1. Dòng sự kiện:
  2. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2
  3. Xuyên Việt Oil

Lâm Đồng:

Người làm công “phản chủ” gây án mạng kinh hoàng

(Dân trí) - Vụ án hai vợ chồng chủ rẫy cà phê bị người làm công sát hại làm rúng động miền núi. Đây cũng không phải là lần đầu tiên các chủ vườn cà phê phải đối mặt với những người làm công "phản chủ".

Hiện trường một vụ án người làm công sát hại chủ từng xảy ra trước đó
Hiện trường một vụ án người làm công sát hại chủ từng xảy ra trước đó.

Sáng được nhận làm, chiều đã giết chủ

Vốn sống lang thang, không nghề nghiệp ổn định, Nguyễn Văn Thư (18 tuổi, trú tại huyện Thành Phú, Bến Tre) cùng Nguyễn Thành Luân (17 tuổi, ngụ ở huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) đã “dạt” đến tỉnh Lâm Đồng. Qua vài lần lê la ở các quán nước ven đường, hai đối tượng này nắm bắt được thông tin các chủ rẫy cà phê đang cần người làm công nên lần mò đi tìm việc.

Sáng 21/10, cả hai đến nhà vợ chồng Kiều Văn Tư (40 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hoài (38 tuổi, cùng ngụ thôn 7, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) để xin làm công. Vốn là một nhà giáo và đang giữ chức Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Thanh 3, ông Tư thông cảm trước hoàn cảnh khó khăn của hai thanh niên kia nên vui vẻ nhận vào làm công, bao chỗ ăn ở và trả với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng/người.

Sau khi thỏa thuận xong, ông Tư dẫn cả hai vào rẫy cà phê để giao công việc và hướng dẫn cách hái cà phê. Đến chiều cùng ngày, hai kẻ làm công bất nhân đã nổi lòng tham, dùng dây siết cổ chết ông chủ để cướp tài sản.
 
Cùng thời điểm này, bà Hoài vào tìm chồng. Sợ bị bại lộ, bọn chúng tiếp tục dùng tuýp sắt đánh nhiều nhát khiến bà này bất tỉnh tại chỗ. Gây án xong, hai đối tượng này lấy chiếc xe máy bỏ trốn. Riêng các nạn nhân được người dân phát hiện. Do bị siết cổ khá lâu, ông Tư tử vong tại chỗ, bà Hoài bị thương nặng được chuyển đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng.

Nhận tin báo, công an địa phương và lực lượng công an huyện Lâm Hà, các trinh sát thuộc Phòng CSĐT tội phạm (PC45) công an tỉnh Lâm Đồng được huy động vào cuộc truy bắt hung thủ giết người. Chỉ vài giờ trốn chạy, hai kẻ sát nhân đã bị bắt gọn khi bọn chúng đang dò hỏi đường ra khỏi huyện Lâm Hà.

Việc người làm công “phản chủ” cũng từng xảy ra trước đó trên địa bàn. Tuy không nghiêm trọng nhưng gây tổn thất nặng nề cho một gia đình nông dân. Cụ thể, vào đầu tháng 9/2012, chị Duyên (ngụ thôn Lộc Châu 4 tại xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) thuê một người làm công, trả lương 2,5 triệu đồng/tháng bao luôn ăn ở. Khi nhận người vào làm thuê chị Duyên không hề biết rõ lai lịch người này ở đâu ngoài cái tên Sáu (quê Miền Tây).

Nhưng qua vài ngày làm việc thấy người mình mới thuê rất chịu khó nên chị Duyên rất yên tâm. Sau khi lấy được “lòng tin” từ chủ rẫy, trong một lần xuống vườn hái cà phê, Sáu lấy cớ bị đau bụng xin về trước. Lợi dụng lúc nhà chị Duyên vắng người, đối tượng này đã cạy tủ lấy trộm 24 triệu đồng và một xe máy bỏ trốn.

Thận trọng khi nhận người làm

Dù cà phê đang vào mùa thu hoạch nhưng chủ vườn hết sức thận trọng khi tuyển người làm
Dù cà phê đang vào mùa thu hoạch nhưng chủ vườn hết sức thận trọng khi tuyển người làm

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, vào thời điểm hiện tại, việc thu hoạch cà phê trên nhiều địa bàn thuộc tỉnh Lâm Đồng đang bắt đầu vào mùa vụ. Do đặc thù của công việc này cần khá nhiều sức lao động cho việc hái cà, phơi, say lấy nhân… nên nhu cầu tìm người làm công trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Rất nhiều chủ rẫy cà phê đã tìm lao động bằng cách “mua” lại của một số nhà xe chuyên chạy các tuyến từ Lâm Đồng đi các tỉnh Miền Tây. Bà Đỗ Thị Hường (49 tuổi, ngụ huyện Di Linh) kể; dù đã nhờ người quen ở Bình Thuận, TP.HCM tìm giúp người làm công về hái cà phê nhưng vẫn không được. Cuối cùng bà Hường phải ra nhà xe S.C (tại Di Linh) để “đặt mua” 3 người làm công.

Hai ngày sau, nhân viên nhà xe gọi bà Hường ra “nhận hàng”. Trước mắt bà là 3 thanh niên (đều khoảng 20 tuổi) và mức phí mà phía chủ rẫy phải trả cho phía nhà xe là 600 ngàn đồng/người. Dẫn nhóm người mới thuê về đến nhà, bà Hường mới tá hỏa khi cả 3 thanh niên đều không có CMND, hay bất cứ mảnh giấy tờ tùy thân nào.

“Cả 3 thanh niên khi tôi nhận về đều không rõ ở đâu. Có hỏi nhưng mấy anh này chỉ nói là người Khơ me, mẹ là người Việt, bố người Campuchia. Đặc biệt, khi cởi đồ ra tôi thấy ai cũng xăm trổ đầy mình. Lúc đó tôi nghĩ không biết họ thuộc hạng người nào, có đáng tin cậy không nữa” – Bà Hường ái ngại.

Sau vài ngày thử việc, 3 người làm công mà bà Hường thuê về đều không đạt yêu cầu. Thường xuyên ăn nhậu trong vườn, bỏ bê công việc nên bà Hường đã tìm cách “đuổi khéo” nhóm người này. “Thấy ai cũng lầm lầm lì lì, vợ chồng tôi dù không bằng lòng cũng chẳng dám nói nặng lời. Họ không làm được gì nhưng vẫn phải lo tiền bạc đưa cho 3 người này để họ có kinh phí đi tìm việc làm mới. Tránh được mấy người đó vợ chồng tôi nhẹ cả người” – bà Hường kể.

Cũng tại địa bàn huyện Di Linh, Lâm Hà và một số nơi canh tác cà phê thuộc tỉnh Lâm Đồng thì việc tìm người làm công diễn ra khá phổ biến. Nắm bắt được nhu cầu cần lao động nên các nhà xe đã “đổ bộ” về các tỉnh Miền Tây, Tây Ninh, vùng giáp biên giới để “thu gom” lao động rồi về bán lại cho chủ rẫy kiếm lời. Để nhận người làm, mỗi chủ rẫy phải trả phí môi giới từ 300 – 600 ngàn đồng/người. Điều đáng nói, trong số lao động mà các nhà xe đưa về thì hầu hết không rõ lai lịch.

Để hạn chế những hậu quả, rủi ro mà những người làm công “phản chủ” có thể gây ra, kinh nghiệm của nhiều người đã từng tuyển dụng lao động là phải hết sức thận trọng, nên tìm hiểu kĩ nhân thân của người làm thuê, đặc biệt, phải có hồ sơ, CMND và các giấy tờ cơ bản của một công dân. Khi nhận người làm về các chủ rẫy phải đến khai báo tạm trú tạm vắng với chính quyền địa phương nhằm có biện pháp quản lí hữu hiệu nhất.

T.P