó ngồi xơi từng muỗng ngon lành, mọi người phải chạy đến giằng ra, bới cơm khác cho nó”. Khổ là thế nhưng Chiến không có lấy một lời than vãn với vợ con, lúc nào cũng chỉ cười nói vui vẻ để gia đình thêm đầm ấm.

Ông bố vợ quá quắt

Với cha mẹ vợ, Chiến cũng được tiếng là biết đối xử, ngoan ngoãn. Tuy nhiên một lần tình cờ qua nhà vợ chơi, anh sửng sốt khi phát hiện nhạc phụ mình là ông Trần Thanh Dương (SN 1968) đang lén lút nhìn trộm con gái riêng của vợ thay quần áo phía sau bức màn. “Dù từ trước tới giờ nghe mọi người truyền tai về sự lăng nhăng của người cha vợ từng 3 đời vợ này nhưng Chiến vẫn không mấy lưu tâm; chỉ đến khi biết được hành động đê hèn trên, anh tôi mới bắt đầu không xem trọng ông ấy nữa”, em trai của Chiến thuật lại.

Người cha vợ quá quắt này có những lúc còn đẩy chàng rể vào tình huống khó xử. Có hôm giữa đêm đang ngủ, ông điện thoại cho con rể “xin trợ giúp”, bắt chàng rể phải đem 200 ngàn lại nhà trọ cho ông ngay tức khắc vì ông đi “ăn vụng”, ngặt nỗi quên mang theo tiền. Lục hết nhà cũng không đủ số tiền cha vợ đòi nhưng có bao nhiêu anh vẫn gom hết đưa cho ông giải quyết “vấn nạn”. Từ đó anh càng thêm hụt hẫng về nhạc phụ “không ra gì”.

Nhưng điểm mấu chốt dẫn đến bi kịch của Chiến phải tính đến sự hững hờ của vợ. Vợ chồng đi làm suốt ngày, đứa con trai đành phải gửi về nhà ngoại nuôi giữ, đến cuối tuần rước về nhưng nhiều lần anh kêu vợ rước con mãi mà vợ không nghe.

Tuy nhiên đến khi bạn rủ đi nhậu thì chị vợ “đi một nước” đến tối mới về khiến anh chồng ấm ức. Cộng với những tin nhắn ngọt ngào của “bạn trai” nào đó gửi cho vợ mà anh vô tình đọc được, người chồng càng bị kích động. Tối hôm đó Chiến bực tức chửi bới rồi đánh vợ. Không tỏ ra “tay vừa”, chị vợ cuốn quần áo, đem con về nhà ngoại ở và quyết định xin ly hôn.

Ân hận sau khi mình nóng nảy, Chiến đã nhiều lần qua năn nỉ, xin vợ tái hợp nhưng cô vợ thờ ơ; còn người cha vợ lần nào cũng “nói ra nói vào”, không đồng ý cho hai người dọn về sống chung. Cuối tháng 9/2011, chính quyền xã đã mời vợ chồng Chiến lên hòa giải. Sau khi tìm hiểu rõ nguyên nhân, cán bộ đã tìm cách tái hợp cho hai người nhưng chị vợ vẫn nằng nặc không đồng ý.

Kết thúc buổi hòa giải bất thành, người chồng đau khổ ra về. Vừa đến cửa văn phòng, nhìn thấy đứa con trai bé bỏng, bao nhiêu nhớ thương lại dồn về, anh chạy đến mừng rỡ ôm lấy con. Tuy nhiên người cha vợ chứng kiến cảnh này lại lao vào giành lại đứa bé và cấm chàng rể “không được làm phiền đến gia đình tao nữa”. Hai bên cãi vã nhau, cho rằng chàng rể “hỗn xược”, người cha vợ tức giận hăm he: “Mày tin tao kêu xã hội đen lại chém cả dòng họ mày không?”.

Thấy Chiến lẳng lặng bỏ đi, ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm. Nào ngờ một lúc sau chàng rể bất ngờ quay lại với con dao trên tay rồi xông tới rượt chém tới tấp nhạc phụ. Dùng hết sức bình sinh, nạn nhân đạp mạnh vào bụng chàng rể rồi ôm vết thương chạy ra đường cầu cứu, được chuyển đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.

Người chồng nặng tình

Ngày thấy Chiến bị cảnh sát còng tay giải về đồn, bà con láng giềng ngoài việc trách Hai Lúa này quá nóng giận, còn có cảm giác xót lòng vì mọi người đều yêu quý tính hiền từ, hòa nhã của anh trai làng bỗng chốc thành tội phạm.

Em trai của Chiến nghẹn ngào tâm sự: “Trước khi ảnh bị bắt còn với lại dặn tôi phải trả tiền mì gói ảnh mua thiếu người ta nữa. Tội nghiệp! Ai tiếp xúc với ảnh cũng biết vì bị kích động, dồn đến đường cùng nên anh ấy mới phẫn uất nổi nóng như thế. Bị chia lìa vợ con, hỏi sao giữ bình tĩnh được? Hôm lên thăm nuôi, ảnh cứ khóc hoài. Ảnh trách nếu lúc đó không kích động, có thể làm chủ được suy nghĩ của mình thì bây giờ đã không ra nông nỗi này”.

Cầm trên tay sợi dây hình trái tim có khắc tên vợ con Chiến, người em xúc động chia sẻ thêm: “Đây là sợi dây ảnh thắt trong lúc bị bắt giam. Ảnh nhờ tôi đem về đưa cho vợ con ảnh và nói là ảnh luôn nhớ thương hai người nhiều lắm. Tôi không biết chị dâu mình dạo này sống thế nào chứ cháu tôi nó nhớ cha lắm. Nó cũng khóc rất nhiều.

Sợi dây Chiến làm trong trại giam gửi nỗi nhớ vợ con
Sợi dây Chiến làm trong trại giam gửi nỗi nhớ vợ con

Hồi đó lúc chị dâu ẵm nó về ngoại, có lần nó trốn nhà đi phà qua kiếm cha. Lúc đó cháu nó mới hơn 4 tuổi chứ lớn gì, vậy mà gan vậy đó vì nó nói “chỉ muốn ở với cha thôi”. Hôm tòa tuyên án 13 năm tù, ảnh chỉ cúi mặt nhận tội mà không dám nói một tiếng nào. Ảnh hứa sẽ cải tạo thật tốt để mau chóng ra tù kiếm việc làm trả tiền viện phí cho cha vợ và nuôi dạy con ảnh nên người”.

Theo Di Tôn

Pháp luật Việt Nam