Người tố cáo Kiểm sát viên nhận hơn 300 triệu đồng tiền "chạy án" bị truy tố
(Dân trí) - Thông qua Nguyệt móc nối với Trần Tiến Hưng (Kiểm sát viên VKSND TP Hà Nội) để nhờ "chạy" tại ngoại cho em gái trong một vụ đánh bạc, Định đã đưa cho Hưng 200 triệu đồng. Sau đó, Định tố cáo Hưng và phối hợp với cơ quan điều tra (Bộ CA) bắt giữ Hưng khi đối tượng tiếp tục nhận 150 triệu đồng để "chạy án". Sau đó, Định cũng bị VKSND Tối cao khởi tố về tội "Đưa hối lộ".
Hành trình “chạy án” cho em gái
Theo tài liệu của cơ quan tố tụng, ngày 7/11/2014, Phạm Thị Hương Giang (trú ở khu tập thể Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra (C45, Bộ CA) tạm giữ liên quan đến một vụ cờ bạc.
Ngay sau đó, Phạm Duy Định (SN 1990, trú tại Khu Tập thể Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội) là anh trai của Giang đã đến nhờ Đào Minh Nguyệt (trú tại phường Thổ Quan, quận Đống Đa, TP Hà Nội), tìm cách giúp Giang được tại ngoại.
Được Nguyệt nhận lời giúp đỡ móc nối với Trần Tiến Hưng (khi đó Hưng là Kiểm sát viên thuộc VKSND TP Hà Nội), Định đã gặp và nhờ Hưng giúp để Giang được tại ngoại và Hưng đồng ý.
Sau đó, các đối tượng chốt giá vụ "chạy án" là 250 triệu đồng. Số tiền này được các đối tượng thống nhất, đưa cho Hưng 200 triệu đồng để Hưng lo 2 cơ quan tố tụng là Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát, 50 triệu đồng còn lại là phần của Hưng.
Chốt giá xong, chiều 11/11/2014, Nguyệt hẹn Hưng đến một quán cà phê ở phố Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội). Tại đây, Định chủ ý đưa cho Hưng 200 triệu đồng, nhưng thực chất trong túi tiền mà Định chuyển cho Hưng chỉ có 170 triệu đồng. 30 triệu đồng còn lại do Định quên không bỏ vào túi ni lông để đưa cho Hưng.
Sau đó, ngày 15/11/2014, Giang được ra tại ngoại. Tối cùng ngày, Định, Nguyệt, Hưng ngồi tại quán bia trên đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội). Tại đây, Hưng chủ động nói với Định có thể lo cho Giang không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ xử lí hành chính, với giá 250 triệu đồng.
Sau khi gặp Hưng, Định về kể lại chuyện với em gái mình là Phạm Thị Hương Giang thì Giang nói, việc Giang được ra tại ngoại là do chính sách của pháp luật chứ không phải do Hưng hay ai đó tác động.
Từ thông tin Giang trao đổi, Định nghi ngờ Hưng đã có hành vi lừa đảo nhưng Định vẫn giữ lời hứa và tỏ ra “chơi đẹp” nên gửi Nguyệt 20 triệu đồng để cảm ơn Hưng và nhờ Nguyệt nói với Hưng là: "thôi không nhờ Hưng chạy án nữa".
Nhận thấy Hưng có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngày 20/11/2014, Định đã chủ động đến cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ CA) tố cáo Hưng về hành vi lừa đảo và được Cơ quan điều tra yêu cầu Định cộng tác phối hợp làm rõ hành vi phạm tội của Trần Tiến Hưng.
Ngày 21/11/2014, Định nhờ Nguyệt móc nối lại với Trần Tiến Hưng để nhờ Hưng tiếp tục “chạy án” cho Giang được trắng án với giá thoả thuận là 150 triệu đồng.
Tối 22/11/2014, Định, Nguyệt đến quán cà phê trên phố Giang Văn Minh (Ba Đình, Hà Nội) gặp Hưng để giao số tiền 140 triệu đồng cùng 500 USD thì cơ quan CSĐT ập vào bắt quả tang.
Người tố cáo tiêu cực bị đề nghị truy tố
Quá trình điều tra vụ án, cơ quan CSĐT Bộ CA đã làm rõ hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm môi giới hối lộ” của các bị can Trần Tiến Hưng, Đào Minh Nguyệt.
Sau đó, cơ quan tố tụng đã truy tố hai bị can Trần Tiến Hưng, nguyên kiểm sát viên VKSND TP Hà Nội về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và Đào Minh Nguyệt về tội "Làm môi giới hối lộ".
Đối với Phạm Duy Định, cơ quan CSĐT (Bộ CA), nhận định: “Phạm Duy Định có hành vi đưa 200 triệu đồng cho Trần Tiến Hưng để nhờ Hưng lo cho Phạm Thị Hương Giang được tại ngoại có dấu hiệu của tội "Đưa hối lộ" được quy định tại Điều 289 BLHS”.
“Tuy nhiên, sau khi đưa 200 triệu đồng cho bị can Hưng, Phạm Duy Định đã chủ động khai báo và tố cáo hành vi phạm tội của Trần Tiến Hưng với Cơ quan điều tra trước khi bị phát giác. Căn cứ vào khoản 6 Điều 289 BLHS, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) đã xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho Phạm Duy Định. Vì vậy, Cơ quan điều tra không đề nghị xem xét, truy tố Phạm Duy Định về tội "Đưa hối lộ" trong vụ án này”.
Tuy nhiên, quan điểm miễn truy cứu trách nhiệm hình sự của cơ quan CSĐT (Bộ CA) đối với người tố cáo tiêu cực - Phạm Duy Định đã bị VKSND Tối cao không chấp thuận.
Do đó, ngày 11/1/2016, với thẩm quyền của mình, VKSND Tối cao đã ra quyết định khởi tố bị can Phạm Duy Định về tội “Đưa hối lộ” và yêu cầu cơ quan CSĐT (C45, Bộ CA) tiến hành điều tra theo quy định tại Điều 289 BLHS.
Theo yêu cầu của Viện KSND Tối cao, ngày 10/3/2016, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ CA) đã có kết luận điều tra bổ sung vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “làm môi giới hối lộ”, “đưa hối lộ”, đối với các bị can Trần Tiến Hưng, Đào Minh Nguyệt, Phạm Duy Định. Bản kết luận điều tra bổ sung này, cơ quan CSĐT Bộ CA đã đề nghị VKSND Tối cao truy tố Phạm Duy Định về tội danh "Đưa hối lộ".
Sau khi nhận quyết định khởi tố bị can của VKSND Tối cao và quyết định đề nghị truy tố về tội “đưa hối lộ”, Phạm Duy Định đã làm đơn khiếu nại kêu oan gửi các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Theo đơn khiếu nại kêu oan, Phạm Duy Định cho rằng, việc VKSND Tối cao ra quyết định khởi tố bị can là có ý đồ trù dập, khiến những người sau không ai dám đứng lên tố cáo tiêu cực vì sợ tố cáo tiêu cực sẽ bị đi tù?. "Do vậy, tôi mong muốn các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra rõ để tôi được hưởng sự công bằng của pháp luật", Phạm Duy Định đề nghị.
Dân trí tiếp tục phản ánh đến bạn đọc vụ việc này.
Tuấn Hợp